Út Em chào các mẹ. Mang thai tháng thứ 7 được coi là thời gian gần chạm đích của mỗi mẹ bầu. Các mẹ cần chú ý hơn về cân nặng khi bắt đầutam cá nguyệt thứ ba này và việc tăng cân là cần thiết để duy trì sức khỏe thai kỳ cho cả mẹ và bé. Đừng cố gắng giảm cân trong giai đoạn này bởi vì việc đốt cháy lượng mỡ trong cơ thể của các mẹ có thể sản sinh ra độc tố toxin gây hại cho thai nhi.



Lượng máu tuần hoàn suốt cơ thể trong tháng này tăng từ 30% lên 50% so với người bình thường. Lượng máu đó là để đáp ứng nhu cầu của thai nhi và bù lại lượng máu chuẩn bị mất lúc vượt cạn.



Các mẹ mang thai tháng thứ 7 nên bắt đầu lịch trình gặp bác sĩ 2 tuần một lần. Ngực của các mẹ lúc này sẽ rò rỉ một chút sữa, gọi là sữa non và các mẹ có thể cảm thấy như có thứ gì đó thắt chặt bụng mình lại. Những cơn đau lưng và khó thở xuất hiện nhiều hơn. Thai nhi hoạt động nhiều hơn trong suốt thời kỳ tam cá nguyệt thứ 3 này và làm các mẹ bị đau.



Những thay đổi về thể chất trong khi mang thai tháng thứ 7





Trong tháng này, những chuyển động của thai nhi bắt đầu có sự thay đổi. Vì không gian trong tử cung trở nên chật chội hơn nên thai nhi thường chỉ thực hiện được những hành động nhỏ như cử động khuỷu tay và đầu gối. Thai nhi có khả năng uốn cong người và vắt chéo chân. Thai nhi tiếp tục tăng cân và cân nặng của bé có thể làm các mẹ mất thăng bằng nên các mẹ hãy cố gắng duy trì tư thế thẳng người.



Dịch âm đạo màu trắng ra nhiều hơn trong tháng mang thai thứ 7 này và ngực có thể tiết ra một chút sữa non. Hiện tượng ợ nóng cũng xảy ra thường xuyên hơn.



Sự phát triển của thai nhi tạo ra nhiều áp lực vào phần cơ hoành, gan, dạ dày và ruột. Sự tăng cân thêm này cũng gây cho các mẹ bị đau lưng. Thời gian này, thai nhi chèn ép vào phổi nên khiến cho các mẹ khó thở hơn.



Xương sườn và khung chậu cũng có cảm giác đau vì thai nhi đã lớn hơn trước. Các mẹ sẽ thấy mình trở nên nặng nề hơn, dẫn đến làm việc gì cũng chậm chạp hơn, đi lại lạch bạch như vịt bầu.



Để giảm sự căng cơ đằng sau lưng, các mẹ cần giữ tư thế thẳng lưng, đi giày đế bệt và sử dụng đệm lót khi nằm ngủ hoặc ngả lưng. Bên cạnh đó, cần kết hợp giữa việc bổ sung dưỡng chất cần thiết và tập những bài tập thể dục phù hợp để duy trì năng lượng và sự chịu đựng chuẩn bị chogiai đoạn sinh nở. Những hoạt động thể chất như bơi cũng rất tốt trong những tháng cuối mang thai này. Đừng luyện tập quá sức các mẹ nhé!



Các cơn co thắt Braxton Hicks vẫn tiếp tục diễn ra khi mang thai tháng thứ 7 và có thể còn thường xuyên hơn trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ. Đây là hiện tượng co thắt các cơ tử cung, có thể xảy ra 20 phút một lần hoặc trong khoảng thời gian như vậy. Những cơn gò Braxton Hicks là sự chuẩn bị của tử cung cho việc sinh nở.



Khi bắt đầu mang thai tháng thứ 7, nhiều hãng hàng không sẽ không cho phép các mẹ bay hoặc yêu cầu cần phải có giấy chứng nhận sức khỏe từ bác sĩ điều trị cho các mẹ để đảm bảo an toàn khi đi lại. Phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba cũng nên tránh những chuyến đi xa bằng xe ô tô vì nó tạo sự không thoải mái. Nếu bắt buộc phải đi đường dài, hãy chắc chắn các mẹ đang ở trạng thái tỉnh táo, thể trạng khỏe mạnh và thỉnh thoảng mỗi giờ nên đi lại khoảng 5 phút để giữ tuần hoàn máu được lưu thông.



Sự phát triển của thai nhi trong thời gian mang thai tháng thứ 7



Trong giai đoạn mang thai tháng thứ 7, thai nhi đã đạt trọng lượng khoảng 1kg và dài 38cm. Cho đến cuối tháng thứ 7, thai nhi bắt đầu có những thay đổi về các bộ phận:



Mí mắt tiếp tục hoàn thiện và có thể mở ra


Phổi cũng đã hít thở được một chút nước ối


Bộ não bắt đầu phát triển hàng triệu các nơ-ron thần kinh nên cần thêm rất nhiều dinh dưỡng


Xương của bé trở nên chắc, cứng cáp và cần được hấp thụ nhiều canxi hơn. Bắt đầu từ giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba, mỗi ngày thai nhi cần khoảng 250mg canxi để hỗ trợ xương phát triển


Giai đoạn mang thai tháng thứ 7 cũng cần theo dõi những chuyển động của thai nhi như tháng thứ 6 để chắc chắn rằng bé vẫn khỏe mạnh. Bình thường, cứ khoảng 2 tiếng đồng hồ, thai nhi sẽ tạo ra 10 cử động như đạp, xoay ngôi, vặn mình…hoặc theo dõi trong khoảng thời gian ngắn là nửa tiếng, nếu trung bình được khoảng 3 chuyển động/nửa tiếng thì đó vẫn là biểu hiện an toàn cho bé. Trường hợp có sự chênh lệch quá lớn, các mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ.



Khám thai trong thời gian mang thai tháng thứ 7



Ở tháng mang thai thứ 7, các mẹ nên đi khám 2 tuần mỗi lần mặc dù cũng chỉ là khám những vấn đề thông dụng như tháng trước:



Cân nặng


Huyết áp


Nước tiểu


Nhịp tim thai nhi


Kích cỡ và hình dạng tử cung


Sưng mắt cá chân, phù chân, đặc biệt nghiêm trọng hơn nếu đi kèm theo những dấu hiệu như đau đầu, thay đổi tầm nhìn, đau bụng…vì nó có thể là biểu hiện của chứng tiểu đường thai kỳ


Nếu mẹ nào xét nghiệm thấy Rh âm tính thì có thể bác sĩ sẽ yêu cầu các mẹ tiêm mũi miễn dịch kháng yếu tố Rh (Rhogam) trong tháng này để ngăn ngừa những biến chứng sau này.


Giai đoạn mang thai tháng thứ 7 là thời gian phù hợp để nói chuyện với bác sĩ hoặc người hộ sinh về kế hoạch sinh con của mình. Có thể hỏi thêm về các vấn đề như rạch tầng sinh môn,phương pháp giảm đau khi sinh…



Những lưu ý đặc biệt khi mang thai tháng thứ 7



Chảy máu



Việc chảy máu sau tuần thứ 28 của thai kỳ thực sự là tình huống khẩn cấp. Có thể chảy máu nhẹ hoặc nghiêm trọng và kèm theo đau bụng.


Nguyên nhân của việc chảy máu trong giai đoạn cuối của thai kỳ bao gồm:



Vấn đề về nhau thai, còn được gọi là nhau tiền đạo – phần nhau thai che lấp một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung hoặc nhau bong non – nhau thai tách khỏi thành tử cung


Vỡ tử cung


Tất cả những trường hợp trên nếu không điều trị ngay thì rất nguy hiểm. Nhau tiền đạo là nguyên nhân gây chảy máu duy nhất có thể được chẩn đoán trước khi xảy ra hiện tượng chảy máu âm đạo vì có thể siêu âm thấy từ tuần 16-20. Nếu mẹ nào gặp phải trường hợp nhau tiền đạo, bác sĩ sẽ chỉ cho các mẹ cách chăm sóc bản thân để giảm nguy cơ bị chảy máu âm đạo.



Nếu các mẹ có dấu hiệu chảy máu nhiều hơn một vài đốm nhỏ khi đi vệ sinh hoặc bị đau bụng trong khi mang thai tháng thứ 7 và tháng sau đó thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được xử lý.



Sinh non



Các mẹ cần tìm hiểu những dấu hiệu chuyển dạ sớm để biết khi nào cần có sự giúp đỡ. Các triệu chứng có thể của việc sinh non là:



Bị đau bụng co thắt nhiều hơn 5 lần mỗi giờ


Chảy máu âm đạo


Tay hoặc mặt bị sưng


Đi tiểu buốt


Đau nhói dạ dày hoặc đau kéo dài


Nôn liên tục


Dịch âm đạo chảy ra nhiều


Đau lưng dưới âm ỉ


Đau tức vùng chậu


Sức khỏe cho các mẹ mang thai tháng thứ 7



Trước tiên, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, các mẹ luôn phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng đầu tiên. Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp cơ thể khỏe về chất chứ không chỉ tăng cân theo số lượng. Ngoài những dưỡng chất cơ bản cho thai kỳ như các mẹ đã biết, các mẹ cần tập trung bổ sung:



Sắt và protein: Để tránh tình trạng thiếu máu trong giai đoạn những tháng cuối thai kỳ, các mẹ nên bổ sung 27mg sắt mỗi ngày thông qua các loại thực phẩm như thịt đỏ, đậu, thịt gia cầm, ngũ cốc…


Canxi: Đây là tháng mà thai nhi phát triển mạnh về xương và răng vì vậy các mẹ nên bổ sung ít nhất 1000-1200mg canxi mỗi ngày. Thực phẩm giàu canxi thường là sữa, sữa chua, yến mạch, cá, các loại hải sản…


DHA: DHA là thành phần giúp các tế bào não phát triển một cách nhanh chóng nên bổ sung vào giai đoạn mang thai tháng thứ 7 là hoàn toàn phù hợp. Các mẹ nên ăn thêm các loại thực phẩm từ trứng, sữa, nước ép để hấp thụ được lượng DHA tốt nhất


Magie: Vừa có công dụng hỗ trợ quá trình hấp thu canxi vào cơ thể, vừa giúp hạn chế tình trạng chuột rút diễn ra thường xuyên vào những tháng cuối như này. Do vậy, các mẹ cần bổ sung khoảng 350-400mg magie trong ngày bằng những món ăn từ hạnh nhân, cám yến mạch, đậu đen, atiso, hạt bí ngô…


Chất xơ: Khi mang thai tháng thứ 7, các mẹ hay bị táo bón nên ăn uống nhiều chất xơ là điều cần thiết. Kết hợp uống nhiều nước và các thực phẩm giàu chất xơ như rau quả, trái cây tươi, đậu, ngũ cốc nguyên hạt…là lựa chọn tuyệt vời cho các mẹ trong tháng này


Mang thai tháng thứ 7 cũng là giai đoạn gần cán đích để chào đón bé yêu. Rèn luyện các bài tập cơ chậu như Kegel hoặc đi bộ nhẹ nhàng là cách tối ưu khiến các mẹ thấy thoải mái và chuẩn bị vượt cạn tốt hơn.