Chào cả nhà, mình là thành viên mới của Webtretho. Thực ra mình đã biết webtretho từ lâu lắm rồi nhưng ít khi đọc và tìm hiểu các bài trên web, cho đến 1 ngày mình có baby....


Trước giờ, cứ nghĩ có thai thì cứ thế chăm sóc sức khỏe cả mẹ lẫn bé, ăn uống khoa học thì cứ thế mà đợi... em bé chào đời ! Hic !! Nhưng đến khi mang thai, mình mới hiểu đó là cả 1 con đường gian truân .


Khi thai được 12 tuần tuổi, mình được bác sỹ chỉ định làm double test, rồi đo độ mờ da gáy cho bé...kết quả độ mờ da gáy ở mức bình thường ( 2.1), bác sỹ nói : còn phải đợi kết quả của thử máu và nươc tiểu nữa.. Thế là đợi, nhưng trong lòng chẳng tí lo lắng.


Vài ngày sau, bác sỹ gọi điện thoại, kêu mình đến để báo kết quả, kèm theo câu : nhớ nói ông xã đi cùng !!!


Bữa sau lên tái khám, bác sỹ nói : Bé có nguy cơ mắc bệnh down cao, 1:50 !! Tức : cứ 50 mẹ có cùng thông số như mình thì sẽ có 1 mẹ sinh con bị Down !!!!! Trong khi ngưỡng an toàn thì là 1: 3000, 1:7000. Tự dưng đất dưới chân như sụp xuống !!



Thôi, hãy bỏ qua hết các cảm xúc tiêu cực khi mình đón nhận tin không mấy tốt lành đi, bỏ qua hết những giọt nước mắt lăn dài không dứt, bỏ qua hết những ngày sau đó ăn không ngon, ngủ không yên đi nhé, mình vào thẳng để giải quyết vấn đề trọng tâm.


Mình viết bài này để giúp các mẹ nào chẳng may kết quả sàng lọc dị tật thai nhi không được tốt thì sau khi đọc xong, mẹ cũng nhẹ lòng đôi chút hoặc có thêm kinh nghiệm khi đi chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau...


Sau khi có kết quả sàng lọc dị tật không tốt, thì bác sỹ sẽ yêu cầu mẹ nghe tư vấn. Mình khám ở Từ Dũ, nên bác sỹ yêu cầu mình đi đóng tiền tư vấn ( khoảng 100K), và lúc được tư vấn, thì bắt buộc phải có mặt cả 2 vợ chồng nhé ! nếu chảng may không có chồng ở cạnh thì mẹ sẽ được bác sỹ yêu cầu 01 người thân khác đi kèm.


Vào phòng tư vấn, bác sỹ sẽ giải thích những thông số về bệnh lý mà bé CÓ THỂ mắc phải ( chỉ là có thể và không chắc chắn), nếu ba mẹ bé thấy bất an và lo lắng ( vì biết đâu mình chính là 1 trong 50 người đó thì sao!), thì bác sỹ sẽ chỉ định cho mẹ làm thủ thuật chọc ối ( nếu thai 18,19 tuần trở lên) hoặc làm thủ thuật sinh thiết gai nhau ( nếu thai từ 12~ 16, 17 tuần). Hai thủ thuật này có cùng cơ chế chung là sẽ lấy nước ối, hoặc nhau thai đem đi xét nghiệm ADN, độ chính xác là gần như tuyệt đối, tức 99% !. về độ đau đớn thì bác sỹ nói :" Có thể chịu đựng được", còn mức độ an toàn thì là 99%, chỉ có 1% là có thể sẩy thai.


Bác sỹ sẽ không ép mẹ phải làm, mà bác sỹ chỉ tư vấn cho mẹ và bố nên làm thủ thuật nào, trogn trường hợp bố mẹ quyết định không muốn làm các thủ thuật trên vì sợ ảnh hưởng đến bé, thì có thể về ( nhưng sau đó là những chuỗi ngày dài lê thê ngồi đoán mò không biết con mình có bị sao hay ko!! hoặc phó mặc hên xui !!). Nếu bố mẹ quyết định làm thủ thuật thì bác sỹ tư vấn sẽ đưa cho cả hai 1 tờ giấy cam kết, bố và mẹ đọc kỹ, thấy OK thì ký tên vào ( vì ký rồi thì nếu có chuyện gì thì bố mẹ chịu, bệnh viện không chịu trách nhiệm! Hic)


Mình được bác sỹ tư vấn làm thủ thuật sinh thiết gai nhau do thai còn bé, chỉ mới 15 tuần, chưa có nươc ối nên chỉ lấy nhau.


Thông thường, ở bệnh viện Từ Dũ, thủ thuật sinh thiết gai nhau chỉ có thực hiện vào sáng thứ 3 hằng tuần thôi nhé các mẹ, nên để cho tiện, khi mẹ nào đi khám tư vấn thì nên khám vào thứ 2 để thứ 3 có thể làm ngay mà không phải đợi chờ gì cả.Chứ như mình, do chẳng biết, nên thứ 3 đi khám tư vấn, bác sỹ cho cai hẹn dài lê thê qua sáng thứ 3 của tuần sau!! Thế là trong 1 tuần dài đằng đẵng đó, đêm nào cũng ngủ không ngon vì lo lắng chẳng biết lấy nhau có đau đớn không, có ảnh hưởng đến bé không, v.v và v.v


Sáng thứ 3 của tuần sau đó đã đến, bác sỹ sẽ hẹn mẹ đến thật sớm không phải để làm thủ thuật đâu, mà để bác sỹ kê thuốc cho mẹ uống.


Như mình thì bác sỹ hẹn 7h30 sáng có mặt, khi có mặt tại tầng 2 khu dịch vụ, mình đưa giấy (mà bên tư vấn bảo đưa cho bác sỹ), họ đưa cho mình 1 toa thuốc và yêu cầu mình mua theo toa đó tại quầy thuốc tây trogn bệnh viện ( cũng rẻ, chỉ chừng vài chục ngàn). Sau khi mua thuốc xong, cô y tá yêu cầu mình uống 3 viên ( cô ấy giải thích thuốc đó để chống cơn gò), và ngồi đợi đến...11h mới tiến hành thủ thuật !! HIC! Đợi chờ 3 tiếng !!


VÌ vậy mình có những kinh nghiệm sau để có mẹ nào chuẩn bị làm thủ thuật như mình thì nhớ nhé:


1. Hãy ăn sáng sớm, tức 7h30 mẹ đến bệnh viện thì hãy ăn trước đó hoặc ăn ngay lúc đó cho thật no rồi nghỉ 15 hoặc 20 fut hãy uống thuốc theo chỉ định.


2. Bố nhớ mang theo 1 cây quạt giấy để trong khi ngồi đợi thì quạt cho mẹ đỡ nóng nhé ( Từ Dũ lúc nào cũng đông nghịt nên cho dù có mấy cây quạt công nghiệp chỉa vào người thì cũng chẳng xi nhê)


3.Vì đông nghẹt mà lại còn đợi thật lâu mới được làm thủ thuật, nên chắc chắn ngồi đợi chờ 3 tiếng đồng hồ thì ê ẩm cả mông, nhưng cứ thử đứng lên mà bỏ chỗ ngồi thì sẽ có người khác ngồi ngay , nên mình thấy có 2 trường hợp: 1. nếu quyết định ngồi đợi thì nhớ mang theo tờ giấy báo để.. lót chỗ ngồi trogn trường hợp chẳng còn ghế/ 2. Hai vợ chồng nên tìm 1 quán cafe nào gần đó có ghế sofa êm ái, vừa thư giãn nghỉ ngơi, vừa tàn tàn ăn sáng rồi thong thả uống thuốc, rồi đủng đĩnh 11h30 hãy vô


4. Bố nên đến sớm và gửi xe ở phía sau khu dịch vụ, đừng gửi xe phía trước vì đa số là sẽ không còn chỗ. Ở phía sau khu dịch vụ có đường Lương Hữu Khánh ( khu mới mở Khám hẹn giờ của Từ Dũ), có rất nhiều chỗ giữ xe, bố có thể đến đó gửi xe cực tiện, vì sau khi gửi xe xong là đi thẳng vào khu khám dịch vụ luôn, không phải đi 1 vòng bệnh viện ( nếu như đi cổng trước)


5. Khi đến giờ bắt đầu thực hiện thủ thuật, mẹ hãy đi vệ sinh cho thật sạch nhé, vì trong lúc làm thủ thuật, sẽ rất khó chịu nếu mẹ bị mắc tiểu hoặc mắc cầu, khi đó, có thể do thốn vùng bụng, mẹ có thể bị són ra quần đấy . Nhớ chuẩn bị ít giấy vệ sinh trong giỏ, vì phòng vệ sinh của Từ Dũ cực chán....( không muốn nói rằng TỆ : vừa hôi vừa không có giấy vệ sinh !!)


6.Mẹ đừng ăn vặt lung tung khi sắp làm thủ thuật, vì như vậy sẽ bị đầy bụng khó tiêu, dễ dẫn đến trường hợp sau khi làm xong sẽ bị nôn ói nhé ( kinh nghiệm khi nhìn thấy 1 mẹ ăn lung tung khi sắp làm thủ thuật, làm xong mẹ ấy bước ra khỏi phòng là nôn thốc nôn tháo!!)


7. Bố nhớ đưa cho mẹ 1 cái áo khoác vừa đủ ấm khi mẹ bước vào phòng ngồi đợi làm thủ thuật nhé, vì ngồi đợi bên ngoài thì nóng, nhưng khi bước vô rồi thì ôi thôi, ngồi chừng 5~ 10 phút thì lạnh run, chưa kể nghe tiếng kim loại va vào nhau làm mình sởn cả gai óc, lạnh toát cả người!!


8.Trước khi làm thủ thuật chừng 20 fut, cô y tá sẽ đọc tên từng mẹ và sẽ đưa cho mẹ 1 cái ống nhựa có nắp trên đó có dán tên mình, mẹ hãy kiểm tra chắc chắn rằng cái ống đó ghi chính xác tên mẹ và địa chỉ, số tuổi của mẹ nhé.Vì cũng có trường hợp hai mẹ cùng tên, cùng tuổi, chỉ khác địa chỉ nên khi nghe y tá đọc tên, mẹ vội vàng cầm ngay ống nghiệm có tên mình mà không nhìn phần địa chỉ, như vậy rất nguy hiểm khi nhầm lẫn !!


9. Lúc bắt đầu làm thủ thuật, bác sỹ chẳng gọi tên từng mẹ đâu, vì thường thủ thuật này cũng chỉ có 15~ 20 mẹ làm, nên bác sỹ chỉ mở của phòng rồi các mẹ cứ thế ùa vào, vậy nên ai can đảm thì xung phong làm trước, ai sợ thì làm sau.. Vậy nên, mẹ hãy cố gắng vào phòng sơm và ngồi ngay vào ghế đợi bên cạnh ghế làm thủ thuật để dược bác sỹ làm trước nhé, vì nếu mẹ sợ, cứ ngồi đợi thì bác sỹ sẽ cho mẹ ngồi đợi đến phút...cuối cùng và mẹ sẽ là người cuối cùng được làm thủ thuật đấy ( mình chính là người cuối cùng hôm đó ! hic!)


10. Thủ thuật này chỉ kéo dài trong 5 phút đổ lại, mẹ sẽ được y tá thoa thuốc tê lên vùng bụng để giảm đau, sau đó sẽ có 2 bác sỹ thực hiện thủ thuật. 1 bác thì sẽ dùng máy siêu âm vùng bụng, 1 bác thì dùng kim xuyên qua bụng, sau đó sẽ dò tìm vùng có nhau , quá trình xuyên kim để dò lấy nhau sẽ làm mẹ bị thốn và khó chịu ( nhưng không đau lắm đâu), sau khi tìm thấy nhau, bác sỹ sẽ rút nhau ra bằng 1 cái máy gì đó thông qua cây kim , quá trình rút nhau này chỉ có vài giây. Sau khi xong là mẹ phải đứng dậy ngay để nhường chỗ cho mẹ khác lên nằm, vì vậy, bố nhớ giữ chỗ cho mẹ ( ghế ngồi ngoài hành lang), để mẹ vừa bươc ra khỏi phòng là bố đưa mẹ ra ngồi liền nhé!! Nếu chẳng may ko có ghế trống nào, thì bố hãy xin người nào đó nhường ghế để mẹ ngồi, bởi vì khi làm xong thủ thuật, mẹ sẽ rất khó chịu, vừa thốn thốn khó tả, vừa rêm rêm vùng bụng, cơ thể cứ như vừa mất 1 cái gì đó khó tả lắm. CŨng tùy thể trạng mỗi người, có mẹ sau khi xogn thủ thuật thì tỉnh queo, chỉ hơi nhăn nhó chút xíu, có mẹ thì cơ địa yếu quá hay sao chẳng biết, lả đi, có mẹ vừa bước ra, ói nôn thốc hết thức ăn, có mẹ thì vì sợ và căng thẳng, nên khóc quá trời ( hic! mình là mẹ í đấy!!!)


11. Thường thì sau thủ thuật, bác sỹ sẽ yêu cầu các mẹ phải ngồi lại chừng 1 tiếng để họ xem có mẹ nào bị phản ứng phụ gì không ( băng huyết, đau bụng...) vì vậy bố hãy thủ sẵn cho mẹ 1 chai nước suối và ít đồ ăn dặm cho mẹ ăn đỡ đói nhé ( lúc này chắc cũng đã 1h trưa). Lúc này không những mẹ mệt mà chắc bố cũng rất là mệt vì vừa chờ đợi vừa căng thẳng lo lắng nên bố cũng hãy thủ sẵn cho mình 1 ổ bánh mỳ và 1 ly cafe để có thêm sức khỏe mà chăm cho mẹ, bố nhé !


12. Sau khoảng 1 tiếng, Bác sỹ sẽ trả lại giấy tờ liên quan và sẽ căn dặn những điều cần thiết cho bố ( hoặc mẹ) như uống thuốc, nghỉ ngơi v.v., thông thường sau 2 tuần sẽ có kết quả, lúc đó, bố sẽ đến phòng tư vấn để lấy kết quả mà không cần mẹ đi theo ( bố nhớ mang theo giấy hẹn lấy kết quả, chứ không thì bác sỹ sẽ không cho lấy đâu). Trong 2 tuần đó, nếu chưa đến ngày hẹn để lấy kết quả, mà bác sỹ bất ngờ gọi cho mẹ để lên bệnh viện thì lúc đó mẹ và bố phải đi cùng với nhau nhé ( vì lúc đó kết quả chắc có vấn đề, nên bác sỹ cần có 2 vợ chồng để có thể tư vấn thêm). Nhưng các mẹ đừng quá lo lắng trong thời gian chờ kết quả nhé, vì theo bác sỹ nói với mình ( lúc đó mình chỉ nghĩ bác sỹ nói thế để trấn an tinh thần mà thôi) : cứ mấy trăm ca làm thủ thuật, thì mới có 1 trường hợp kết quả xấu mà thôi. nên các mẹ cứ yên tâm nhé !! CÒn sau 2 tuần mà chẳng có cuộc gọi nào từ bệnh viện thì các mẹ cứ yên tâm là kết quả bình thường nhé!!


13. À, còn cái này giờ mới nhớ ra, khi làm thủ thuật này, mẹ nhớ mang theo khoảng 2.500.000 đ nhé ( hai triệu rưỡi), vì thủ thuật này sẽ tốn hết 2tr2, còn 300 k sẽ là tiền mua thuốc , lặt vặt, hoặc tiền kêu taxi cho mẹ về ( vì có những mẹ mệt, thể trạng yếu, lúc đó bố hãy gọi taxi cho mẹ về)


14. Nếu mẹ ở xa như các tỉnh lân cận, không thuộc phạm vi khu vực HCM, mẹ hãy đăng ký sử dụng dịch vụ trả kết quả xét nghiệm tại nhà nhé, như vậy mẹ sẽ đỡ mất thời gian đi đi lại lại , phí dịch vụ này hình như là vào khoảng 30k ( mình không nhớ rõ lắm)


15. Sau khi về nhà, các mẹ nhớ nằm nghỉ ngơi 2 đến 3 ngày rồi hãy đi làm lại nhé, tránh vận động mạnh, tránh đi lại nhiều. nếu mẹ nào đã có tiền sử sảy thai trước đó thì hãy nghỉ ngơi khoảng 1 tuần luôn nhé! Riêng mình đã có tiền sử sẩy thai 2 lần, nên bác sỹ cũng nói cứ nằm nghỉ ngơi 1 tuần cho khỏe.Vì vậy, mẹ nào chuẩn bị làm thủ thuật này, mà đang lu bù công việc thì cũng phải gác lại vài ngày để dưỡng sức, vì bé mới là quan trọng, các mẹ nhé!



Đó là những trải nghiệm khi mình làm thủ thuật sinh thiết gai nhau tại bệnh viện Từ Dũ cách đây gần 2 tháng ( đầu tháng 9/2013), minh đã trải qua những ngày lo âu, mất ăn mất ngủ khi phải quyết định có nên làm sinh thiết gai nhau hay không, đến giờ sau khi đã làm xong mình thấy mình đã có quyết định đúng đắn ( trước đó mẹ mình nhất định không cho mình làm thủ thuật này vì mình đã có tiền sử sảy mà), kết quả xét nghiệm ADN của bé nhà mình mọi thứ đều bình thường, bé vẫn đang phát triển tốt. Có 1 mẹ hôm cùng làm thủ thuật vơi mình, khả năng dỵ tật thai nhi khá cao ( 1:20), chị cũng đã 45 tuổi, hai chị e có trao đổi số điện thoại để hỏi thăm nhau, thì khi mình gọi hỏi thăm, mẹ cũng bảo kết quả của mẹ cũng tốt, bé bình thường. vậy nên, các mẹ nào đang trogn tình trạng chuẩn bị làm sinh thiết gai nhau, chọc ối, hoặc đang lo lắng bất an chảng biết có nên làm hay không vì sợ ảnh hưởng đến bé mà không dám làm thì hy vọng sau khi đọc xong bài viết của mình, mẹ hãy phấn chấn và yên tâm hơn khi quyết định nhé. ( trước đó mình chẳng biết sinh thiết gai nhau là cái gì, và được mọi người xung quanh(9/10 người) khuyên : thôi, đừng làm, nguy hiểm lắm!!)


Hiện giờ tâm trạng minh rất tốt và thoải mái vì đã có kết quả chính xác, biết bé không sao, nên mình ăn uống cũng ngon miệng hơn, tâm lý thoải mái hơn hẳn...


Chúc các mẹ giữ được tinh thần thật tốt để chào đón bé yêu ra đời nhé!


Thiếu My