Theo thống kê, có khoảng một nửa số phụ nữ mang thai phải chịu đựng tình trạng táo bón trong suốt thời kì bầu bí. Tuy không nguy hiểm đến thai nhi, nhưng táo bón sẽ gây cho thai phụ cảm giác rất khó chịu. Vậy làm cách nào để khắc phục chứng táo bón?


Nguyên nhân gây táo bón



Khi mang thai, cơ thể thai phụ có nhiều thay đổi. Cơ thể sẽ tiết ra các hoocmon giới tính duy trì thai; loại hoocmon này sẽ thả lỏng các cơ và giúp thai nhi phát triển. Đồng thời, hoocmon này là nguyên nhân khiến cho hệ tiêu hóa của thai phụ hoạt động chậm hơn; nhằm đảm bảo cho cơ thể thai phụ hấp thu đầy đủ các chất bổ dưỡng từ thức ăn để nuôi dưỡng thai nhi. Bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ mang thai cần phải uống bổ sung canxi và chất sắt để đảm bảo sức khoẻ của mẹ và sự phát triển tốt nhất của thai nhi.



Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến đường ruột gây cản trở trong việc đào thải các chất cặn bã ra ngoài. Đây là nguyên nhân dẫn đến táo bón. Ngoài ra, táo bón còn có thể do chế độ ăn uống không hợp lý của thai phụ.




Táo bón không gây hại cho thai nhưng lại làm mẹ rất khổ sở. Ảnh: Inmagine.



Khắc phục chứng táo bón



- Hãy tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn. Chất xơ hấp thụ nước và làm mềm các chất thải rắn, dễ dàng thải các chất cặn bã ra ngoài. Chất xơ có nhiều trong cam, chanh và cây họ đậu có tác dụng kích thích hệ vi khuẩn đường ruột và hiệu quả khá tốt trong điều trị táo bón. Tốt nhất, bạn nên ăn khoảng 25 đến 30 gram chất xơ mỗi ngày.



- Nên uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Điều này giúp cho cơ thể bạn dễ dàng bài tiết ra những chất cặn bã để “tống khứ” ra bên ngoài vào sáng hôm sau.



- Trường hợp bạn bị táo bón nặng, hòa thêm 2 thìa cà phê thầu dầu vào trong cốc sữa.



- Hãy uống đủ lượng nước. Vì nước sẽ giúp làm mềm và dễ dàng di chuyển các khối chất thải. Kinh nghiệm của nhiều người cho thấy uống một cốc nước ấm ngay sau khi thức dậy rất hữu ích đối với người bị táo bón.



- Nếu có thể, bạn hãy ăn nhiều yogurt. Yogurt được lên men bởi những loại vi khuẩn tốt, đó là những vi khuẩn Probiotic. Probiotic là những vi khuẩn tốt , có lợi cho sức khỏe, sống trong đường tiêu hóa và ngay cả trong âm hộ. Vi khuẩn này có tính chua, giúp cho thức ăn được tiêu hóa một cách nhanh chóng.




Sữa chua chứa các lợi khuẩn đường ruột giúp cải thiện tình trạng táo bón. Ảnh: Inmagine.


- Để ý những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đi ngoài sau khi ăn vì ruột thường có phản xạ nhu động sau khi ăn no. Đối với người bị táo bón, đừng bao giờ trì hoãn nếu thấy có nhu cầu đi vệ sinh.



- Tránh ăn những thức ăn dễ gây ra táo bón. Bánh mì trắng và những thức ăn làm từ ngô rất dễ làm cho bạn bị táo bón. Nên hạn chế những thức ăn này.



Sau khi đã làm tất cả những phương án trên, nhưng đều bị thất bại. Tốt nhất bạn nên nhờ đến bác sĩ để được tư vấn và có những điều chỉnh thích hợp nhằm khắc phục chứng táo bón này một cách triệt để.



Táo bón có phải là một vấn đề nghiêm trọng?



Không phải thường xuyên, nhưng đôi khi táo bón có thể là triệu chứng của một vấn đề khác. Nếu bạn bị táo bón nặng kèm theo những cơn đau bất thường, có thể xen kẽ với tiêu chảy hay đi ngoài nhầy hoặc ra máu, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hay hộ sinh.



Ngoài ra, sự căng thẳng trong quá trình đi ngoài hay đi ngoài phân cứng có thể là nguy cơ dẫn dến bệnh trĩ, chính là chứng sưng phồng mạch máu ở phần trực tràng. Bệnh trĩ có thể gây cảm giác vô cùng khó chịu, mặc dù nó hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, bệnh sẽ khỏi sau khi sinh em bé. Tuy nhiên, nếu cơn đau nặng hoặc trực tràng bị ra máu, cần phải đến bác sĩ để kiểm tra.