Như mình đây lớn rồi tập động tác đó còn phải mệt chứ huống hồ gì một đứa nhỏ, bà cô này sao mà ác thế.

>>> Cô giáo dùng cồn dạy PCCC, 3 trẻ bị bỏng: Cách xử trí, sơ cứu khi bỏng nhiệt, bỏng điện, bỏng hóa chất

Chỉ vì đứa trẻ không nộp bài tập về nhà đúng hạn mà phạt tới nông nỗi này thì hành động này cần phải lên án.

Nguồn tin từ báo Người Lao Động cho hay, cậu bé học sinh 13 tuổi vì không nộp bài tập về nhà vào ngày 03/9/2020 nên đã bị cô giáo bắt ép thực hiện 100 lần động tác squat, đây là động tác giúp cơ thể tiêu thụ calo và hỗ trợ giảm cân.

hình ảnhẢnh chụp báo Người Lao Động. 

Trước đó, nghe nói cậu bé đã bị ốm. Đây là lần ốm đầu tiên trong đời cậu khiến cậu phải nhập viện, sau đó ổn rồi cậu mới trở lại trường học. Bất chấp vì lý do ốm, không nộp bài tập về nhà, cô giáo của cậu bé vẫn cứ nhất quyết phạt cậu bé bằng yêu cầu phải thực hiện động tác squat 100 lần.

Ngày hôm sau đó, 04/9/2020, cậu lại bị ốm và được cha mẹ đưa đi ngủ. Nhưng sau đó cậu đã không tỉnh dậy nữa. Hôm sau, ngày 05/9/2020, bố mẹ cậu gọi nhưng không thấy dậy mới hốt hoảng.

Các bác sĩ chẩn đoán cậu bé có thể đã chết trong giấc ngủ vào lúc 3 giờ sáng ngày 05/9/2020 do có vấn đề về tim.

Đến ngày 08/9/2020, trước áp lực từ dư luận, nhà trường cuối cùng đã liên lạc với gia đình để xin lỗi và nhận trách nhiệm về thảm kịch này. Gia đình cậu bé rất đau buồn nhưng họ muốn đây là bài học nhớ đời cho các giáo viên không suy nghĩ trước khi trừng phạt học sinh của mình.

hình ảnh


Ảnh: Thi thể cậu học sinh xấu số. Nguồn: The Nation Thailand. 

Vụ việc này không phải mới xảy ra, trước đây thi thoảng vẫn có những vụ việc tương tự, song có lẽ các bậc làm thầy, làm cô vẫn cứ chủ quan, nghĩ rằng có thể dùng các hình thức này như là cách để trừng phạt học sinh của mình.

Dẫu biết trong số những tên học trò không làm, nộp bài tập về nhà, có những trường hợp bản chất là lười biếng thật sự nên dùng cớ bị bệnh hay lý do khác để thoái thác, nhưng việc áp dụng biện pháp trừng phạt này e là hơi lố, để gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Ở Việt Nam, Luật giáo dục năm 2019 hiện đang được áp dụng cũng có quy định nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay xâm phạm thân thể của người học… Song còn phải tùy theo tính chất, mức độ của hành vi cụ thể và hậu quả có xảy ra để xem xét hình thức xử lý.

Như với trường hợp nêu trên, nếu có xảy ra ở mình, cô giáo chắc chắn phải chịu hình thức xử lý kỷ luật nhà trường và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại cho học sinh.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay và Unplash.

Do đây là vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, nên mức xử lý kỷ luật có thể là giáng chức, buộc thôi việc. Và trường hợp này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo Điều 129 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt có thể từ 01 năm đến 05 năm tù. Nếu hậu quả làm nhiều trẻ chết hơn thì sẽ tăng nặng khung hình phạt nêu trên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là điều không thể bỏ qua, dựa trên chi phí thực tế và hợp lý cho việc điều trị, mai táng để làm cơ sở quyết định.

Nhà trường trong vụ này cũng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường trong công tác quản lý học sinh và giáo viên.

Bởi vậy, mẹ cho con đi học, cần phải theo dõi sát tình hình sức khỏe lẫn bài vở của con cái. Nếu vì lý do bệnh tật, mẹ liên hệ với thầy cô đứng lớp để xin hẹn bù vào khi con mình đã khỏe thật sự. Nhắc cô giáo, thầy giáo đừng phạt trò quá tay để ân hận suốt đời, mất đi cả sự nghiệp.

Tổng hợp