Thấm thoát hơn năm trôi qua, vào thời khắc mẹ đang ngồi cầm bút viết vài dòng này tặng con, ký ức của hơn 10 năm về trước ùa về trong lòng mẹ mà có lẽ suốt đời mẹ không thể quên được.


Đúng 10h25 phút sáng ngày 17 tháng 10 năm ấy, Bông đã chào đời trong niềm vui của mẹ và của đại gia đình mình. Bởi vì con là đứa cháu đầu của cả hai họ nên ai cũng đều mong chờ thời khắc hạnh phúc này. Cả nhà mình tập trung rất đông tại bệnh viện để chờ được nhìn mặt con yêu, chỉ có mỗi bà nội con là không thể vào viện được vì bà vừa mổ đầu gối trái đang trong thời gian kiêng đi lại.Nhưng vì bà lúc đó vẫn đang làm trong bệnh viện, bà nghĩ mổ chân xong thì bà sẽ nghỉ phép luôn để chăm sóc mẹ trong tháng đầu sinh con, nhưng vì mẹ sinh sớm hơn dự định nên bà vẫn đang trong thời gian phải ngồi dưỡng vết mổ. Bà sốt ruột lắm nên cứ gọi điện thoại liên tục cho mọi người trong bệnh viện đến khi sinh mẹ tròn con vuông mới thôi. Vì vậy, mọi công việc chăm sóc mẹ tại bệnh viện đều một tay bà ngoại con lo liệu trong sự giúp đỡ của mọi người.

Khi vừa đặt chân vào đến cửa, bà nội con nhanh chóng đi nạng ra đỡ con từ trên tay mẹ bỗng mặt bà biến sắc, bà vội vỗ vào mông con và con khóc ré lên. Sau đó mẹ mới thấy gương mặt bà dãn ra với nụ cười trên môi khi đón đứa cháu đầu tiên. Lúc đó bà không nói gì với mẹ, chỉ bảo mẹ ăn cơm rồi hai mẹ con cùng nghỉ ngơi nhưng thái độ lẫn gương mặt thay đổi của bà nội con lúc đón cháu cứ làm mẹ băn khoăn mãi. Ăn cơm xong, mẹ liền hỏi bà: “Mẹ ơi, sao lúc về mẹ đón cháu từ tay con, mẹ lại vội vàng đánh vào mông cháu ạ?”. Lúc này bà nội con mới nói: “Mẹ định ít lâu sau mới nói chuyện này với con, nhưng nhân tiện con hỏi mẹ, mẹ trả lời con luôn. Do từ viện về, có thể cơ thể con vẫn còn đau bởi vết khâu tầng sinh môn, cộng thêm với việc lần đầu tiên được làm mẹ, nên con vẫn chưa có kinh nghiệm bế em bé mới sinh, con đã bế Bông hơi gập cổ từ viện về nên về nhà Bông có hiện tượng hơi tím tái. Bằng kinh nghiệm 30 năm mẹ làm tại khoa nhi sơ sinh, mẹ đã từng chứng kiến những trường hợp bế bé sơ sinh với tư thế gập cổ đã gây nên hậu quả đáng tiếc cho bé. Nên người mẹ sau khi sinh hãy luôn cố gắng sắp xếp người nhà có kinh nghiệm chăm sóc bé bế bé từ viện về nhà để các bé sơ sinh được an toàn. Lúc mẹ vỗ vào mông Bông thấy bé khóc ré lên mẹ mới thực sự yên tâm con ạ!Mẹ mong rằng, mẹ vẫn khỏe mạnh đến khi con sinh bé thứ hai, mẹ sẽ là người bế cháu từ viện về”.


Nghe bà nội con nói xong, mẹ đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, mẹ tự trách mình đã vội vàng quyết đinh ra viện trong lúc gấp rút, tự trách mình đã không bế con đúng cách để làm bà nội con quá lo lắng khi thấy con hơi bị tím tái, và mẹ tự thấy mình còn rất nhiều điều cần phải học hỏi để trở thành một người mẹ có nhiều kiến thức trong việc nuôi và chăm sóc con, để tránh những rủi ro đáng tiếc mà bản thân không ngờ tới.


Hơn 10 năm qua là một quãng thời gian không ngắn, mẹ đã không ngừng học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy các con cho chính mình. Và mẹ cũng muốn kể ra sự cố nhỏ về con của hơn 10 năm về trước để gửi đến một thông điệp tới các mẹ sắp sinh rằng: “Sau khi sinh xong, nên để người nhà có kinh nghiệm bế em bé về nhà khi cơ thể mẹ chưa hồi phục. Nếu mẹ bắt buộc phải bế bé từ viện về mà không có người thân thì hãy bế con ngửa cổ, tránh hiện tượng bé bị gập cổ sẽ không an toàn cho con”.

Các mẹ, nhất là những mẹ sắp sinh hãy đọc những dòng chia sẻ của mình để tránh xảy ra trường hợp nguy hiểm không ngờ tới như mình của hơn 10 năm về trước nhé!