Hết điện rồi giờ tới nước, xài mà cứ vô tư trả có ngày ôm cục nợ đó nha mẹ.

>>> 2 phương án tính tiền điện sắp tới, mẹ làm phép so sánh để biết lựa chọn cái nào có lợi

Hôm qua đọc tin này trên trang Thanh Niên mà lo quá, đọc xong là mình về kiểm tra ngay cái đồng hồ nước. Hên quá, nó vẫn hoạt động bình thường.

hình ảnhẢnh chụp báo Thanh Niên. 

Được biết, bà T.T.N.H. ngụ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho anh H.M.T thuê mặt bằng kế bên nhà để mở quán ăn bình dân. Lúc này, đồng hồ nước mới được gắn vào tháng 12/2019, nghiệm thu lắp đặt ngày 17/12/2019.

Số tiêu thụ mỗi tháng hơn 100m3 cho kỳ 2 và kỳ 3. Quán ăn sử dụng nước bình thường cho đến kỳ 4 và 5 thì đại dịch SARS-CoV-2 bùng phát. Chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng về giãn cách xã hội, quán ăn của anh T. ngừng kinh doanh.

Tuy nhiên, trong thời gian này, chỉ số nước tiêu thụ lại tăng bất thường. Dù quán ăn không hoạt động, không sử dụng, nhưng chỉ số vẫn cứ tăng vọt lên 128m3.

Thấy có dấu hiệu bất thường, bà H. là chủ cho thuê mới gọi điện lên Công ty cấp nước yêu cầu kiểm tra thì nhận được phản hồi, đây là số tạm tính, không sao đâu. Và dĩ nhiên bà vẫn phải đóng theo hóa đơn là hơn 3,7 triệu đồng.

19 ngày sau, Công ty cấp nước lại đưa thêm hóa đơn với chỉ số tăng vọt lên 1.800m3, thành tiền là 36,8 triệu đồng. Ngay lúc này, bà H. lập tức liên hệ, phía Công ty cấp nước mới cho 2 nhân viên xuống lập biên bản ghi nhận đường ống nước đi nổi, không rò rỉ cũng như bị thất thoát nước. Bà H. lúc này cũng cung cấp hình ảnh chứng minh đồng hồ chạy từ ngày 24/4/2020 đến ngày 10/5/2020 chưa đến 100m3.

Sau đó, bà H. được mời lên làm việc, phía đại diện của Công ty cấp nước lại tiếp tục yêu cầu đóng tiền giám định nhưng bà H. không đồng ý với đồng hồ mới dùng chưa được 04 tháng, công ty lắp đặt còn nguyên niêm chì, không thể hư hỏng được.

Tiếp đó, bà lại nhận thông báo thanh toán tiền cho hóa đơn gần 37 triệu đồng cho 1.686m3, nếu không thì bị cắt nước sau 07 ngày.

Đáng nói là hóa đơn tiền nước nhiều kỳ của nhà bà H. có nhiều điểm bất thường, từ mức 0 đến 43m3. Đến kỳ 8 thì chỉ số này quay về mức 0, mức tiêu thụ ghi nhận 57m3. Và đến kỳ 9 đáng lẽ phải tiếp nối số 57 thì lại vọt lên 632…

Liên tục sau đó, bà H. đề nghị công ty cứ cử người xuống kiểm tra thì lại nhận lời giải thích, không cử được người xuống vì giãn cách xã hội, không có người làm, bức xúc quá, nên bà H. và anh T. thuê nhà đã 2 lần gửi đơn khiếu nại. Đáp trả vẫn là lời giải thích kiểu chung chung, không thuyết phục, không rõ ràng và họ chỉ có một câu yêu cầu bà H. phải đóng tiền nợ, còn không bị cắt nước. Khi được yêu cầu gặp người đại diện cấp cao hơn thì phía này từ chối.  

hình ảnh


Ảnh trái: Công ty Cấp nước liên tục gửi thông báo yêu cầu bà H thanh toán hóa đơn tiền nước gần 40 triệu đồng. Nguồn: Báo Thanh Niên. Ảnh phải: Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Người Lao Động. 

Yêu cầu tìm phương án để giải quyết cả đôi bên thì công ty nói họ sẽ giải quyết nội bộ, còn dân cứ phải đóng tiền. Thậm chí, họ còn 2 lần thỏa thuận giảm giá nước, số tiền giảm vẫn còn hơn 16 triệu đồng, nên phía bà H. không chấp nhận.

Anh T. thuê nhà cũng bất bỉnh, đại dịch xảy ra, khiến anh phải ngừng kinh doanh, không buôn bán được thì làm sao để có tiền thanh toán 1 khoản lớn bất thường đến như vậy.

Trước khi xác định lỗi của bên nào ra sao và ai là người có trách nhiệm thì trước tiên, mình vẫn muốn chia sẻ với mẹ rằng, hãy tự kiểm tra đồng hồ nước nhà mình xem thử.

Hằng tháng giấy báo tiền nước đều gửi về nhà, trong đó có đề cập rõ tính chỉ số tiêu thụ từ ngày nào đến ngày nào, việc của mẹ là để ý khoảng thời gian này, để mà tháng sau tới gần ngày đó, mẹ kiểm tra lại đồng hồ mình, tự lấy giấy bút ghi lại, xem có tương ứng với lượng nước trước đó mình đã sử dụng không?

Thêm nữa, điện với nước thường được tính theo định mức tại mỗi căn hộ, trong trường hợp cư trú (là thường trú hoặc tạm trú) mẹ phải đăng ký khoản này với Công ty cấp nước để được tính lượng nước tiêu thụ với giá rẻ hơn, bằng không lượng nước nhà mẹ tiêu thụ sẽ được tính theo dạng không định mức, giá mắc gấp đôi so với trường hợp đăng ký định mức cho mỗi m3 nước.

Kiểm tra đồng hồ nước, mẹ cũng không quên kiểm tra các van vòi nước ở nhà, đặc biệt là van xả bồn cầu, xem có bị rò rỉ hay hư hỏng hay không? Nhiều trường hợp mình đã từng gặp van nước rò rỉ không sửa chữa kịp thời hoặc đi xa mà quên khóa kỹ vòi nước khiến nước tràn ngập khắp nhà, dù những ngày đó mình không sử dụng, lúc về cầm hóa đơn tiền nước thấy hết hồn, bị tính tới tiền triệu. Nên có đi đâu vắng nhà nhiều ngày mẹ càng phải cẩn thận hơn chỗ này.

Quay trở lại với vấn đề lỗi liên quan đến đồng hồ nước, nghe kể thì đã có thể bỏ qua được yếu tố nhân viên ghi chỉ số sai, vì đây thuộc về bản chất của đồng hồ nước.

Đồng hồ nước được gắn và lắp đặt bởi Công ty cấp nước ở khu vực nơi mình ở, nên cần phải xác định nguyên nhân từ đây, đồng hồ nước có vấn đề có thuộc lỗi của nhà cung cấp hay không?

Vì khi mua hàng, nhà cung cấp cần đảm bảo về thời hạn sử dụng cũng như bảo hành nếu có lỗi xảy ra. Vấn đề ở đây đáng lý ra phía Công ty cấp nước có trách nhiệm giúp hộ bà H. kiểm tra đồng hồ nước, thay vì phải yêu cầu đóng tiền giám định, vì họ đã xài được bao lâu đâu mà giám định đồng hồ có hư hỏng hay không?

Vụ việc này có lẽ xem xét ở góc độ trách nhiệm dân sự, buộc phải thực hiện đúng nghĩa vụ như trong hợp đồng lắp đồng hồ nước lẫn hợp đồng cấp nước, và bồi thường thiệt hại về tài sản nếu bên lắp đặt, cấp nước có lỗi.

Trường hợp phát hiện người nào có yếu tố gian dối dẫn đến thiệt hại cho khách hàng mới xem xét tiếp để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổng hợp