Viêm gan siêu vi B lây truyền qua máu và dịch cơ thể, do vậy loại siêu vi này có con đường thuận lợi để lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và sinh nở. Bạn cần làm gì cho chính mình và con nếu mang thai khi dương tính với siêu vi viêm gan B?



Bà bầu có phải xét nghiệm siêu vi viêm gan B thường xuyên?



Có. Ngay trong lần khám thai đầu tiên, bạn sẽ được thực hiện một loạt xét nghiệm máu, bao gồm cả xét nghiệm viêm gan siêu vi B (HBV) – đây là loại virus có co thể gây ra các bệnh nghiêm trọng như tổn thương gan, ung thư gan và gây tử vong.



Hơn 8 triệu người Việt Nam nhiễm HBV, chiếm tỷ lệ rất cao – khoảng 15% - trong dân số. Đáng lo ngại là nhiều người nhiễm HBV không có triệu chứng và cũng không biết họ đã mang mầm bệnh. Nếu bạn nằm trong số này, bạn có khả năng truyền virus cho con khi sinh. Phát hiện người mẹ mang HBV giúp bác sĩ có thể điều trị cho bé ngay sau khi sinh hoặc phòng lây nhiễm trong quá trình sinh nở.




"Đáng lo ngại là nhiều người nhiễm HBV không có triệu chứng và cũng không biết họ đã mang mầm bệnh." (Ảnh: GettyImages)


Nếu người mẹ âm tính với HBV và chưa chủng ngừa viêm gan B, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn nên tiêm ngừa, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh cao. Vaccine HBV an toàn với thai phụ và không gây ảnh hưởng cho thai nhi.



Bạn có thể nhiễm HBV từ đâu?



Siêu vi viêm gan B là loại siêu vi dễ lây truyền thông qua máu, tinh dịch và các chất dịch cơ thể. Nếu bạn mang mầm bệnh, bạn có thể đã nhiễm virus từ các con đường sau:



- Qua hoạt động tình dục với người mang virus;



- Trong quá trình sinh, nếu mẹ bạn mang virus;



- Dùng chung kim tiêm hoặc vô tình bị kim mang virus đâm phải;



- Dùng chung bàn chải đánh răng hoặc dao cạo râu dính máu (dù ít đến mức mắt thường không nhìn thấy);



- Xỏ khuyên hoặc xăm hình trong điều kiện vô trùng không đảm bảo.



Triệu chứng nhiễm HBV



Nếu bạn nhiễm HBV, bạn có thể cảm thấy rất mệt mỏi. Bạn cũng có thể thấy đau bụng, buồn nôn và nôn, mất cảm giác ngon miệng, đau khớp hoặc vàng da (tròng mắt và sắc da ngả vàng). Tuy vậy, nhiều người mang siêu vi B không có triệu chứng và không biết họ đã bị nhiễm virus.



Khoảng 10-15% số người nhiễm HBV trở thành người mang siêu vi B mãn tính sau 5 năm - tức là cơ thể của họ không thể kháng virus. Trong số này, ¼ chuyển biến thành bệnh lý gan đe doạ tính mạng, và khoảng 20% trong số đó phát triển thành ung thư gan. Ước tính mỗi năm nước ta có đến gần 22 ngàn người tử vong do các bệnh lý liên quan đến HBV.



Nếu mẹ dương tính với HBV, mẹ và bé sẽ được chăm sóc và điều trị thế nào?



Đầu tiên, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm thêm các xét nghiệm máu chi tiết khác để thêm căn cứ về tình trạng nhiễm bệnh và chức năng gan của bạn. Bác sĩ có thể chỉ định một mũi tiêm ngừa viêm gan B (HBIG) chứa kháng thể giúp bạn tránh được các triệu chứng nguy hiểm. Vì virus viêm gan B tác động đến gan nên bạn sẽ phải bỏ rượu hoàn toàn, không chỉ trong thời gian mang thai.



Thông thường, bạn sẽ phải đến chuyên khoa gan để được theo dõi và điều trị tiếp, bao gồm đánh giá chức năng gan theo định kỳ. Mọi người trong gia đình bạn, đặc biệt là chồng (hoặc bạn tình) của bạn cũng cần được xét nghiệm HBV. Nếu những người này không nhiễm virus, họ nên được tiêm vaccine HBV và hãy nhớ sử dụng bao cao su để bảo vệ bạn đời khi quan hệ tình dục.



Sinh con ngã âm đạo và sinh mổ đều an toàn như nhau đối với người mẹ mang siêu vi viêm gan B. Và người mẹ nhiễm HBV cũng có thể cho con bú mẹ miễn là không để núm vú bị nứt hoặc chảy máu.



Ngay sau khi chào đời, con bạn sẽ được tiêm một mũi kháng thể viêm gan B để bảo vệ bé khỏi bị nhiễm bệnh trong một thời gian. Bé cũng sẽ được tiêm vaccine viêm gan B trong 12 giờ sau sinh, và được hẹn lịch tiêm 2 mũi vaccine nữa trong những lần khám tới.



Ba mũi vaccine HBV là đủ để bảo vệ đứa trẻ khỏi siêu vi B trọn đời, và loại vaccine này được khuyến khích cho mọi trẻ sơ sinh dù người mẹ có mang siêu vi viêm gan B hay không. Kháng thể và vaccine có hiệu quả ngừa bệnh viêm gan B cho bé đến 90%.




Vaccine HBC này được khuyến khích cho mọi trẻ sơ sinh dù người mẹ có mang siêu vi viêm gan B hay không (Ảnh: GettyImages)


Sau khi sinh, bạn vẫn phải tiếp tục đến khoa gan để theo dõi và điều trị, vì mang HBV mãn tính có nguy cơ tiến triển thành bệnh lý nghiêm trọng ở gan.



Bé sẽ được chăm sóc thế nào nếu nhiễm viêm gan B?
Nếu bạn mang virus viêm gan B và không được tiêm kháng thể, khả năng truyền virus cho em bé trong khi sinh là 10-20% nếu bé không được điều trị trong 12 giờ đầu sau sinh. Khả năng lây truyền từ mẹ sang con là 80-90% nếu bạn nhiễm viêm gan B trong tam cá nguyệt thứ ba.



Trẻ sơ sinh nhiễm bệnh thường không có triệu chứng tức thì nhưng lại có đến 90% nguy cơ mang virus mãn tính (so với người lớn là 5-10%). Những người mang virus mãn tính có thể lây truyền virus trong suốt cuộc đời họ và có nguy cơ tử vong vì các bệnh lý ở gan hoặc ung thư gan. Không có cách nào chữa trị viêm gan siêu vi B, mặc dù một số loại thuốc tỏ ra hiệu quả trong kiểm soát bệnh gan ở khoảng 40% bệnh nhân.



Ai có nguy cơ cao với HBV?



Vì siêu vi viêm gan B lây truyền qua đường máu và dịch cơ thể, những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất gồm có nhân viên y tế, người trong gia đình dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người bệnh hoặc có bạn tình mang virus, người có nhiều bạn tình và người nghiện ma tuý. Các nước thuộc Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Đông và lưu vực Amazon có tỷ lệ nhiễm bệnh cao.



May thay, HBV có thể phòng ngừa và vaccine có thể bảo vệ bạn suốt đời nếu bạn chưa nhiễm virus. Vì vậy, hãy chủng ngừa nếu bạn nằm trong nhóm có nguy cơ.