Khi bị tiểu đường thai kỳ, mẹ và thai nhi có thể đối diện với nhiều nguy cơ. Do đó chị em cần hết sức cẩn thận.

Một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở các mẹ bầu chính là tiểu đường thai kỳ. Nếu mắc tiểu đường thai kỳ, nguy cơ cả người mẹ lẫn em bé trong bụng có thể gặp phải nhiều rủi ro là khá cao. Cùng tìm hiểu về căn bệnh này để có cách phòng ngừa hiệu quả nhé.

Những điều cần biết về tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ - tên gọi theo Y khoa là đái tháo đường thai kỳ là căn bệnh về rối loạn dung nạp glucose, khởi phát hoặc phát hiện lần đầu trong khoảng thời gian mang thai. Theo nghiên cứu, có khoảng 2 – 10% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ.

Bệnh lý này thường phát triển từ khoảng tuần thai thứ 24 đến 28. Bệnh có thể gây ra những biến chứng sức khỏe, rủi ro cho cả mẹ lẫn con nhưng nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách thì sẽ giảm thiểu được tối đa những nguy hiểm.

Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường thai kỳ

Khi mang thai, nhu cầu năng lượng cơ thể của mẹ bầu sẽ tăng cao do phải tạo ra nhiều dưỡng chất để nuôi dưỡng thai nhi trong bụng. Bên cạnh đó, nhu cầu về lượng đường cần thiết cho cơ thể cũng tăng theo.

tieu-duong-thai-ky-co-nguy-hiem-khong

Khoảng 2 - 10% phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ

Không những thế, trong giai đoạn này, nhau thai vốn là “sợi dây” vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cho em bé sẽ tiết ra nhiều hormone để hỗ trợ thai nhi phát triển. Các hormone này có thể gây tác động xấu đến insulin, kéo theo tình trạng rối loạn nội tiết tố.

Khi cơ thể không chuyển hóa tốt insulin, insulin giảm tác động lên cơ thể hoặc tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cơ thể cần thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Insulin không kiểm soát được lượng đường trong máu sẽ dẫn đến tình trạng tiểu đường thai kỳ.

Một câu hỏi nhiều mẹ bầu rất quan tâm đó là bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì. Theo lời khuyên của chuyên gia, nếu mắc tiểu đường thai kỳ, chị em chỉ nên ăn một lượng thực phẩm vừa đủ, tránh ăn dư và nên ưu tiên các loại thức ăn có chỉ số đường huyết thấp, ít làm tăng đường huyết như các loại đậu nguyên hạt, bánh mì nâu, bún tươi, ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt còn vỏ nguyên cám,...

Những đối tượng dễ mắc tiểu đường thai kỳ nhất

Tuy tiểu đường thai kỳ là bệnh lý khi mang thai khá nhiều người gặp phải, nhưng không phải ai cũng sẽ mắc bệnh. Theo đó, một số đối tượng sau được xác định sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn so với bình thường:

  • Mẹ bầu trên 35 tuổi
  • Mẹ bầu bị thừa cân, béo phì trước khi mang thai hoặc tăng cân quá nhanh trong thai kỳ
  • Mẹ từng sinh một hoặc nhiều bé hơn 4kg
  • Lượng đường trong máu cao nhưng chưa đủ để xác định mắc bệnh lý đái tháo đường
  • Có người thân bị tiểu đường type 2
  • Có tiền sử sinh con dị tật, sinh non, thai lưu
  • Đã hoặc đang bị đa nang buồng trứng

Làm thế nào để phát hiện tiểu đường thai kỳ?

Tiểu đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng. Một số dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối có thể kể đến như:

  • Mệt mỏi, mắt mờ
  • Khát nước liên tục
  • Ngủ ngáy
  • Vết thương hở khó lành
  • Đi tiểu quá nhiều lần trong ngày

Để chẩn đoán chính xác bệnh lý đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ cho mẹ kiểm tra lượng đường trong máu bằng việc thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Vậy bà bầu nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần bao nhiêu? Thông thường, xét nghiệm này sẽ được thực hiện khi thai được khoảng 24 – 28 tuần tuổi.

me-bi-tieu-duong-thai-ky

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được thực hiện khi thai khoảng 24 - 28 tuần

Khi thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy máu của thai phụ trước và sau khi uống chất lỏng có chứa 75g đường. Kết quả sau đó cho biết bạn có mắc tiểu đường thai kỳ hay không, để thực hiện xét nghiệm này, phụ nữ mang thai cần nhịn ăn trước đó khoảng 8 tiếng.

Nếu đang băn khoăn không biết xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bao nhiêu tiền thì câu trả lời là mức giá sẽ tùy thuộc vào cơ sở y tế bạn chọn lựa thăm khám. Thông thường chi phí sẽ dao động từ khoảng từ 300.000 đồng - 400.000 đồng.

Những nguy cơ có thể gặp phải nếu bị tiểu đường thai kỳ

Đối với người mẹ

Thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn so với các mẹ bầu bình thường, ngay cả trong giai đoạn bầu bí lẫn lúc sinh nở và sau khi sinh. Cụ thể những tai biến thường gặp nhất có thể kể đến như:

  • Sinh non: Do dễ bị nhiễm khuẩn niệu, tiền sản giật, huyết áp cao,… lượng đường trong máu cao cũng làm tăng nguy cơ sinh non hoặc thai phụ sẽ được khuyên sinh sớm do em bé đã quá lớn, có thể gây khó khăn nếu chờ đến đủ ngày;
  • Sẩy thai, thai lưu: Tỷ lệ sẩy thai, thai lưu khi người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ cũng cao hơn so với thông thường;
  • Đa ối: Thường gặp ở tuần thứ 26 – 32 của thai kỳ, dịch ối nhiều làm tăng nguy cơ sinh non;

phu-nu-bi-tieu-duong-thai-ky

Cả mẹ bầu và thai nhi đều có thể gặp nhiều nguy cơ nếu mắc tiểu đường thai kỳ

  • Cao huyết áp: Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ thường có huyết áp cao hơn so với bình thường. Cao huyết áp khi mang thai lại dễ dẫn đến tiền sản giật, tai biến, suy gan suy thận,… Do đó cần theo dõi kỹ lưỡng chỉ số huyết áp với mẹ bầu bị đái tháo đường;
  • Nhiễm khuẩn niệu: Nhiễm khuẩn niệu không được điều trị đúng cách, kịp thời có thể là nguyên nhân gây ra các tai biến như viêm đài bể thận cấp, sinh non, nhiễm trùng ối, nhiễm ceton,…
  • Ảnh hưởng trong tương lai: Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ cao gặp lại bệnh lý này trong những lần mang thai tiếp theo. Không những thế, chị em khi có tiền sử đái tháo đường thai kỳ còn rất dễ diễn tiến thành đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Đối với em bé

Không những thai phụ, chính em bé trong bụng người mẹ bị tiểu đường thai kỳ cũng có thể phải đối diện với nhiều nguy cơ. Trong đó các nguy cơ thường gặp nhất chính là:

  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là hội chứng nguy kịch hô hấp;
  • Hạ glucose huyết tương: 15 – 25% em bé sinh ra từ người mẹ bị đái tháo đường sẽ gặp phải tình trạng hạ glucose huyết tương và các căn bệnh về chuyển hóa khác;
  • Thai to tăng trưởng quá mức gây tình trạng khó sinh, em bé dễ gặp những tai biến sinh nở. Hơn nữa, em bé quá to thường không hề khỏe mạnh hơn những em bé có cân nặng bình thường như nhiều người vẫn tưởng;
  • Dễ gặp phải tình trạng tăng hồng cầu, tử vong ngay sau sinh;
  • Ảnh hưởng trong tương lai: Em bé sơ sinh quá to làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Bên cạnh đó, trẻ có mẹ mắc tiểu đường thai kỳ thường có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường trong tương lai cao hơn gấp 8 lần khi ở độ tuổi 19 đến 27.

Làm gì để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ?

Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Vì thế, làm sao để phòng tránh tiểu đường thai kỳ là vấn đề được rất nhiều chị em hết sức quan tâm. Dưới đây là những điều bạn nên chú ý để phòng ngừa nguy cơ tiểu đường trong giai đoạn mang thai.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi mang thai

Chế độ mang thai không chỉ ảnh hưởng rất nhiều đến nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, mà còn tác động chung đến sức khỏe của mẹ bầu và cả thai nhi. Khi mang thai, chị em cần xây dựng cả thực đơn và những thói quen ăn uống lành mạnh.

phong-ngua-tieu-duong-thai-ky

Mẹ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Tùy vào cơ địa và sở thích của mỗi người mà thực đơn có thể thay đổi khác nhau. Nhưng có những nguyên tắc chung bà bầu cần lưu ý để phòng ngừa nguy cơ đường huyết tăng cao. Đó là tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây, uống nhiều nước, phân chia, điều chỉnh và kiểm soát lượng thức ăn giàu đường và tinh bột mỗi ngày, sử dụng chất béo có lợi, các bữa ăn cũng cần chia nhỏ để trải đều năng lượng cơ thể dung nạp. Để điều chỉnh tốt nhất chế độ ăn của mình, phụ nữ mang thai nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn và tuân thủ theo chỉ định.

Tăng cường vận động hợp lý

Mang thai là giai đoạn nhạy cảm, chính vì thế, chị em cần hết sức cẩn thận trong việc sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, vận động nhẹ nhàng, hợp lý vẫn là một trong những thói quen nên duy trì.

Vận động hợp lý giúp chị em phòng ngừa được nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Do đó, các mẹ bầu có thể tham khảo các chuyên gia về lĩnh vực này để xây dựng các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với cơ địa bản thân. Một số bộ môn chị em đang mang thai có thể tham khảo đó là đi bộ, bơi lội, yoga bầu,…

Duy trì cân nặng cân đối trước lúc mang thai

Tuy không phải là nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ, nhưng cân nặng trước lúc mang thai tác động rất nhiều đến khả năng có hoặc không bị đái tháo đường khi mang thai. Theo nghiên cứu, phụ nữ có chỉ số BMI lớn hơn 30 sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ gấp 3 lần so với người sở hữu chỉ số BMI nhỏ hơn 25.

me-bau-phong-ngua-tieu-duong-thai-ky

Kiểm soát cân nặng trước khi mang thai cũng là cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Do đó, trước khi quyết định mang thai, chị em cần chú ý đến cân nặng cũng như tình trạng sức khỏe của mình. Nếu xác định béo phì, thừa cân, hãy tìm cách điều chỉnh cân nặng trước khi mang thai vì việc giảm cân trong giai đoạn đang mang thai có thể gây ra nhiều tác động không tốt đến cả mẹ và bé.

Tìm hiểu về tiểu đường thai kỳ là điều các mẹ sắp sửa hoặc vừa mang bầu rất nên làm. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về tiểu đường thai kỳ cũng như cách phòng ngừa bệnh lý thường gặp khi mang thai này.

Xem thêm bài viết liên quan:

Những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng giữa mà mẹ nên biết.

4 dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu nhớ để ý

6 giải đáp về ảnh hưởng của bệnh tiểu đường thai kỳ trong giai đoạn sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ