Bé trai không may bị hóc thạch trong trà sữa, dù được đưa đến viện nhưng đã bị bại não, sống thực vật.

Em thấy vẫn còn nhiều mẹ chủ quan trong việc cho con ăn uống lắm các mẹ ạ. Nhiều trường hợp các bé gặp nạn do bị hóc dị vật khi ăn uống mà cha mẹ không có kiến thức đế sơ cứu, dẫn tới những vụ việc rất đau lòng. Mấy ngày này em thấy mọi người chia sẻ nhiều về trường hợp bé trai 21 tháng tuổi bị hóc thạch khi uống trà sữa dẫn đến bại não, sống đời sống thực vật, phải ăn uống qua đường ống thông.

Bé 1 tuổi cho pin số 7 vào miệng ngậm, liền sau 1 tiếng nổ phát ra, miệng bé đầy khói

hình ảnh

Bệnh nhi là bé trai Nguyễn Tiến Q., 21 tháng tuổi ở Quảng Nam. Cách đây 7 tháng, sau khi có tiền lương làm công nhân xây dựng cuối tháng, bố bé đã đưa vợ con lên thành phố chơi, chiêu đãi vợ một cốc trà sữa.

Khi con trai đòi, người cha cho bé uống thử, không may hút phải thạch gây tắc đường thở. Do không biết sơ cứu, cháu bé đã bị ngưng thở sau đó ít phút. Bé trai được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng đã quá muộn, cháu bé bị bại não, phải sống thực vật, chân tay không thể cử động, các cơ gồng cứng.

Suốt 7 tháng qua, bé 21 tháng tuổi bị hóc thạch khi uống trà sữa chỉ nằm một chỗ, ăn uống đều qua sonde, hình ảnh MRI cho thấy não bị teo rất nặng. Bố mẹ bé đã đưa con chạy chữa khắp nơi, từ miền Trung vào Long An, TP.HCM để chữa bệnh. Gần đây nhờ có nhiều người giúp đỡ, gia đình bé ra Hà Nội để cấy tế bào gốc lần đầu, dự tính sẽ phải thêm lần nữa và cần 3 tháng nữa mới có thể đánh giá được tình hình.

Được biết, hoàn cảnh gia đình bé rất khó khăn, cụ nội bé 84 tuổi bị thương tật, mất một tay, bà nội bé bị tai nạn giao thông không thể lao động, bố bé không có nghề nghiệp ổn định, làm thuê đủ nghề để kiếm sống.

Trên thực tế, những ca bệnh bị hóc dị vật gây ngạt đường thở ở trẻ em không phải hiếm. Tuy nhiên rất ít các bậc phụ huynh có kỹ năng sơ cứu. Các ca dị vật thường là các vật nhỏ bé sơ ý bỏ vào miệng, hoặc thức ăn như rau câu, hạt nhãn...Hầu hết trẻ được chuyển đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, não tổn thương không hồi phục do thiếu oxy, nhiều trẻ tử vong. Nguyên do khi trẻ hóc dị vật, không được sơ cấp cứu kịp thời khiến dị vật chèn vào đường thở, gây ngừng thở, ngừng tim.

Thông thường với trẻ dưới 2 tuổi, khi phát hiện trẻ hóc dị vật cần lập tức cho trẻ nằm sấp dọc trên 1 tay của người lớn, giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng trẻ để kích thích ho cho dị vật bắn ra. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa dọc cánh tay. Dùng ngón trỏ ấn thật nhanh, mạnh vào xương ức. Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa thực hiện lại động tác cho đến khi xe cấp cứu tới.

Với trẻ lớn hơn thì đặt bé nằm ngang đùi, vỗ 5 cái vào vùng lưng phía sau phía trên ngực, dùng phương pháp Heimlich ép bụng:

Bước 1: Đứng sau lưng bé, một chân trước, một chân sau; chân trước lồng giữa hai chân trẻ.

Bước 2: Vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng bé, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong, áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của bé.

hình ảnh

Bước 3: Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4 - 5 cái. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả

Lặp lại một vài lần nếu cần thiết trong thời gian chờ nhân viên y tế và xe cấp cứu đến. Theo các bác sĩ, chỉ cần 3 phút không có oxy lên não đã gây tổn thương, 4 phút là não tổn thương không hồi phục. Do đó, khi trẻ hóc dị vật, cần cấp cứu cho con trong khoảng thời gian trước 4 phút. Điều này đòi hỏi người lớn cần biết sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà để không xảy ra trường hợp đáng tiếc như bé 21 tháng bị hóc thạch khi uống trà sữa.

Bài và ảnh tổng hợp từ PNVN, TT…