Khổ thân, mượn nợ của “dân anh chị” là vậy đó các mẹ. Đến chết vẫn không yên nếu mình trả không đủ.

>>> Tạt sơn, bôi chất bẩn vào nhà người khác để khủng bố đòi nợ: Có thể bị truy tố hình sự

Cho nên chẳng phải mà Nhà nước mình cấm khơi khơi cái dịch vụ đòi nợ đâu. Tất cả đều có lý do cả đấy. Nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ cho hay, Công an xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM mới tiếp nhận đơn báo của về việc một căn nhà trên địa bàn này bị tạt sơn đòi nợ vào tối hôm qua 12/10/2020 dù là người nợ đã chết.

hình ảnhẢnh chụp báo Tuổi trẻ. 

Theo bà Nguyễn Thị Hương, 54 tuổi, trú tại địa bàn này cho biết bà bị khủng bố bằng sơn đỏ nhiều lần khiến cả gia đình sống trong bất an.

Nghe kể lại, đầu năm nay, gia đình phát hiện người em trai của bà tên N.C.H, 49 tuổi, có nhiều khoản nợ và không còn khả năng chi trả. Đó cũng là lúc người em trai này bị bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày. Thời điểm đó liên tục có nhiều người tìm đến nhà đòi nợ, rồi họ tạt sơn, đập phá nhà cửa.

Đến giờ, em trai của bà là con nợ, đã mất, họ vẫn cứ tiếp tục tới tạt sơn, đập phá nhà cửa. Bà Hương kể từ khi em trai bà mất đi, không ai biết người này nợ ai và tổng cộng bao nhiêu tiền.

hình ảnh


Ảnh trái: Bà Hương thắp nhang cho người em trai quá cố. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. Ảnh phải: Căn nhà bị tạt sơn, không thể tẩy rửa. Nguồn: Báo Giao thông. 

Quan sát camera của gia đình ghi lại số lần nhóm này đến đòi nợ:

Lần 1: Nhóm này tạt sơn vào rạng sáng ngày 29/4/2020.

Lần 2: Tối 12/5/2020, nhóm này đi trên 2 xe máy tới la lối, chửi bới, dọa chém anh H. nếu không trả nợ, thậm chí nhóm này còn dùng đá ném vào phía bên trong nhà.

Lần 3: Tối 22/5/2020, nhóm này tiếp tục đến mở cổng rào xông vào đập phá, lúc này có vợ con của anh H. ở nhà, vì hoảng loạn nên 2 mẹ con phải chạy khỏi nhà để thoát thân.

Đến ngày 05/9/2020, anh H. mất do bệnh nặng, vợ con anh cũng dọn ra khỏi nhà để tránh bọn khủng bố.

hình ảnh

Ảnh: Căn nhà dính đầy vết sơn đỏ. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Đến tuần trước, nhóm này lại tiếp tục đến đòi nợ, hàng xóm thấy vậy báo anh H. đã mất, nhóm này bỏ đi. Tưởng đâu yên chuyện, họ lại tới tạt sơn vào nhà anh H. và nhà của chị gái anh là bà Hương.

Do nhà sát vách nên sau khi anh H. mất đi, nhà của chị gái kế bên trở thành mục tiêu mà bọn chúng hướng tới khiến cuộc sống của gia đình bà Hương bị đảo lộn.

Bà bức xúc kể, gia đình bà không liên quan gì cũng bị vạ lây. Sau đó mẹ con bà phải đi mua xăng về tẩy sơn đến 2 giờ sáng mới xong. Áo quần và mùng mền phơi ngoài đều phải mang đi bỏ vì dính đầy sơn.

hình ảnh

Ảnh: Cửa kính căn nhà bị ném đá. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Còn bên trong nhà của anh H. chỉ còn di ảnh của anh, ngoài ra không còn gì hết, vậy mà nhóm này cũng tạt sơn, phủ kín lớp sơn lên phần bàn thờ lẫn kính cửa sổ bị đập vỡ.

Hiện tại, vụ việc vẫn đang được giải quyết, chưa có thông tin thêm về kết quả điều tra.

Bọn đòi nợ theo kiểu “anh chị” là vậy đó các mẹ, chúng bất chấp con nợ và người thân thế nào, cứ mặc sức đòi cho bằng được, trả cho đủ mới thôi.

Có vay thì phải có trả, nhưng cái cách mà bọn này đòi nợ thật quá đáng sợ. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ chẳng đùa được đâu nha, dù rằng phía con nợ và người thân có một phần trách nhiệm trong việc phải thanh toán các khoản mà họ có nghĩa vụ phải trả.

Hành vi tạt sơn, đe dọa, chửi bới, ném đá… dù có thể tổng giá trị tài sản chưa đến mức 2 triệu nhưng xét gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo Điều 178 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, mức án phạt có thể là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

hình ảnhẢnh: Đồ dùng của gia đình bị tạt sơn. Nguồn: Báo Giao thông. 

Nắm được nhu cầu cần tiền của nhiều người, bọn cho vay nặng lãi thường cho vay lãi suất rất cao, hơn gấp nhiều lần ở ngân hàng, hoặc ở các công ty tài chính, và một khi không trả được nợ cho chúng thì người đi vay lẫn người thân phải chịu áp lực. Thật ra, pháp luật vẫn có cơ chế để giải quyết những trường hợp vay tiền không trả. Nếu người vay tiền dù có khả năng trả nhưng không trả, bỏ trốn, trốn tránh việc trả nợ vẫn sẽ bị xử lý hình sự như thường.

Còn với trường hợp không có khả năng để trả, người vay đã qua đời thì về mặt pháp lý, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, có trách nhiệm trả, bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ/chồng, con đẻ, con nuôi của người chết. Việc thực hiện nghĩa vụ này sẽ trong khoản giới hạn mà tài sản thừa kế của người đã mất để lại.

Tổng hợp