Chung tên trong hộ khẩu là có quyền hành với căn nhà, nên nhiều người tách ra riêng coi như mình bị thiệt thòi.

Rất nhiều mẹ nghĩ như thế, thậm chí muốn cho con cháu nhập hộ khẩu để thuận tiện cho việc đi học, đi làm… thì nhiều người trong nhà ngăn cản sợ tranh chấp về sau.

Hôm nọ, có nhỏ em đồng nghiệp hớt hơ hớt hãi chạy đến hỏi mình. Số là nó có đứa cháu, sắp đến tuổi phải đến trường, ba mẹ của cháu ở quê, muốn cho con nhập hộ khẩu chung với nhà ngoại ở thành phố để thuận tiện sau này đi học.

Mẹ cũng biết rồi đó, so ở quê với thành phố, tất nhiên điều kiện giáo dục tốt hơn rồi. Nếu học trường công thì phải theo tuyến là theo nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú, để phân bổ cho đúng số lượng học sinh, chứ không nơi thiếu nơi thừa, rất khó quản lý.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Ai mà chẳng muốn tốt cho con mình chứ, nên cứ nhắm vào việc nhập hộ khẩu thành phố để con có được các phúc lợi về giáo dục, y tế tốt nhất.

Rồi lúc ba mẹ đứa bé này có ý định như thế thì bị mấy người dì, người cậu phía ngoại phản đối, không cho phép, vì sợ lỡ sau này tranh chấp tài sản thừa kế?!

Nhỏ em đồng nghiệp mình vừa thấy thương đứa cháu, cũng vừa sợ như mấy anh chị nói nên tức tốc hỏi mình để xem giải quyết như thế nào, có giúp được đứa cháu không?

Người lớn họ sợ cũng đúng thôi, vì trước đây, nhiều người vẫn cứ quan niệm hộ gia đình dựa theo hộ khẩu, xuất phát từ truyền thống làm nông, cùng gia đình làm và cùng hưởng thụ, cho nên họ cùng nhau tạo lập tài sản và rồi cùng nhau hưởng.

Tuy nhiên đó chỉ là cách hiểu đơn thuần, vì theo Luật cư trú, ngoài trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, cha mẹ về với con, con về với cha mẹ còn có trường hợp cháu về ở với ông bà,… và còn có trường hợp thuê, mượn, ở nhờ…

Và như vậy khi nhập hộ khẩu, cần xác định trường hợp và ghi mối quan hệ giữa chủ hộ với cá nhân đó.

Việc xác định thừa kế hoàn toàn không dựa vào Sổ hộ khẩu, mà dựa vào các thông tin chẳng hạn như Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Về nguyên tắc, pháp luật cho phép cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, có tài sản được quyền lập di chúc để lại thừa kế cho người thân còn sống. Mặc dù vậy, di chúc này phải hợp pháp cả về nội dung lẫn hình thức.

- Về nội dung không được trái với đạo đức xã hội và các nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự, và có những người được chia dù cho di chúc có để lại phần họ hay không đó là cha, mẹ, vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

- Về hình thức thì di chúc phải được lập trong điều kiện người đó còn minh mẫn, sáng suốt, việc lập này là tự nguyện, không bị ép buộc, đồng thời cần phải được công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý.

Trường hợp người đã mất không lập di chúc thì việc chia thừa kế thực hiện theo quy định của pháp luật. Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015, những người thuộc hàng thừa kế sẽ được nhận đầu tiên, bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ và con nuôi của người chết.

Để xác định mối quan hệ này, thì cần có các giấy tờ về Giấy khai sinh của người đã mất, Giấy khai sinh của con họ, Giấy chứng nhận kết hôn… khi thực hiện thủ tục kê khai di sản thừa kế. Trường hợp con của người để lại di sản chết trước thì cháu sẽ nhận được phần mà cha mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất, mới tính đến hàng thừa kế thứ hai, bao gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Tương tự, không còn ai ở hàng thừa kế thứ hai, mới tính tiếp đến hàng thừa kế thứ ba.

Mình vừa giải thích xong thì nhỏ em đồng nghiệp tỏ ra hiểu vấn đề, thế mà nào giờ cứ tưởng...

Vậy đấy, cho nên mẹ cần phải hiểu rõ bản chất của Sổ hộ khẩu và những người có tên trong cuốn Sổ này, để tránh nhùng nhằng khi thực hiện các thủ tục kê khai di sản thừa kế, hoặc giải quyết tranh chấp đất đai nhe.