Dù không ai mong muốn, nhưng phải thừa nhận rằng bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong cuộc sống thường ngày, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể bị bỏng. Tùy từng tác nhân gây ra bỏng như nhiệt, điện hay hóa chất mà có cách xử lý khác nhau để tránh các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nha các chị.



Minh chứng cho việc tai nạn bỏng thể xảy ra bất kỳ lúc nào chính là sự cố xảy ra khoảng 15h ngày 9/8, tại lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ (Hà Nam) khiến 3 trẻ bị bỏng do cồn phải nhập viện cấp cứu. Được biết, khi dạy trẻ kỹ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC), giáo viên của trường đã đổ cồn vào mâm rồi châm lửa đốt, không may, gió từ cửa sổ thổi vào đã tạt ngọn lửa đang cháy vào người các bé.



Hiện cả ba trẻ đều trong tình trạng nặng, tiên lượng khó khăn, đang được cấp cứu tại khoa Hồi sức cấp cứu - Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) đấy các chị ạ.



webtretho


Các bé đang được điều trị tại Viện bỏng Quốc gia (trái) (Ảnh: Internet)




Qua đây, thấy rằng, nguy cơ bị bỏng đang tồn tại khắp nơi xung quanh chúng ta, để bảo vệ bản thân cũng như các thành viên trong gia đình, chị em nên trang bị cho mình kỹ năng sơ cứu để phòng trường hợp không may có tai nạn xảy ra.



1/ Bỏng nhiệt



Bỏng do nhiệt ướt: Nước sôi, nước tắm, canh nóng, dầu ăn, mỡ nóng, cháo.


Xử trí và sơ cứu:


Chị em phải nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có nguồn nhiệt gây bỏng càng sớm càng tốt.



Cởi ngay quần áo nếu nó đang làm che vết bỏng.



Ngâm vết thương với nước lạnh nhiệt độ 10-25 độ C để hạ nhiệt vùng bị bỏng.



Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như vòng, nhẫn, giày, ủng. Dùng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch che phủ vùng bỏng. Đặt nạn nhân ở tư thế nằm và cho uống nước.



webtretho


(Ảnh minh họa)




Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, sau một thời gian chăm sóc tại nhà da vùng bỏng có thể tự liền lại, nhưng vết bỏng ở diện tích rộng, nặng hơn thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.



Bỏng do nhiệt khô: Lửa từ bếp lò, lửa đống than củi, bật lửa, lửa từ cồn. Ngoài ra, còn có thể bỏng do pô xe máy, bàn là hoặc chạm vào các vật dụng còn nóng gây bỏng như xoong nồi vừa đun nấu xong.


Xử trí và sơ cứu:



Dập nguồn lửa đang cháy bằng nước hoặc cát dập lửa, rồi lấy áo khoác, chǎn, vải dày bằng cotton khoác lên người nạn nhân để dập lửa, chị em không nên dùng vải nhựa, nylon để dập lửa nha.



Lăn nạn nhân trên sàn nhà hoặc nền phẳng để ngọn lửa tắt hẳn.



Hạ nhiệt vùng bị bỏng bằng cách ngâm vết thương với nước lạnh nhiệt độ 10-25 độ C. Các bước còn lại tương tự như sơ cứu bỏng nhiệt lửa, bao gồm:



Tháo vòng, nhẫn, giày, ủng ra rồi dùng gạc vô khuẩn che phủ vùng bỏng, đặt nạn nhân ở tư thế nằm và cho uống nước, chuyển nạn nhân đến trung tâm y tế để bác sĩ thăm khám, điều trị.



2/ Bỏng điện



Bỏng điện: Bỏng do dòng điện hạ thế (dưới 1.000 vol – bỏng điện dân dụng) và bỏng do dòng điện cao thế (trên 1.000 vol, tổn thương nặng nề toàn thân và tại chỗ trên đường đi của dòng điện).



Nếu có một dòng điện mạnh truyền qua cơ thể, những tổn thương bên trong như rối loạn nhịp tim hay ngừng tim có thể xảy ra, do đó cần phải nắm một số bước để xử trí cấp cứu ngay tại nơi xảy ra tai nạn.



Xử trí và sơ cứu:



Tìm và ngắt ngay nguồn điện, dùng một vật không dẫn điện được làm từ bìa các-tông, nhựa hay gỗ để cách ly nguồn điện ra xa người bị thương.



Kiểm tra xem nạn nhân có thể thở, ho hoặc cử động không. Nếu không, chị em phải thực hiện ngay các thao tác hồi sức tim phổi như hà hơi thổi ngạt miệng-miệng và bóp tim ngoài lồng ngực để giữ cho máu có oxy đến được não và các cơ quan trọng yếu khác cho đến khi việc điều trị chính quy hơn có thể phục hồi nhịp tim bình thường.



Để đề phòng sốc trong quá trình sơ cứu, nên đặt nạn nhân nằm xuống ở tư thế đầu hơi thấp hơn thân người và kê cao chân.



Dùng băng gạc vô trùng hoặc vải sạch che phủ vùng bị bỏng. Không sử dụng vải màn hay khăn mặt, vì các sợi vải có thể dính vào vết bỏng. Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế thăm khám và điều trị.



3/ Bỏng hóa chất



Bỏng hóa chất: có 2 loại hóa chất là axít và ba-zơ.



- Bỏng axít từ axít sunfuric (H2SO4), axít nitric (HNO3), axít clohydric (HCL).



- Bỏng bazơ từ NaOH, KOH, Ca(OH)2. Vôi đang tôi là một loại bỏng vừa do sức nhiệt, vừa do độ bazơ.



Xử trí và sơ cứu:



Đưa nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng càng nhanh càng tốt.



Cởi bỏ quần áo, ngâm vùng da bỏng dưới vòi nước lạnh đang chảy 15-20 phút, nếu bỏng da do các hóa chất dạng bột như vôi bột cần loại bỏ bột này trước khi rửa da dưới vòi nước.



webtretho


(Ảnh minh họa)




Để trung hòa axit, chị em có thể cho lên vùng bỏng bột phấn viết, bột hydroxyt magie, dung dịch natri bicacbonat 10-20%, nước xà phòng hoặc nước vôi nhì 5%.



Để trung hòa ba-zơ, dùng axit axetic 6%, dung dịch amoniclorua (NH4Cl) 5%, axit boric, giấm, nước chanh hoặc nước đường 20%.



Lấy băng gạc vô trùng hoặc vải sạch che phủ vùng bỏng.



Cho nạn nhân uống nước rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Khi đưa nạn nhân đi, chị em nên mang theo nhãn hoặc chai chứa hóa chất gây bỏng để bác sĩ có thể xác định là loại hóa chất gì để có hướng chữa trị cho phù hợp nha.