Có những vụ tai nạn xảy ra do lỗi của tài xế cẩu thả, chạy quá tốc độ, uống rượu bia khi lái xe,… nhưng cũng có những vụ một phần nguyên nhân nằm ở phía cơ sở hạ tầng cầu đường.

>>> Ô tô lao xuống biển ở Quảng Ninh, đau xót 4 người qua đời sau chầu nhậu: Chỉ tài xế sống sót

Tối qua xem báo vụ tai nạn này mà thấy thương tâm quá mẹ ơi.

Cái chỗ này đâu phải mới xảy ra đâu, trước đây đã từng có rồi, vậy mà cơ quan quản lý vẫn chưa rút kinh nghiệm, để xảy ra hậu quả đau thương thế này.

Nguồn tin từ báo Giao Thông cho biết, khoảng 19 giờ 40 phút ngày 04/10/2020, trên cầu treo sông Giăng, ô tô 7 chỗ mang biển kiểm soát 30A-93.553 do anh Nguyễn Thế Tuấn, sinh năm 1980, ngụ ở Nghệ An chở theo anh Lê Đình Anh, sinh năm 1983 và anh Lê Đình Quyết, sinh năm 1973, cùng ngụ ở Nghệ An xảy ra va chạm với xe mô tô do anh Đào Văn Nam chở theo Hoàng Anh Tuấn, sinh năm 1992, ở cùng xóm.

hình ảnhẢnh chụp báo Giao thông. 

Hậu quả sau đó làm ô tô rơi xuống sông, khiến anh Nam tử vong. Rồi đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, chiếc ô tô 7 chỗ kia được đưa lên khỏi mặt nước, 3 người trên xe ô tô đều đã tử vong. Người ngồi sau xe mô tô, rơi xuống sông, lúc 22 giờ 36 phút, thi thể anh này mới được đưa lên bờ.

Ngay khi nhận tin báo về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Thường trực kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mới chỉ đạo điều tra vụ tai nạn.

Nghe kể về lịch sử khu vực xảy ra tai nạn thấy sợ lắm nha các mẹ.

Tại vị trí này là bến đò sông Giăng đã xảy ra vụ chìm đò làm 11 em học sinh qua đời vào năm 1985. Cây cầu treo được xây dựng sau đó, vào năm 1987. Mới đầu cầu nằm trên Tỉnh lộ 533 do Sở Giao thông Vận tải Nghệ An quản lý. Cho đến năm 2017, Tỉnh lộ này được nâng lên thành Quốc lộ 46C nên tuyến đường và cầu được giao cho Cục Quản lý đường bộ Quản lý.

Ngay thời điểm tiếp nhận, Cục thấy trước được nguy cơ xảy ra, đã có văn bản đề nghị cho phép sửa chữa cầu theo dự án cấp bách sữa chữa thay thế cầu yếu do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản hỗ trợ vốn. Dù vậy, nhưng dự án này không được phê duyệt.

Bản chất cây cầu yếu, nên cơ quan này đã cắm biển hạn chế tải trọng chỉ cho phép lưu thông dưới 7 tấn, và kèm cảnh báo cầu yếu, làm thanh chắn giới hạn khổ phương tiện.

Năm 2017, cầu hư hỏng quá nặng nên Cục đã tiến hành sửa chữa và duy tu bảo dưỡng mỗi năm. Nhưng xét toàn diện thì cây cầu này dù sửa chữa, duy tu vẫn hiển hiện nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Cây cầu và đường dẫn lên khá hẹp. Bề rộng chỉ khoảng 5m, đủ cho 1 chiếc ô tô và 1 xe máy cùng chiều lưu thông. Đi qua cầu là con đường ngắn nhất để dân có thể đi từ xã Phong Thịnh đến xã Thanh Liên và trung tâm huyện, còn không họ phải đi đường vòng rất xa, hơn chục km.

Phần cầu, cấp và trụ bê tông có nhiều vết gỉ sét, nứt nẻ. Lại thêm ban đêm cầu tối om, không có điện chiếu sáng càng tạo ra vẻ nguy hiểm dễ gây mất an toàn giao thông cho người đi đường.

hình ảnh


Ảnh trái: Tuổi thọ trung bình cây cầu treo dân sinh từ 15 - 20 năm, nhưng cầu treo Sông Giăng đã được xây dựng từ 33 năm trước. Nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng không còn đảm bảo an toàn. Nguồn: Báo Giao thông. Ảnh phải: Lực lượng chức năng và người dân tiến hành trục vớt xe ô tô 7 chỗ lên bờ. Nguồn: Báo Nghệ An. 

Công an khám nghiệm hiện trường bất ngờ vì lan can cầu quá yếu, không còn tác dụng chịu lực và ngăn cản phương tiện, nhìn bề ngoài vậy thôi chứ bên trong gỉ hết rồi. Thực tế vụ tai nạn cũng đã làm hỏng 1 đoạn lan can cầu dài hơn chục mét rồi.

Ngay trong đêm xảy ra vụ tai nạn, cơ quan chức năng đã bố trí người trực gác, cảnh giới cầu. Khám nghiệm hiện trường xong, họ triển khai khôi phục hệ thống lan can, cũng như hạng mục bị hư hỏng do vụ tai nạn.

“Mất bò mới lo làm chuồng” quả không sai

Trước đó, dù cơ quan trực tiếp quản lý đề xuất nhưng vẫn không được phê duyệt, vì thế mà dẫn đến chuyện không có kinh phí để xây cầu mới.

Người dân ở đây cũng khẩn thiết đề nghị, cây cầu này yếu rồi, giờ chỉ có xe con với xe máy đi thôi, thấy bất tiện. Chưa kể cầu bị giới hạn tải trọng, nên mỗi khi chở hàng hóa qua cầu, không dám chở nặng. Nông sản lẫn những thứ hàng hóa sản xuất ra khó đưa đi đâu xa được. Khu vực này tập trung đông dân, là nơi lưu chuyển hàng hóa nữa nên việc xây dựng cây cầu mới là điều cấp thiết.

Trong vụ tai nạn này, cả tài xế ô tô 7 chỗ lẫn người lái xe máy đều qua đời, nên việc xem xét trách nhiệm của người lái xe có thể tạm gác một bên.

hình ảnh


Ảnh: Những tấm lan can cầu bị húc văng ra khỏi thân cầu. Một người dân xã Thanh Liên có nhà ở gần cầu cho biết: Chúng tôi nghe tiếng va chạm mạnh vào thân cầu khi vụ tai nạn xảy ra. Nguồn: Báo Nghệ An. 

Vấn đề ở đây cần bàn đến, chính là trách nhiệm của những người quản lý cầu đường?

Để ý mấy vụ tai nạn chết người xảy ra, khi xem xét trách nhiệm của cơ quan và những người quản lý, thường bên này chuyển bên kia, bên kia đưa bên nọ, nên thành ra chỉ điểm để xử lý rất khó.

Dù rằng pháp luật hình sự hiện hành có quy định các tội danh liên quan đến quản lý và xây dựng, cụ thể:

Theo Điều 281 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông đường bộ… mà có một trong các hành vi như không thực hiện đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý; không khắc phục kịp thời; không thực hiện đúng biện pháp hướng dẫn, đặt biển hiệu, cọc tiêu ngăn ngừa… gây hậu quả làm chết 03 người trở lên sẽ phải chịu hình phạt tù từ 06 năm đến 15 năm. Ngoài ra, còn phải nộp tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Còn với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 360 của Bộ luật hình sự hiện hành, hậu quả làm chết 03 người trở lên, sẽ phạt tù từ 07 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng là không thể thiếu với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này.

hình ảnh


Ảnh: Sáng nay, 05/10/2020, nhiều người dân vẫn đổ về cầu treo sông Giăng xem hiện trường vụ tai nạn đêm 04/10/2020. Ai cũng bày tỏ lo lắng cho sự an toàn của người và phương tiện qua lại trên cầu này. Nguồn: Báo Nghệ An. 

Xem xét để xử lý trách nhiệm hình sự có vẻ như khó khăn hơn là việc yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự cho nạn nhân.

Thông qua vụ này cũng là kinh nghiệm cho cơ quan quản lý, cần rà soát lại hệ thống cầu, đặc biệt là với những cây cầu đã được xây dựng quá lâu, cần phải duy tu, sửa chữa, thậm chí có cái cần phải xây mới nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường.

Về phía người tham gia giao thông, có biển cảnh báo hay không, cũng cần lựa chọn con đường đi an toàn cho mình. Có thể xa hơn nhưng mình được bảo toàn tính mạng, sức khỏe. Mẹ cầm lái nhớ nhé, nhắc luôn cả người thân mình nữa.

Tổng hợp