Khi cợ thể xuất hiện những dấu hiệu chuyển dạ này là mẹ bầu hãy nhanh chóng đến viện để kịp thời đón con yêu nhé!


Các mẹ mang thai sợ nhất điều gì? Em thì không sợ đau đẻ hay đau mổ gì hết mà ám ảnh duy nhất chính là sợ đẻ rớt huhu. Bản thân em chính là 1 sản phẩm đẻ rớt và cái biệt danh “út rớt” cũng gắn liền với em từ lúc chào đời đấy ạ!


Mẹ em kể hồi xưa nhà nghèo phải chạy ăn từng bữa, bầu bì vượt mặt mẹ vẫn làm lụng ngoài đồng, chỉ khi nào đau bụng đẻ thì mới nghỉ để đi đẻ thôi. Ấy vậy mà cả 6 anh chị em của em đều ra đời trót lọt ở trạm xá duy chỉ có em là bị mẹ đẻ rớt ngoài đồng. Mẹ bảo năm đó đang vào mùa gặt mà mẹ cũng chỉ mới bầu hơn 8 tháng thôi, nên cứ đinh ninh là còn lâu mới đẻ, thế là vẫn ra đồng phụ giúp mọi người gặt lúa. Ai nhìn thấy bụng mẹ cũng ái ngại bảo “bụng bầu tụt sâu thế kia thì sắp đẻ tới nơi rồi”, nhiều bà còn bảo “tham công tiếc việc quá coi chừng đẻ rớt có ngày” . Trời xui đất khiến đúng là mẹ em đẻ rớt thiệt các mẹ ạ! Mẹ bảo bữa đó đang lum khum phụ tuốt lúa thì tự nhiên mẹ bị vỡ ối, lúc này ý thức được mình sắp đẻ mẹ giục cha đi tìm bà mụ, nhưng bà mụ chưa tới gì mẹ đã chuyển dạ ngay trên đồng. Và con bé “út rớt” là em ra đời 1 cách bất ngờ như vậy đấy các mẹ. Bây giờ dù lớn nhưng mỗi lần về quê, các cô, các bác trong làng vẫn cứ kêu em bằng cái tên cúng cơm “út rớt” =))


Giờ lấy chồng, có bầu rồi nhưng lúc nào em cũng lo ngay ngáy cái vụ đẻ rớt các mẹ ạ! Em thấy nhiều mẹ chia sẻ có trường hợp chuyển dạ bất ngờ, có mẹ đẻ rơi đẻ rớt con ngoài đường, thậm chí có người đẻ con trong nhà vệ sinh… Ôi đọc mà thấy ám ảnh lắm các mẹ, tự thấy bản thân em còn may mắn vì ít ra cũng “được” đẻ rớt ngoài đồng, có thể coi như là êm ái tý hihi.


Vì lần đầu mang thai nên em chưa có tý kinh nghiệm thực tế nào hết, chỉ toàn hóng hớt học hỏi từ các mẹ bỉm sữa trên diễn đàn nhà mình thôi. Đọc chia sẻ của các mẹ từng bị đẻ rớt em thấy điểm chung của các trường hợp trên là do các mẹ đã bỏ qua các dấu hiệu chuyển dạ cảnh báo thai nhi sắp chào đời. Vậy nên để có thể chuẩn bị và kịp thời đón con yêu chào đời các mẹ nhớ phải lưu ý những dấu hiệu chuyển dạ dưới đây để có gì còn xoay sở nha!


Nếu có những dầu hiệu này, các mẹ bầu hãy sẵn sàng chuẩn bị đồ vào giỏ nhé, chỉ khoảng 1 tuần nữa thôi là con yêu ra đời đấy.


Bụng bầu tụt xuống sâu



Khoảng 1 tuần cho đến vài ngày trước khi chào đời, em bé sẽ bắt đầu dịch chuyển xuống phía dưới trong khung xương chậu của mẹ, phần đầu của bé quay xuống phía dưới ở vị trí thấp nhất trong tử cung. Tư thế này được gọi là ngôi thai thuận, là vị trí thuận lợi nhất để sinh thường. Nếu bé ở ngôi mông hay ngôi ngược, mẹ thường được khuyên sinh mổ.




Đây là một dấu hiệu chuyển dạ, sắp sinh con so mà những người giàu kinh nghiệm có thể giúp mẹ bầu phát hiện ra. Ở các mẹ sinh con thứ 2 trở đi, do cơ bụng không còn săn chắc như lần mang thai đầu tiên, dấu hiệu này không còn rõ ràng như trước.


Cổ tử cung bắt đầu mở và mỏng hơn



Thời điểm em bé sắp chào đời, cổ tử cung của mẹ cũng bắt đầu giãn nở và mỏng hơn. Để biết chính xác điều này, mỗi lần khám thai định kỳ bác sĩ sẽ kiểm tra độ mở của tử cung và sẽ có thông báo với mẹ bầu chuẩn bị tinh thần vượt cạn khi cổ tử cung đã mở đủ rộng.


Xuất hiện cơn gò tử cung



Gọi là cơn gò Braxton Hicks ngày một nhiều hơn, cảm giác của mẹ sờ trên bụng gò cứng, nhưng hoàn toàn không đau. Cơn gò này sẽ giúp cho ngôi thai bình chỉnh tốt hơn. Chính cơn gò này giúp thai nhi trong tử cung của mẹ sẽ lọt xuống tiểu khung, để trình diện eo trên của khung chậu mẹ, để có một ngôi thai thuận đó là ngôi chỏm.




Tiểu rắt và tiêu chảy



Thời điểm sắp sinh, đầu em bé chèn ép bàng quang, gây sức ép lên bàng quang làm mẹ đi tiểu thường xuyên giống 3 tháng đầu của thai kỳ. Kèm theo đó, có mẹ xuất hiện những cơn co cơ nhẹ ở bụng, cùng với đó, mẹ dễ bị tiêu chảy do ruột được thả lỏng trong những ngày sắp sinh.


Bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn



Khi bước vào thời kỳ sinh nở, mẹ bầu thường bị chuột rút và đau nhiều hai bên háng. Đặc biệt, càng gần đến ngày sinh, mẹ càng dễ bị đau hơn. Lúc này các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng ra hết sức để chuẩn bị cho bé ra đời sẽ gây ra tình trạng trên.


Ngưng tăng cân



Đây là một trong những dấu hiệu sắp sinh cận ngày nhất mà mẹ có thể chú ý. Trái với đầu tam cá nguyệt cuối, khi mẹ bắt đầu gia tăng cân nặng nhanh chóng, bước thời kỳ cuối của thai kỳ, cơ thể của người mẹ thường ngưng tăng cân và còn có thể giảm đi 1-2 kg. Điều này là hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng đến cân nặng của bé. Việc sụt cân là do lượng nước ối của bạn giảm xuống. Lúc này cơ thể cảm thấy mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi nhiều hơn là ăn uống.


Dễ thở hơn



Giai đoạn sắp sinh em bé, thai nhi đã tụt xuống thấp, vì vậy áp lực của thai nhi lên cơ hoành và dạ dày mẹ được giảm thiểu, vì vậy nhịp thở của mẹ được dễ dàng hơn, chứng ợ nóng trong thai kỳ cũng đột nhiên biến mất.


Đau lưng dưới



Những ngày cuối thai kỳ thường làm mẹ bầu có cảm giác đau lưng nhiều. Bởi vì lúc này em bé đã lớn và tụt xuống dưới tạo áp lực cho lưng và làm dây chằng cổ tử cung, xương chậu bị kéo giãn khiến mẹ bậu cảm thấy đau nhức hơn. Nếu thấy đau lưng dưới hơn mức bình thường thì đây có thể là dấu hiệu chuyển dạ và bé con của các mẹ sắp chào đời rồi đấy ạ!