Học yêu đã khó, học “chia tay” còn khó hơn. Nếu vừa trấn tĩnh sau cuộc chia tay, ắt hẳn chị em không thể tránh khỏi vô số cảm xúc trong lòng. Giận dữ đến sầu muộn, trách móc giày vò bản thân, ghen tuông khi nghĩ đến người cũ đang hạnh phúc với bồ mới, hoặc tự kỷ thu mình lại, xa lánh người thân, bạn bè.



Phụ nữ thường sống theo cảm xúc, nên khi chia tay đau đớn hơn nam giới. Ai đã trải qua vài lần tan vỡ đều biết rằng, dù muốn hay không, bạn vẫn phải đối mặt với nó. Sẽ bớt đau buồn hơn nếu chị em xem cuộc tình vắt ngang qua đời ấy như một bài học về sự trưởng thành hơn trong thế giới tình yêu.



Giống như đi học, dù không thích môn “chia tay” nhưng bạn phải cố gắng vượt qua nó để “xét tốt nghiệp” trước khi bước sang cuộc tình mới.



Buông bỏ tính xét nét.


Sự xét nét không bao giờ mang lại hạnh phúc cho quan hệ đôi lứa các chị ạ. Khi xưa, mình cứ hay nhìn ngó anh ấy, rồi hay chỉ trích phê bình. Mình cứ muốn anh ấy làm theo ý mình. Trong khi mình chẳng bao giờ cởi mở, biết nghĩa cho anh ấy. Đi chơi 1 tuần 4 ngày mà đôi bên tranh cãi 3 ngày, thì còn gì gọi là “hẹn hò”.



Trải qua nhiều lần “chia tay”, mình mới nhận ra đây là quá trình để mỗi người được “thực tập” với cảm xúc. Môn học nào cũng vậy, đều phải thực tập cả.



Nhiều người có tâm lý chê bai người yêu muộn, chia tay nhiều, hay thất bại trong hôn nhân. Nhưng nghĩ thoáng ra, đấy chỉ là thời gian “thực tập” để chị em có thể thích nghi với tình cảm mới. Tất nhiên, có người sẽ đi đến đích và có người dừng lại. Nhưng chắc chắn chị em không có gì phải xấu hổ cả. Cứ nghĩ, thưc tập nhiều kinh nghiệm nhiều thôi.



Còn nếu buồn thì sao?



Vậy chị em phải lên lịch “xóa buồn” đi chứ! Cũng giống như việc “soạn đề cương” trước thi cử. Buồn? Đau khổ? Chán đời? Chị em có thể nghe nhạc để vơi đi sầu muộn, có thể gặp ai đó để tâm sự cafe, cũng có thể viết “điếu văn” cho mình trên facebook, hay chọn cách du lịch cho khuây khỏa,... Cứ thỏa sức “bung lụa”.



Khi nào thấy tinh thần ổn định, chị em mới ngồi lại tự vấn lòng mình. Duyên trời định, nhưng chọn người yêu là do chị em. Thời trẻ, chị em hay “ảo tưởng” rằng người ấy là hợp với mình nhưng thực tế thì không. Chị em chọn yêu người đàn ông nghiêm khắc, thành đạt, có óc hài hước,... dù biết rằng anh ta sẽ bận rộn, sẽ ít cùng chị em về thăm nhà, không “chiều” vợ cho lắm. Để rồi, khi hôn nhân tan tành… thì chị em mới thức tỉnh.



Hãy nghĩ, chia tay là chị em đang bước ra khỏi “ảo mộng” để trở về “thực tại”.



Thực tại trở lại rành rành. Đời này vô thường lắm, nếu 10 năm sau chị em gặp lại người yêu cũ, liệu chị em có còn say mê người ấy không? Câu trả lời chắc chắn phải là “không”. Vì chị em không thể cứ sống vì quá khứ, cứ sống vì cái “bóng”. Lúc này đây, chị em chợt nhận ra rằng, người bên cạnh mình ở hiện tại là đáng trân quý nhất.


Khi yêu nhau, trai gái hay thề non hẹn biển bên nhau “mãi mãi”. Nhưng “mãi mãi” là bao lâu khi mà ai cũng phải chết. Bài học sau khi “chia tay” là chỉ nên yêu chứ đừng hẹn ước quá nhiều. Vì lỡ hẹn mà chẳng may “bể hẹn” lại thêm đau.



Chia tay có lẽ là môn học không bao giờ cạn. Học càng sâu yêu càng giỏi, để sau khi đứng dậy, chị em sẽ chọn yêu một cách tỉnh táo.



Chia tay là mất mát, là để lại những khoảng trống, nhưng nếu so sánh nỗi đau đó với tất cả những gì bạn nhận được từ nó, bạn được nhiều hơn.



webtretho



Ảnh minh họa.