Thấy nhiều chị em lấy chồng xong sao khổ quá, vất vả lo chuyện nhà cửa bếp núc, con cái chưa đủ, nay lại quay qua lo chồng “mèo mỡ”, “lập quỹ riêng”.

>>> Mẹ đinh ninh có tên trong Sổ hộ khẩu mặc nhiên được nhận thừa kế từ 'chủ hộ': Sai bét nhè

Có chị nọ đem câu chuyện của chồng đi tâm sự với mình, mà mình biết là nhiều chị em cũng gặp phải vấn đề này nên chia sẻ.

May mắn hơn nhiều người, vợ chồng chị kết hôn xong không phải đi thuê phòng trọ, mà được cha mẹ chồng cho căn nhà để ở, rồi sau đó sợ tranh chấp về sau, cha mẹ làm hẳn thủ tục sang tên cho 2 vợ chồng. Nhờ đó mà cả 2 yên ổn an cư, rồi gầy dựng cơ ngơi như ngày hôm nay. Anh vốn là người giỏi giang, thành đạt, nên chị lo lắng sợ anh có “bồ nhí” bên ngoài.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Vừa rồi, vợ chồng làm ăn kinh doanh anh lời được một khoản tiền, anh dùng số tiền này đem đi mua nhà, chẳng hỏi ý kiến của vợ. Lúc chị phát hiện là lúc đang dọn dẹp phòng riêng của 2 vợ chồng, thấy tấm sổ hồng chỉ đứng tên mỗi chồng. Chị giận lắm, vì nghi ngờ anh mua cho bồ nhí. Vừa lo lắng, lại vừa sợ “bứt dây động rừng”, chị đem câu chuyện hỏi mình.

Mình mới giải thích để chị hiểu, thông thường khi mua nhà, làm các thủ tục sang tên, bên mua không phải chứng minh tình trạng hôn nhân của mình (là độc thân hay đã có gia đình), và được quyền đứng tên một mình hoặc cả 2 vợ chồng.

Trong trường hợp đứng tên một mình, không nhất thiết phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (mình hay gọi là giấy xác nhận độc thân). Tuy nhiên, với trường hợp cả 2 vợ chồng cùng đứng tên, rất có thể phải yêu cầu có Giấy chứng nhận kết hôn để xác lập mối quan hệ hôn nhân.

Mặc dù sổ hồng đứng tên 1 người hoặc cả 2 vợ chồng thì căn nhà này vẫn thuộc quyền sở hữu chung của 2 vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đề cập nếu vợ hoặc chồng dùng tiền hoặc tài sản riêng của mình để mua nhà và đứng tên trên sổ hồng thì đó được gọi là tài sản riêng. Nhưng trên thực tế, để chứng minh nguồn tiền mua căn nhà là tài sản riêng không hề dễ dàng. Và nếu không thể chứng minh được, theo luật, đó là tài sản chung của vợ chồng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet. 

Trả lời đến đây, chị hỏi mình tiếp, vậy thì sổ hồng chỉ đứng tên chồng, cơ sở nào để biết đó là tài sản chung.

Đơn giản là đến lúc bán nhà, xác định căn nhà được mua trong thời kỳ hôn nhân, thì dù căn nhà đó được đứng tên một mình chồng, vẫn phải có sự đồng thuận của người vợ mới được phép bán căn nhà đó.

Ngược lại, việc bán nhà “thông qua cửa sau”, không có sự đồng ý của người vợ, giao dịch mua bán này sẽ bị coi là không hợp pháp và người gánh lấy rủi ro lớn nhất chính là người mua. Bởi khi biết ra sự thật, việc bán nhà nếu chồng không hỏi ý kiến vợ, thì vợ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Vậy nên khi đã hiểu luật, vợ đừng lo lắng thái quá. Trong trường hợp này, mình khuyên chị hãy về nói chuyện với chồng, để tránh có sự hiểu lầm. Để lâu ngày, hiểu lầm này dễ dẫn đến những tan vỡ không đáng có trong hôn nhân.

Người mua nhà cũng cần lưu ý hơn với những trường hợp này, cần phải tìm hiểu rõ thông tin nhân thân của chủ nhà để tránh những rắc rối, tranh chấp về sau.