Tập 1:


Ngày 1/9, tôi đi đẻ theo yêu cầu của bác sĩ, định nằn nì bs cho hoãn thêm 1 ngày để trùng lễ quốc khánh cho nó … oách nhưng sực nghĩ bs cũng ham nghỉ lễ chứ, tay dao tay kéo mà phân tâm tính chuyện tối nay đưa vợ con đi ăn nhà hàng ở đâu thì cái thân mình nó ra thế nào ??? Thôi thì 1/9 vậy. Bs chỉ định cho đẻ mổ vì lần đầu sinh con tôi cũng đã bị mổ rồi, bs nói : “tử cung em nó giống cái ruột xe đạp, đã vá ép một lần rồi, lần 2 đừng cố đẻ thường làm gì, nguy hiểm lắm”, ví dụ rất của bs rất ấn tượng nên tôi gật đầu cái rụp, vâng dạ rối rít. Nhưng nói thật nhé, thời nay sao các bs hay cho đẻ mổ thế, đã đành là khi cho mổ, cũng phải có lý do chính đáng này nọ ví dụ như thiểu ối, thai ngôi mông, choàng nhau, thai lớn quá … nhưng cũng có lẽ các bác ấy ngại phải ngồi chờ đợi một bà đẻ nhăn nhó, lăn lộn cả ngày trời, rên rỉ, thậm chí chửi rủa inh ỏi khi lên cơn đau, rồi trầy vi tróc vảy mới rặn ra được một đứa bé. Rõ là vừa mệt, vừa mất công, và “sản lượng” rất thấp (một ngày có khi chỉ đỡ được 1 ca, trong khi đẻ mổ cứ nhoay nhoáy 1 ca chỉ mất hơn 1 tiếng). Đấy là dân đen không hiểu gì về y học, xin mạn đàm như thế, nếu có bs sản nào vào đây đọc mà thấy sai thì xin thứ lỗi cho ạ. Sáng 1/9 bệnh viện vắng hoe, chỉ có 2-3 bà bầu đang tí tởn nhập viện vì cũng là đẻ mổ chứ chưa biết đến cơn đau đẻ là gì, sau khi xét nghiệm và làm thủ tục thì tôi “lên thớt” (nằm lên bàn mổ trong phòng mổ) để chờ gây tê. Một bs nam tiến vào chuẩn bị gây tê cho tôi, bác hỏi : - Lần trước cũng đẻ mổ ở đây à ? - Vâng ạ, 3 năm về trước ạ - Thế hồi đó ai gây tê cho ? - Em có biết đâu ạ, bác nào cũng đeo khẩu trang như Ninja, em còn không biết mặt bác nào với bác nào nữa là … - Thế hồi đó gây tê có nhanh không - Hơ, em bị lụi 2-3 nhát đau lắm rồi mới tiêm đúng chỗ đấy ạ - Ái chà, chắc bs trẻ nào rồi, chứ tôi thì không có chuyện đó đâu - Vâng, em cũng hy vọng vậy, mà nếu gặp lại bác kia em cũng không sợ vì 3 năm rồi tay nghề phải khá hơn chứ ! (Bs này cười hì hì rồi tiêm cho tôi đúng 1 nhát, êm ái và chính xác, sau đó chân tôi tê rần và từ bụng trở xuống chẳng có cảm giác gì nữa) … Xin lỗi, nhóc tì nhà tui khóc đòi bú, xin hẹn viết tiếp kỳ sau là tập 2 : tựa đề “2 kênh truyền hình trực tiếp trong phòng mổ”



Tập 2: 2 kênh truyền hình trực tiếp trong phòng mổ



Hồi đi đẻ lần đầu, tôi cứ lăn tăn cái khoảng “tê” vì thắc mắc làm sao bs biết mình tê đủ để mổ, lỡ chưa “tê” hẳn mà bs đã “làm thịt” mình thì chắc đau quá nhảy vọt từ bàn mổ lên đụng trần nhà mất !!! Đúng là lo vớ lo vẩn nhỉ, sau khi thấy chân tê, bs yêu cầu tôi nhấc thử chân lên xem có điều khiển được không, và hình như ai đó còn nhéo vào chân tôi nữa thì phải ??? Sau khi thấy tôi lắc đầu bảo không nhấc được chân và không thấy đau hoặc cảm giác gì thì họ bắt đầu căng một tấm vải to ngang ngực tôi để che không cho thấy phía dưới (không che tôi cũng không dám nhìn, ghê bỏ xừ !).


Lúc này bs mổ chính bắt đầu bước vào, tôi đi khám thai 9 tháng trời ở phòng mạch bs này nên dù không thấy ổng, chỉ nghe giọng ổng chào những người trong phòng là tôi biết giờ G đã điểm, hic ! Bs mổ chính bắt tay vào làm việc ngay, tiếng dao kéo lạch xạch, tiếng nói chuyện rù rì vẳng lên từ phía dưới làm tôi hết sức tò mò, không biết họ có bình loạn gì về cái bó – đì bèo nhèo của mình không (body : thân hình), vểnh tai lên nghe kỹ thì té ra không phải, họ đang bàn về chuyện đi ăn đám cưới một người đồng nghiệp ! Yên tâm rồi, hê hê, bs coi mình như heo gà bò lợn ấy mà, thôi mình kiếm chuyện khác giết thời gian vậy …


Vì tầm nhìn bị hạn chế, tôi bắt đầu loay hoay quay đầu tứ phía để quan sát phòng mổ : trong góc là một cái tủ đầy thuốc ở trong, xung quanh có một số máy móc gì đó, phòng khá lạnh mà lại đang “xếch xi 100%” nên tự nhiên tôi muốn … ách xì, làm sao bi giờ, lỡ bụng mình nảy lên làm lệch đường dao của bs thì sao, mà nhịn thì không được, mũi ngứa ran lên rồi :


- aaaa … bs ơi, dừng tay aaaaaaaaa cho em aaaa ách xì một cái


- được rồi, cứ ách xì đi, không sao đâu


- aaaaa ách xì, hừ đã quá !



Quan sát tiếp cái phòng mổ nào, ủa, bên kia cửa kính hình như là phòng làm vệ sinh và cân em bé sau khi sinh, có cái cân kìa ! Đúng rồi, vậy là mình sẽ được xem con mình từ đây trở đi, thích quá ! Chiếu tia mắt qua bên trái cái cửa kính rộng này, tôi giật thót người : cái gì kia ? một phòng mổ khác bên cạnh à ? không phải ! đấy là cảnh người ta đang mổ tôi phản chiếu trên kính !!! Trời, ghê thiệt, máu me tùm lum trên vải phủ và trên tay bs, một người đưa và giữ các dụng cụ cho bs mổ chính, một người khác 2 tay cầm 2 miếng gạc to tổ bố như cái đồ bôi bảng cứ thấm thấm chậm chậm máu từ vết mổ chảy ra, và … con tôi kìa ! Bs lôi nó từ trong bụng tôi ra, người nó trắng toát với một lớp sáp, bụng nó còn dính liền sợi dây rốn to như sợi dây thừng cỡ bự (tôi đâu có dè cái sợi dây rốn nó to dữ vậy), bé con cất tiếng khóc oe oe liền ngay tại chỗ (khác với cu Sam lúc mới bị lôi ra khóc không được, cứ sặc đàm nhớt ằng ặc, đưa qua phòng làm vệ sinh mới khóc nổi, nhưng thực ra nghe nói khóc sớm như vậy không tốt vì đàm nhớt sẽ vào sâu hơn trong đường thở của bé, thậm chí có thể vào phổi, gây viêm nhiễm). Cảm giác thật khó tả, tôi hỏi dồn dập :


- Con em khỏe không bs ? Nó có bình thường không bs ?


- Bé khỏe, yên tâm, người ngợm bình thường, con trai, chim chóc đầy đủ !



Thoắt một cái, con tôi xuất hiện ở bên kia cửa kính rồi, nó khua chân múa tay loạn xị như đang đánh võ trong khi cô nữ hộ lý loay hoay thao tác các việc làm vệ sinh. Nếu bé nào cũng giãy dụa kiểu này thì tôi nghi ngờ cái chiều dài của bé mà người ta đo được khi sinh lắm, chả hiểu làm sao mà đo cho chính xác được ???



Bây giờ tôi bắt đầu phân vân vì nếu theo dõi tiếp con mình thì lại không quan sát được cảnh mổ xẻ máu me bên góc trái cửa kính nữa, nhất là lại đang có thêm mấy bé mới sinh từ các phòng khác đưa vào, xểnh ra là không biết con mình là đứa nào mà xem nữa ấy chứ ! Nghĩ vậy nên tôi tặc lưỡi bỏ qua cảnh tượng hiếm có trong đời để tiếp tục quan sát cảnh tượng … hiếm có hơn và ý nghĩa hơn, lòng cứ bùi ngùi tiêng tiếc như một tay ghiền thể thao ngắt kênh ESPN không xem một trận bóng đá trực tiếp để nhảy qua Star Sport xem một trận tennis truyền trực tiếp đang tới hồi gay cấn …



Eo ơi, cái gì kia, nữ hộ lý đang luồn 1 cái dây, không, cái sợi, à không, cái ống hả, dài thật là dài để thông đàm trong cổ họng con tôi, ui, có đau không con, ráng đi nhé, một chút nữa là con sẽ được ra gặp mẹ rồi, thương con lắm, con ui !



Trong tic tac, bé con được gói vào khăn và đưa ra cho tôi xem mặt, ái chà, trắng trẻo nhỉ, mà lại cũng nín khóc rồi, mắt không to bằng anh hai rồi cưng ơi, mũi thì cao đấy, môi dưới hơi bĩu ra … hai mẹ con lạ lẫm nhìn nhau (mình nhìn nó thì đúng hơn) rồi cô hộ lý đem bé đi luôn. Tôi biết, từ kinh nghiệm lần trước, bé phải lên phòng dưỡng sinh khỏang 1 ngày rồi mới trả về phòng cho mẹ. Tạm biệt con, mẹ con ta sẽ sớm gặp lại nhau mà.




Tập 3: Làm ơn kiểm tra vật dụng khi check out !



Lâu nay vốn vẫn ám ảnh vấn đề các bác sĩ hay bỏ quên kéo, kẹp, gạc … trong người bệnh nhân “gây hậu quả nghiêm trọng” nên kỳ này tôi rắp tâm phải … nhắc bs khi ông ấy khâu vết mổ. Đã định bụng là phải nhắc, thậm chí nếu bị đánh thuốc mê cũng phải ráng viết lên bụng mình câu : “Làm ơn kiểm tra lại vật dụng trước khi check-out” (check-out : từ dùng để chỉ việc trả phòng khách sạn) nhưng lúc nằm trên bàn mổ thì lại ngại : ngại bs tự ái, ngại bs cho là mình tài lanh, v.v… nghĩ đi nghĩ lại, tôi hít một hơi lấy can đảm và thẽ thọt gọi :


- Bác sĩ ơi, đừng để quên cái gì trong bụng em nhé.


- Ủa, sao em lại nói vậy ?


- Dạ, tại vì gần đây em thấy các bác hay quên lắm ạ, báo chí đăng mấy lần rồi.


- Ừ, hình như tôi không quên cái gì, nhưng nghe em nhắc thì tay tôi lại táy máy muốn bỏ lại một cái gì đó


- !!!!!?!?!



Sợ bs giận nên tôi im thin thít, không dám nói gì nữa.




Tập 4: Phòng hồi sức/hậu phẫu và đôi vớ



Cả tháng trước ngày dự sinh, tôi đã xếp sẵn túi xách chuẩn bị đi đẻ, ngoài các thứ cần thiết, tôi không thể quên 1 đôi vớ dày để dành mang khi vừa về phòng hồi sức vì tôi còn nhớ mãi cái lạnh khủng khiếp ập đến ngay sau khi mổ xong. Không biết vì mất nhiều máu hay vì tác dụng phụ của thuốc tê mà sao nó lạnh thế ! Trong đời tôi có thể nói là chưa bao giờ “được” lạnh như vậy : toàn thân lạnh buốt xương, tay chân run lẩy bẩy, hai hàm răng đánh vào nhau cành cạch đến người đứng cạnh cũng nghe thấy ! May mà kỳ trước tôi cũng phòng hờ mang theo đôi vớ, khi bị lạnh như vậy, đã nhờ người hộ lý ra nhắn với chồng tôi vào mang vớ cho. Lần này, trên đường vào viện, tôi cứ dặn đi dặn lại chồng về việc mang vớ đến nỗi anh phát cáu lên. Mặc dù gần đây tôi hay quên nhiều thứ, quên gì thì quên, nhưng các chi tiết của lần đi sinh cu Sam tôi không quên cái gì, từ những thủ tục nhập viện, từ giây phút nằm co như con tôm để cho chích thuốc tê vào đốt xương sống trên cái bàn mổ nhỏ và hẹp như cái bàn ủi đồ, từ cái lạnh run ở phòng hồi sức, từng ngày nằm viện cho tới lúc về nhà … nhờ vậy mà kỳ này tinh thần tôi cực kỳ thoải mái và yên tâm, như một cậu học sinh đã thuộc bài trước khi đến lớp !



Như đã dự đoán, sau khi mổ xong, tôi được đưa về phòng hồi sức. Nằm chèo queo trên giường chờ anh xã xuất hiện để mang vớ cho, tôi nghe cái lạnh dần dần xâm chiếm cơ thể mình … Quái, sao lâu thế, chẳng lẽ anh không biết tôi đã về phòng hồi sức ? Hay anh quên lời tôi dặn ? Hay y tá nhất định không cho anh vào ? (Phòng hồi sức có quy định cấm người nhà vào nhưng lần trước chồng tôi đã năn nỉ vào được cơ mà). Tức quá, may mà bây giờ phòng hồi sức đã phát cho mỗi bệnh nhân hai cái chăn len đắp lên người nên cũng đỡ, chứ không chắc răng tôi đánh vào nhau đến tóe lửa thì thôi ! Được một lúc thì tôi bắt đầu buồn ngủ và ngủ thiếp đi do hồi sáng phải dậy sớm đi đến bệnh viện, trong lòng vẫn còn hậm hực chuyện đôi vớ … trong mơ, tôi thấy chồng tôi đứng ngòai cửa phòng hồi sức, tay cầm đôi vớ vẫy vẫy và gọi : “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào đôi vớ !!!”. Tức điên lên, tôi định há miệng mắng chồng nhưng không thốt ra được tiếng nào rồi tỉnh giấc luôn. Như để chọc tức thêm cho nỗi buồn bị bỏ rơi của tôi, bà đẻ ở giường bên cạnh còn được chồng tranh thủ chạy vèo vào nắm tay hỏi “em thấy sao ? mệt không ? v.v….” và một bà đẻ khác cách tôi 1 giường do bị đánh thuốc mê nên khi tỉnh lại thì ông chồng ở bên ngòai được cô y tá gọi đến đứng ngay cửa rồi 2 người vẫy tay cho nhau ra hiệu mừng mừng rỡ rỡ …



Lại rảnh rỗi không biết làm gì, lần này tôi quyết tâm nghiên cứu cái máy đặt cạnh giường tôi là cái máy gì, nhìn thì giống máy đo nhịp tim gì đó, à có một đống chữ hướng dẫn sử dụng kìa ! Ỷ mình cũng có vốn tiếng Anh kha khá ít ra là viết đầy một cái lá mít, tôi ráng nhướng mắt đọc, nhưng đọc xong thì tịt ngòi không biết cái máy ấy để làm gì luôn ! Quê xệ !



Cứ thức rồi ngủ, ngủ rồi thức, đến 3 giờ chiều tôi được ra khỏi phòng hồi sức. Lúc này, chân tôi đã co duỗi được rồi, nhưng vẫn còn tê rần, chưa có cảm giác mấy. Xe đẩy tôi về đến phòng thì thấy chồng tôi ngồi đợi sẵn đang nhe răng cười đón tôi, tôi không thèm cười lại vì vẫn còn giận chuyện đôi vớ, nhưng đến khi y tá giở chăn ra và khiêng tôi qua giường trong phòng thì tôi phát hiện thấy chân mình đã mang vớ tự bao giờ ! Chỉ có điều … người mang vớ cho tôi rất thiếu trách nhiệm : chiếc vớ nào cũng chỉ kéo đến nửa gan bàn chân là dừng lại, trơ 2 gót chân ra ! Chồng tôi cũng nhìn xuống chân tôi và kêu lên :


- Ơ, sao kỳ vậy ? Anh cho bà hộ lý những 20 ngàn để bà ấy vào mang vớ cho em mà cũng không làm đàng hoàng nữa !


- Thế thì lẽ ra anh phải đưa 40 ngàn thì bà ấy mới kéo vớ xuống gót chân cho em ! (giận dỗi tan biến, tôi nhoẻn miệng cười pha trò)



Chắc là bà hộ lý đã mang vớ cho tôi lúc tôi bắt đầu ngủ, nhưng chẳng hiểu tại sao vớ lại tụt lên gan bàn chân ? Thôi kệ, dù sao thì tôi cũng đã không bị lạnh lắm, và quan trọng nhất là chồng tôi đã không quên chuyện phải mang vớ cho tôi, phải không các bạn ?



Tập 5: Đêm dài nhất đời tôi và lợi ích của điện thoại di động



Đêm đầu tiên ở bệnh viện chỉ có 2 vợ chồng tôi canh nhau, nói là canh nhau chứ không phải là chồng tôi canh tôi vì anh xã thuộc loại đã ngủ say thì có khiêng đi cũng không biết và hơi bị vụng về chứ không đảm đang như nhiều bố trong WTT này : con lớn 2-3 tháng mới dám bế chứ khi mới đẻ không dám sờ, vợ nhờ vứt tã ỉa của con thì cầm bằng 2 ngón tay, con lớn 3 tuổi rồi mà gần đây mới biết xi tè, xi ị cho con, nhưng đến lúc rửa đít cho nó thì vẫn nhớn nhác tìm người rửa hộ (nếu không có ai thì chàng ta mới đành …). Thằng cu Bơ vẫn bị giữ trên phòng dưỡng nhi chứ chưa được về phòng với mẹ nên không khí trong phòng buồn hiu, không có tiếng trẻ con khóc oe oe như các phòng khác. Sau lượt chích giảm đau lúc 9h tối, cô y tá dặn nếu đêm đau nữa thì cứ yêu cầu chích thêm, không ngờ đây là điềm báo trước một đêm đau nhớ đời cho tôi.



Bắt đầu khoảng 12h đêm, cái gọi là “cơn đau bụng do tử cung co” bắt đầu kéo đến ! Lần sinh cu Sam, tôi cũng bị đau sơ sơ khi tử cung co lại, ai dè lần này nó chẳng sơ sơ chút nào ! Đau lắm, đau lắm lắm luôn, chứ không phải thường. Tôi tưởng tượng như có một thằng cha thợ làm bánh dùng bàn tay thô lỗ của hắn nhào nặn gan ruột tôi như nhào bột làm bánh chứ không chỉ đơn thuần là cái tử cung đang co bóp để trở về kích thước ban đầu như lý thuyết sản khoa vẫn nói ! Tôi vã mồ hôi gọi chồng cấp tốc kiếm y tá trực để được tiêm thuốc giảm đau nhưng sau một hồi lùng sục, chồng tôi báo cáo : “em ơi, vườn không nhà trống, anh không thấy ma nào hết”. Cả đêm đó, chồng tôi đi vòng vòng tất cả 5-6 lần gì đó để kiếm y tá trực nhưng đều thất bại, không biết vì mấy cô y tá núp kỹ quá, hay vì chồng tôi quáng gà tìm không ra họ, nhưng kết quả là cả đêm ấy tôi phải chống chọi với những cơn đau kéo đến mỗi 10 phút/cơn và mỗi cơn kéo dài 90 giây (xin thề là chính xác như vậy !). Mỗi lần lên cơn đau là mỗi lần lẩm nhẩm đếm rồi nhìn đồng hồ chờ sáng vì biết chắc thế nào 6h sáng y tá sẽ đến khám. Có lúc mệt mỏi quá thiếp đi vài phút, mở mắt ra tưởng là 5h15, mừng quá, nhìn kỹ lại thì té ra kim dài đổi chỗ cho kim ngắn, mới có 3h15 hà, hu hu …


Chồng thấy vợ đau thì lính quýnh chả biết làm gì, hết xoa bóp chân tay cho vợ xong lại chạy ra ngoài phòng trực kiếm y tá, sau tôi đuổi anh ra nằm phòng ngòai (phòng tôi ở có 2 gian, gian ngoài có giường chiếc, tivi, tủ lạnh …) vì thấy người khác lo cho mình, cơn đau càng khó chịu hơn mới kỳ chứ ! Hơn nữa, tự biết mình không phải tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa, như nàng Tây Thi mỗi lần đau bụng nhăn mặt lại càng đẹp thêm, cỡ tôi mà nhăn chắc giống … thủy tổ loài người hơn, nên chẳng muốn chồng chứng kiến cảnh tượng đó làm gì.


Chồng tôi sau khi “được” đuổi đi, đã dặn dò khi cần cứ gọi ngay, rồi hăm hở bật ngay tivi để xem 1 trận bóng đá truyền trực tiếp. Tôi vì mệt và sức đã yếu do bị đau, lúc cần gọi chồng thì không thể mở volume cho to mà địch lại cái tivi nên gọi hoài chồng chẳng nghe thấy gì. Bí quá tự nhiên sờ thấy cái điện thoại di động của mình ở dưới gối, tôi bấm số gọi chồng …. tình tang, tình tang, tính tang …. Thấy số tôi gọi, chồng tôi liền xuất hiện ngay trong phòng, nhanh như thần đèn được Aladin gọi, tuyệt thật ! Thế là cả đêm cứ : tình tang, tính tang … vặn nhỏ tivi đi, tình tang … cho em miếng nước, tình tang tình tang … kê gối cao lên dùm, tình tang tính tang … đi kiếm y tá lần nữa đi, đau quá ! Ý tưởng này chắc tôi phải bán cho một công ty chuyên quay phim quảng cáo điện thoại di động quá, chắc cũng ấn tượng ngang với cái quảng cáo của “Nó kìa” hoặc là “Sam sùng” chứ chẳng chơi !



Chưa hết, chưa hết, lợi ích của điện thoại di động chưa hết : tôi mở folder lưu hình và các video clip của cu Sam ra xem cho đỡ nhớ và quên cơn đau một chút. Ôi thương quá, đây là hình Sam mới sinh 3 ngày tuổi nè, cu Bơ có giống anh chút nào không nhỉ, còn đây là cu Sam biết lật, biết đi … đây là cu Sam đang nghịch hồ cá, chơi cầu tuột, tiếng cười lanh lảnh của con vang ra từ máy làm tôi ứa nước mắt vì nhớ nó, đây cũng là đêm đầu tiên mẹ con tôi không ngủ bên nhau từ khi sinh nó, không biết Sam có ngủ được không con ơi ? Mẹ thì đang vật vã với cơn đau đây …



Rốt cuộc trời cũng chịu sáng, 6h đúng, cô y tá trực mắt còn kèm nhèm vì ngủ bước vào phòng tôi, “nàng” bảo rằng cả đêm qua “nàng” ngủ trong phòng trực, có thấy ai gọi gì đâu. Thôi, không cần truy cứu nữa, “nàng” chích cho tôi một liều giảm đau. Ai bệnh nặng mà có được thuốc tiên chắc cũng chỉ mừng bằng tôi lúc đó thôi, trời ạ. Sau đó, “nàng” phát cho tôi mấy viên Efferalgan sủi bọt để uống giảm đau trong những giờ sau. Lúc đó tôi mới nghĩ ra sao mình ngu thế, bận sau (nếu có bận sau), phải tự trang bị sẵn những viên thuốc giảm đau này để … tự cứu mình trước khi … trời cứu !!!



>>Tập 6 - Cu Bơ



Từ lúc que quickstick mới hiện ra 2 vạch, tôi đã nghĩ đến ngay cái tên Bơ để đặt làm tên gọi ở nhà cho cu cậu. Lý do đơn giản là vì tôi muốn nó ngược lại với anh nó là thằng Sam, tôi “lỡ dại” đặt tên nó là Sam nên bây giờ nó “sam” mẹ quá trời, đi đâu cũng theo sát đít, có mẹ ở nhà là nó không cho ai “được” chăm sóc nó ngoài mẹ nó, hân hạnh không ? Bởi vậy, đặt tên thằng thứ hai là Bơ cho chắc ăn, nó sẽ “tỉnh bơ” không thèm đoái hoài đến mẹ thì càng tốt !



Cu Bơ ra đời lúc 8h42’ sáng 1/9 nên tôi đinh ninh chỉ đến tối là mình sẽ được gặp lại con, ai dè đâu phòng dưỡng nhi trả lời “không được”. Chị chồng tôi đầy lo lắng gọi điện lên hỏi thì bị hỏi ngược lại :


- Chị là ai ? Chị là gì của cháu bé ?


- Dạ, là bác của nó ạ


- Có bố hoặc mẹ của cháu ở đó không, bs phòng dưỡng nhi muốn nói chuyện ?



Chồng tôi và tôi mặt xanh lè, thót cả tim, chồng tôi cầm lấy ống nghe thì được bs thông báo con tôi chưa thể về phòng với mẹ vì cháu chưa có phản xạ bú và nhịp tim còn hơn nhanh, phòng dưỡng nhi sẽ tập cho cháu bú và theo dõi tim, hô hấp … Ôi trời ơi, không biết có sao không đây … Đêm hôm đó, tôi vừa bị đau như đã kể ở tập trước, vừa nhớ cu Sam, vừa lo cho cu Bơ, ôi quả là một đêm dài vô tận !



Sáng hôm sau, cô bạn thân của tôi (mẹ Rennes WTT) lại gọi lên phòng dưỡng nhi hỏi thăm tin cu Bơ, chắc là lại gặp ông bs – cảnh sát hình sự - hôm qua :


- Chị là ai ? Chị quan hệ như thế nào với bé ?


- Dạ, dạ, là cô ruột ạ


- Thế chị đã biết gì về tình trạng của bé chưa ? Nói tôi nghe thử coi ?



Ái chà, chắc chắn ông bs này xưa kia mơ làm công an nhưng lý lịch 3 đời có vấn đề nên đành phải thi vô y khoa rồi, gớm ! Sau khi mẹ Rennes khai báo khá là khớp với những gì hôm qua bs nói, ổng mới chịu bật mí tiếp là nhịp tim & hô hấp của cu Bơ đã ổn định, nhưng vẫn chưa bú tốt nên phòng dưỡng nhi tiếp tục giữ bé lại. Sau này khi cu Bơ về phòng, tôi còn thấy mu bàn tay nó có vết bầm tím của cây kim truyền dịch cắm vào tĩnh mạch (chắc là vì chưa bú được nên phải truyền dịch), khổ thân nó !



Khoảng 3h chiều, tôi và chồng tôi đang lơ mơ giấc ngủ trưa thì có tiếng gõ cửa, một cô y tá kẹp con tôi trong nách như gói đồ phát chuyển nhanh chui tọt vô phòng, chớp nhoáng đưa ra một tờ giấy bảo bố mẹ ký (ký xong tôi mới đọc ra nó là giấy xác nhận đã nhận con) xong liền đặt cu Bơ lên giường tôi đang nằm và đi mất. Lúc này thì đã tỉnh ngủ hẳn rồi, tôi mừng quá, nước mắt chảy ròng ròng ngắm nhìn con mình, chồng tôi cũng đứng đực ra như phỗng, trố mắt nhìn con. Hai vợ chồng không ai nói một lời, mọi sự chú ý đều tập trung vào sinh linh bé nhỏ đang thiêm thiếp ngủ trên giường, không gian yên ắng lạ thường, bỗng …. Rôôôôôột, tiếng động duy nhất phát ra từ trong … tã của cu Bơ đã phá tan không gian yên lặng đó. Hai vợ chồng thảng thốt nhìn nhau đầy ý nghĩa : chồng tôi thì không có khả năng dọn tã rồi, tôi thì vẫn còn đang đau vết mổ chưa thể ngồi được, sao bây giờ ??? Tôi hít một hơi dài, bảo chồng đỡ tôi ngồi dậy thử xem có thể cố gắng thay tã cho cu Bơ được không … tôi nghiến răng chịu đau ngồi dậy được ở mép giường, nhưng không cách nào ngồi xếp cả hai chân trên giường được, đang loay hoay thì nghe “cạch cạch”, cửa phòng mở ra và kẻ cứu nhân độ thế xuất hiện : mẹ Rennes – một nick nổi tiếng lẫy lừng của WTT forum ! Dĩ nhiên là niềm hân hạnh được thay chiếc tã đầu tiên cho cu Bơ lập tức chuyển giao cho mẹ Rennes không cần bàn cãi, hà hà …



Cu Bơ những ngày đầu ham ngủ ghê gớm, nó ngủ liên miên như sinh ra chỉ để ngủ, đói không khóc, ướt tã không kêu. Tôi cứ phải canh giờ để ép nó bú nhưng dường như giấc ngủ mạnh hơn tất cả, nó bú rất miễn cưỡng cho có lệ. Để sớm có sữa mẹ, tôi phải tập nó mút ti mẹ, nó cũng lười chảy thây : chỉ liếm láp sơ sài rồi ngủ tiếp ! Ấy thế mà chỉ trong nửa ngày, hai bầu ngực tôi cũng tê rần rồi sữa lên cứng ngắc, chực chờ phục vụ cu Bơ 24/24 !!! Nó không cần biết, vẫn ngủ ! Nó chỉ “uống” những giọt sữa từ bình chảy vào mồm, chứ “mút” hoặc “bú” là một động từ rất xa lạ với nó. Thế là mẹ nó lại phải kỳ cạch hút sữa ra, đổ vào bình và “dâng” cho nó xơi. Mẹ nào đã từng hút sữa chắc cũng biết đó là một đoạn trường khổ ải rất ngán ngẩm, nhất là trong thời gian đầu khi mới có sữa : hì hục mãi chỉ được vài chục mililit sữa non màu vàng khè đùng đục, nhìn thấy mà ghê ! “Nghe đồn” sữa này tốt lắm, nhiều kháng thể lắm, dành riêng cho con đó Bơ à, còn mẹ thì có cho tiền mẹ cũng không uống đâu, nhìn mất thiện cảm quá à ! Những lúc ngồi hút sữa, mồ hôi ra ròng ròng, ngực đau nhức khó chịu, tôi cực kỳ thắc mắc không biết hồi xưa chị Dậu của Ngô Tất Tố đi ở vú cho người ta, đã hút sữa ra cho Cụ Cố dê xồm uống bằng dụng cụ gì ??? Chắc là không vắt được nhiều nên Cụ Cố kia đã kiếm cách uống thẳng từ “bình” luôn cho đã, híc !



Đã vậy mỗi ngày lại có một bs nhi khác nhau đến khám và “phán” những lời khuyên khác nhau làm tôi chẳng biết đâu mà lần : bs nam ngày đầu tiên bảo nếu cu Bơ vẫn lười không chịu thức dậy bú thì phải trả nó về phòng dưỡng nhi, bs nữ nhỏ con trẻ măng ngày thứ hai bảo hai tiếng một lần phải thức bé dậy cho bú, bs nữ sồn sồn ngày thứ ba bảo bé còn cảm giác trong bụng mẹ nên ngủ nhiều, cứ cho ngủ, 3 tiếng rưỡi mới thức dậy cho bú, bú không được thì đút muỗng !!! Rốt cuộc là đến ngày thứ 5 khi sắp xuất viện về nhà, cu Bơ đã dần dần đi vào nề nếp như mọi em bé khác : biết khóc khi đói và bú chùn chụt cả bình và ti mẹ.


Bệnh viện cũng nice (dễ thương) lắm nha, dường như để khích lệ việc tôi cho con bú hôm đầu tiên, đến giờ thay đồ của bệnh nhân, họ đã phát cho tôi một cái áo đầm đã rụng hết hàng nút đàng trước, chỉ còn trơ lại 1 nút trên cùng ở cổ, và một nút dưới cùng ở đầu gối !!! Mặc áo này cho con bú tiện phải biết ! (Rốt cuộc phải đổi chứ đâu dám mặc, mất công khách vào thăm bụm miệng mắc ói, buồn nôn chạy không kịp !)



Khi giã từ bệnh viện, bế cu Bơ trên tay, tôi cảm thấy mình đang thực sự bắt đầu cuộc “leo núi” thứ hai : những tháng ngày đằng đẵng nuôi con, bú mớm, ăn dặm, con ốm … đang trải dài trước mắt. Mím môi, ngẩng đầu, tôi tự bảo mình : Hãy cố lên ! Phần thưởng cũng xứng đáng lắm !



(Kỳ sau – Tập 7 : Cu Sam)



Tập 7 : Cu Sam



Từ khi sinh cu Sam ra đời đến nay, chưa có một ngày nào mà tôi không ngủ đêm cùng con. Tôi đã từ chối tất cả các chuyến công tác trong nước hoặc ngoài nước phải đi qua đêm, nếu phải đi Hà Nội thì tôi đi tốc hành: sáng đi, chiều về. Sếp tôi tha hồ nhìn tôi bằng đôi mắt mang hình viên đạn, tôi cứ tỉnh bơ như không, coi như không hiểu, không biết, mặc kệ sếp muốn đánh giá, trừ lương, trừ thưởng ra sao thì ra (nhưng may quá, chưa bị trừ bao giờ, chỉ có không được làm “top ten” của công ty thôi, hô hô !). Đối với tôi, hàng đêm được nằm cạnh con, gãi lưng cho nó ngủ, nghe hơi thở đều đều của nó bên cạnh, trấn an nó mỗi khi nó giật mình … là điều đáng làm nhất. Giống như một câu thơ hay văn gì tôi đã được đọc cũng lâu rồi, của một anh chàng viết cho người yêu : “Anh muốn là người đầu tiên em nhìn thấy mỗi khi thức giấc” thì nay tôi cũng muốn “Mẹ là người đầu tiên con nhìn thấy mỗi khi thức giấc” ! Mà gặp thằng cu Sam cũng bám mẹ như con sam : tối đi ngủ mà mẹ chưa vào giường cùng là nó réo gọi cho kỳ được mới thôi.


Vì vậy mà tôi vô cùng bối rối khi nghĩ đến lúc mình đi đẻ, giao nó cho ông bà nội ở nhà. Thậm chí tôi đã nghĩ đến phương án cho cu Sam vào bệnh việc ngủ đêm chung với mẹ và em. Đêm hôm trước khi đi đẻ, tôi ngồi viết một cái “sớ táo quân” dài thòong để dặn dò ông bà những việc phải làm với cu Sam vào buổi tối và ban đêm như : xi, cho uống sữa, đánh răng …, ông bà đọc xong cũng thấy oải !


Sáng hôm 1/9, vợ chồng tôi phải rời nhà lúc 5h30 để vào viện, nhìn cu Sam vẫn còn say sưa trong giấc ngủ, tôi nghèn nghẹn hôn từ biệt nó, cầu trời phù hộ cho mọi việc sẽ suôn sẻ …



Đêm đầu tiên xa con, vợ chồng tôi thắc mắc lắm nhưng không dám gọi điện về nhà, biết là ông bà đang đánh vật với nó. 9h sáng hôm sau, chồng tôi về nhà thì thấy cu Sam và bà nội vẫn còn nằm ngủ ngay đơ cán cuốc trên giường, hỏi ra thì biết rằng cả đêm nó loay hoay không ngủ, hoặc ngủ được cứ khỏang 30 phút thì lại giật mình dậy khóc đòi mẹ một lần, mãi đến 3-4h sáng nó mới mệt quá ngủ thẳng giấc. Nghe mà xót cả ruột ! Tuy vậy cả nhà quyết định là vẫn để Sam ở nhà chứ không cho vào cắm trại trong bệnh viện với mẹ, cho vào thăm lại càng không vì chắc chắn lúc bắt nó đi về nó sẽ “đại náo thiên cung” lăn ra ăn vạ khi thấy mẹ không đi về cùng.



Đêm thứ hai, chồng tôi được “biệt phái” về nhà để ngủ đêm với cu Sam. Tình hình khá hơn một chút : khỏang … nửa đêm thì cu Sam chịu ngủ yên, nhưng 5h sáng đã thức dậy khóc nhèo nhẹo. Tuy nhiên, xét theo mặt tích cực của sự việc thì đây là một dịp tốt để chồng tôi thực tập các việc chăm sóc con, nâng cao “tay nghề”. Đến giờ thì ảnh không còn cuống cuồng tìm người rửa đít cho con mỗi khi nó ị nữa rồi !



Đêm thứ ba, Sam bắt đầu quen với sự vắng mặt của mẹ, và từ đó đến hôm tôi về, nó chịu ngủ với bố một cách ngoan ngoãn không ngờ. Chỉ có vài sự cố nho nhỏ khác như … đái dầm vì bố ngủ mê quá quên không thức con dậy để xi đái thôi.



Cũng xin nói thêm là cu Sam nhà tôi thuộc dạng cá biệt, 3 tuổi mà chưa biết nói, vì vậy mà chẳng giải thích được với nó tại sao mẹ vắng mặt, rất khó dỗ nó bằng lời lẽ, chán vậy đấy !



Ngày tôi xuất viện, điều làm tôi hồi hộp mong ngóng nhất là lúc được gặp lại Sam, buổi trưa lúc tôi về nhà thì nó còn ở trường mầm non. Thật là nôn nao mong gặp nó quá, hồi tôi và anh xã yêu nhau, chắc cũng chẳng mong nhau được như thế ! Chiều hôm ấy Sam về, đứng trên lầu nhìn xuống thấy bóng dáng nhỏ bé của Sam chạy lon ton dưới nhà cất dép, cất mũ … mà tôi bật khóc nức nở như một đứa trẻ, không kềm lại được. Tôi lo quá: Sam sẽ mừng mẹ hay dỗi mẹ đây ?



Bỏ lại cu Bơ đang nằm ngủ say im lìm như một khúc gỗ, không kịp lau khô nước mắt, tôi phóng xuống nhà đón cu Sam. Thoáng thấy tôi, Sam cười tươi sáng rỡ vội chìa 2 tay đòi bế như em bé. Dường như quên rằng mình mới mổ xong có 5 ngày, tôi ào tới ôm con, bế lên thằng cu Sam còi 14kg mà tưởng như nặng lắm. Kệ ! Nước mắt tôi chảy ướt tóc ướt mặt Sam, ông bà nội hình như cũng cảm động trước cảnh trùng phùng … Nhưng chỉ được một thoáng, tự nhiên cu Sam tuột xuống đi ra chơi với mấy cái xe hơi đồ chơi, không thèm nhìn mẹ nữa. Á à, cu cậu giận đây mà, tôi cầm tay Sam lắc lắc, gọi nó, nó gỡ ra, ghê thật cái thằng này ! Như một ái phi mới bị nhà vua thất sủng, tôi ngồi khép nép bên cạnh nhìn Sam chơi xe hơi, chờ nó “ban” cho một cái nhìn thứ hai … Tôi không phải đợi lâu, chỉ 1-2 phút sau, Sam bất thần bỏ đám xe hơi và chạy lại ôm chầm mẹ, hôn hít lên mặt mẹ tơi bời, ôi sướng quá, thế mới là cu Sam con mẹ chứ hả !!! (và từ đó đến tối đi ngủ, Sam không rời mẹ phút nào hết, chắc nó lại sợ tôi trốn đi đâu mất như mấy hôm trước, tội nghiệp !)



Tôi dẫn Sam lên phòng để giới thiệu em Bơ cho nó, nó chẳng buồn nhìn xem trong cái cũi nhỏ là cái gì, giật tay tôi ra, nó chạy ào đến tivi lấy cái remote ra dứ dứ vào mặt mẹ đòi xem tivi, bỗng cu Bơ “oe” lên 1 tiếng, Sam giật nảy người như bị điện giật trước âm thanh lạ này, nó chạy bay ra cái cũi và nhòm vào quan sát : cu Bơ đang thức dậy, tay chân quơ cào loạn xạ, miệng chép chép đòi bú … Sam bật cười khanh khách, chắc nó tưởng đâu mẹ mới mua búp bê biết cử động về cho nó chơi ! Nhưng đến khi con búp bê đó được mẹ ôm vào lòng và cho bú, Sam dường như hiểu ra “vấn đề” … Sam vội vàng nhảy tót lên đùi mẹ để ngồi ké và nhìn chằm chằm động tác bú của em bé với đầy vẻ hiếu kỳ, làm như nó không phải là cái đứa đã từng hưởng cái dòng chất lỏng đùng đục đầy bổ béo này cách đây 3 năm về trước vậy.


Với 2 đứa con trên người, trông tôi chắc giống con kanguru lắm, í mà hổng phải, trên tivi tôi chưa thấy con kanguru nào địu một lúc tới 2 đứa con trong cái túi của nó cả ???


Ngồi kiểu đó cũng mỏi và chán, cu Sam rón rén trèo vào cũi của em, thận trọng ngả cái đầu size M của nó lên cái gối đầu bé tí teo size S của cu Bơ, chân hơi co lại vì cũi ngắn, Sam hể hả nằm đó, mút tay lia lịa, mắt mơ màng, chắc đang tưởng tượng mình cũng là em bé ! Nhìn cu Sam nằm co ro trong cũi, tôi thương nó quá đi ! Tuy không biết nói nhưng toàn bộ màn kịch câm nãy giờ nó diễn đã thể hiện tâm trạng của nó : vừa thương vừa giận, vừa vui vừa buồn … Tôi biết, Sam càng cần tình yêu của mẹ hơn bao giờ hết để vượt qua chấn động tâm lý này, cu Bơ thì dĩ nhiên là quá cần rồi, còn “cu lớn” ? “Cu lớn” biết là phải nhường hai cu nhỏ nhưng lâu nay cũng buồn lắm vì tôi không còn thời gian để chăm sóc cho anh. Ước gì tôi có ba đầu, sáu tay để phục vụ bố con nhà nó nhỉ ?



Đến nay đã gần 2 tháng có em Bơ, cu Sam cũng yêu em lắm, đi học về là chạy đi tìm ngay xem em đang ở phòng nào để hôn hít một hồi, nhưng phải tội chân tay mạnh bạo quá, thỉnh thoảng còn thò tay bóp đầu em nữa ! Tôi định post bài lên diễn đàn để hỏi xem có ai biết ở đâu bán nón bảo hiểm cho trẻ sơ sinh không ??? Nhưng đến nay chưa dám post vì không biết cho câu hỏi của mình vào mục nào : Thư Giãn – hay Mua Gì Ở Đâu ? Admin & mod xét dùm tôi với !!!



(Kỳ cuối : Webtretho – Tứ hải giai huynh đệ, à, tỉ muội chứ !)



Bên cạnh nỗi lo về cu Sam trong thời gian đi đẻ, tôi còn một nỗi lo khác : tìm người chăm sóc mình trong thời gian ở bệnh viện ! Gia đình tôi nói chung khá neo đơn : bố mẹ ruột đã qua đời, bố mẹ chồng, cô dì chú bác ruột đều già cả ốm yếu, oshin cũng không có, chồng thì lại đang thời gian bận nhiều việc rắc rối ở công ty, bạn bè cũ lại đã đi nước ngoài gần hết... mấy ngày đầu ở bệnh viện mới mổ ra thì mình giống con rùa bị lật ngửa, đâu có tự làm gì được ? Tôi quyết định phát ra tính hiệu S.O.S tới một số bạn quen biết trong webtretho, cầu cứu mọi người giúp dùm, không đầy 10 phút sau khi tôi gửi đi cái mail cầu cứu c.c cho nhiều người, tôi nhận lại được quá trời mail trả lời đồng ý vào bệnh viện chăm sóc tôi, thậm chí có mẹ còn đòi bỏ chồng bỏ con ở nhà để đến trông ban đêm nữa ! Mừng húm với kết quả này, tôi hiên ngang đi đẻ !



Hôm tôi nhập viện, mẹ Rennes lãnh nhiệm vụ xếp lịch cho các mẹ khác đến chăm tôi, khỏi phải nói là tôi an tâm như thế nào bởi danh sách quân cứu viện toàn là “lính thiện chiến” không : toàn các mẹ vừa đảm việc nhà, vừa giỏi nuôi con. Không những thế, hàng ngày tôi còn được xơi bữa sáng bằng các của ngon vật lạ mà các mẹ mua từ khu vực gần nhà mang vô, mỗi tội đang kiêng ăn bò, gà, tôm cua, và kiêng ăn bún nên có khi tôi phải ăn những món “cải biên” ví dụ như “phở mọc”, tức là bánh phở chan với nước dùng và mấy cục giò, cục thịt của bún mọc !!! Cơm trưa và chiều có chị dâu tôi lo, thức đêm thì có chị chồng tôi và mẹ Rennes luân phiên, thật là ổn thỏa. Mà dù cho tôi có chị em ruột để chăm sóc đi nữa thì tôi đoan chắc là cũng không thể hơn được những sự chăm sóc mà các mẹ ấy đã dành cho tôi : người thì đỡ tôi tập đi, người thì massage cho tôi, lau rửa mình mẩy cho tôi, hứng từng chai nước pha thuốc sát trùng để tôi vệ sinh, có người còn cẩn thận tới mức pha sữa cho tôi uống xong thì rót luôn một ly nước lọc để “uống tráng miệng cho khỏi chua miệng” … Đâu phải mình tôi được hưởng thụ cảnh chiều chuộng nâng niu đó, thằng Bơ cũng hưởng ké nữa chứ (hay là tôi hưởng ké nó cũng không biết chừng) : cu Bơ được bế bồng, hôn hít, khi bú nếu ngủ gật thì được xoa bóp, gãi gãi, lau mặt cho tỉnh … mỗi khi đi tắm, chích ngừa, xét nghiệm thì đều do các mẹ tháp tùng đi theo chứ tôi thì chỉ việc ngồi nghỉ trong phòng. Có mẹ bụng bầu 7 tháng to đùng ngã ngửa mà vẫn tranh thủ vào trông tôi một buổi, hôm đó cu Bơ phải đi xét nghiệm trên lầu 3, nó đã được bế nằm lắc lư trên cái bụng bầu tròn ủm ấy, em bé ở trong chắc là bực lắm ! (“Thằng oắt con nào nằm trên đầu mình thế này ?”)



Người nhà tôi thắc mắc chẳng hiểu tôi bói đâu ra một đám bạn lạ hoắc lạ huơ nhưng nhiệt tình hết biết như vậy, mẹ chồng tôi hỏi, bạn này là bạn đồng nghiệp à ? Tôi đành nhăn nhở cười và gật gật đại cho rồi, chứ bà đâu có biết “quép” (web) là gì đâu, nếu giải thích rõ về webtretho và những người bạn này chắc bà còn rối thêm nữa.



Em họ tôi đến ngồi chơi một buổi thì còn rối beng hơn bởi hôm ấy các mẹ đến thăm hơi bị đông, có cả một mẹ từ Hà Nội vào tiện đường ghé thăm nữa, nó thấy tôi cứ liên tục giới thiệu : “Đây là bạn chị trong webtretho” nên về sau thấy ai là lạ bước vô là nó nhanh nhảu : “Bạn webtretho phải không chị ?”. Chị ta láu táu quá nên khi có một ông trung niên, da dẻ đen thui, ăn mặc xuềnh xòang gõ cửa phòng tôi, nó cũng định quơ vào một nắm là “bạn webtretho” luôn, ai dè đó là ông xe ôm mang cơm của chị dâu tôi nấu đến cho tôi ăn !



Tóm lại, thời gian nằm viện vừa rồi là một thời gian vô cùng hạnh phúc của tôi (chỉ trừ cái đêm kinh hoàng kia thôi) : hạnh phúc như “một bác nông dân mới cày xong thửa ruộng” (hoàn tất tập 2), hạnh phúc vì dù không online webtretho vẫn được mọi người tường thuật “hôm nay wtt có gì vui”, vẫn được 888 hàng ngày với các bạn vào thăm (888 và “nói xấu” những người không có mặt !!!), và đáng nhớ hơn hết là hạnh phúc được chăm sóc bảo bọc trong tình bạn tuy mới mẻ nhưng rất chân tình của các mẹ wtt. Thật đấy, khi nào bạn cần ai giúp sức, hãy gửi đến diễn đàn webtretho một tín hiệu S.O.S. “Hãy thử một lần rồi xem, bạn sẽ thích ngay mà !”