Ở các vùng nông thôn, không hiếm các trường hợp cha mẹ thả con cho đi chơi rong mà không dặn trẻ về các khu vực cấm, nguy hiểm, dẫn đến tỷ lệ trẻ gặp tai nạn tử vong cao.

>>> Vụ 4 người đuối nước ở Bình Thuận: Cách xử trí khi gặp dòng xoáy tử thần để vào bờ an toàn

Sự việc xảy ra từ sáng hôm qua, lúc 7 giờ 30 phút, ngày 17/01/2021, em T.T.T.H, 12 tuổi và một nhóm bạn cùng lứa đạp xe đi chơi trên địa bàn thôn 13, xã Đam B’ri.

hình ảnh


Ảnh: Hồ nước nơi cháu H gặp nạn. Nguồn: VOV. 

Đến khu vực hồ Cống Sập thì cả nhóm rủ nhau tới hồ chơi. Lúc chơi đùa không may em H. bị trượt chân rơi xuống hồ, thấy vậy mấy em đi chơi cùng đã tri hô và chạy tìm người lớn đến cứu, nhưng mà muộn rồi, lúc người lớn có mặt thì em H. đã chìm và khi được vớt lên khỏi hồ em đã qua đời.

Theo người dân ở khu vực này cho biết, hồ Cống Sập là hồ nước mà người dân ở đây cải tạo, nằm trong khu vực tự ý phân lô, bán nền thuộc dạng dự án lậu trên địa bàn thôn 13. Chủ đất đã tự ý thiết kế một sàn ván lấn ra giữa hồ làm cảnh quan. Do mặt sàn không có hành lang và không được che chắn cẩn thận, nên dễ gây nguy hiểm cho những người tới đây, đặc biệt là trẻ em.

Công an xã Đam B’ri, Công an thành phố Bảo Lộc cùng với chính quyền đã có mặt ghi nhận hiện trường, đồng thời làm rõ nguyên nhân cái chết thương tâm của bé gái 12 tuổi.

Báo Thanh Niên đưa thêm tin, khu vực này đã và đang diễn ra rầm rộ hoạt động phân lô, bán nền đất nông nghiệp, trong đó có nhiều khu vực nằm sát đường giao thông, đặc biệt một số khu vực có ao hồ nhưng lại không hề có biện pháp che chắn gây nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

hình ảnh


Ảnh trái: Một khu vực san gạt phân lô đất nông nghiệp trên địa bàn thôn 11 (xã Đam B’ri, TP.Bảo Lộc) nằm cạnh một hồ thủy lợi không được che chắn gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nguồn: Báo Thanh Niên. Ảnh phải: Nền ván xây dựng trên mặt nước nhưng không có hành lang bảo vệ. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Những tình huống như thế này không phải hiếm gặp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, cha mẹ cần phải lưu ý hơn nhất là khi trong nhà có con nhỏ, vì trong độ tuổi trẻ em, thường nghịch ngợm, tò mò, thích khám phá các khu vực mới lạ. Nếu người lớn có sự giám sát chặt chẽ thì sẽ không có sự cố như thế này xảy ra.

Hậu quả đã xảy ra rồi người ở lại có hối tiếc thì cũng không làm được gì, quan trọng người ở lại cần phải nhìn thấy và rút kinh nghiệm cho bản thân từ sự việc của người khác.

Còn với chủ đất thì sao? Liệu rằng người này có phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự trong việc không có rào chắn an toàn dẫn đến nguyên nhân chết người của trẻ không?

Bộ luật hình sự hiện hành có quy định về việc tuân thủ quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động và an toàn ở nơi đông người, nếu người vi phạm dẫn đến hậu quả chết người thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng đối với sự việc này, vấn đề đặt ra là khu vực bé gái 12 tuổi bị đuối nước có phải là công trình xây dựng không, hoặc có phải là nơi công cộng để tập trung đông người không?

Nếu xác định là có thì chủ đất mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này, theo Điều 295 của Bộ luật hình sự, với khung hình phạt là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung đó là nộp phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng…

Không chỉ vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, bao gồm chi phí mai táng cũng như khoản bù đắp tổn thất về tinh thần cho người ở lại là nghĩa vụ chắc chắn phải thực hiện.

Người mất thì cũng đã mất rồi, chỉ có người ở lại là đau lòng, có hối tiếc về những gì mà mình sơ suất, mình đã không làm thì cũng đã muộn rồi. Hy vọng sau những vụ việc như thế này, các bậc làm cha, làm mẹ cần đề phòng cẩn thận hơn.