Đừng trách vợ anh bán kẹo kéo nuôi 2 con bị teo não bỏ chồng con, bởi lẽ phụ nữ nào cũng cần điều này
Mấy nay dư luận đang xôn xao chuyện “người cha bị vợ bỏ, chở con trong lồng sắt mưu sinh khắp phố”, đa số cư dân mạng đều oán trách người vợ, xót xa và ngợi khen người chồng. Em không khen chê ai hết trong chuyện này - vì mình là người ngoài cuộc. Em lắng nghe nhiều hơn là “phán xét”.
Chính vì vậy mà em lại thấy một điều, lời miệt thị của nhiều người dành cho người vợ ấy quá tàn nhẫn. Đôi khi chúng ta chỉ bình luận bằng lời “trót lưỡi đầu môi” mà không hề đặt mình vào vị trí của chị ấy với 1 câu hỏi, là phụ nữ, nếu gặp phải người chồng quá nghèo khó, với 2 con trai bị teo não, dằn vặt ngày đêm với sự không hài lòng,... thì bản thân chúng ta sẽ làm gì? Cuộc đời của chúng ta sẽ ra sao nếu cứ như thế?
Thế nên, em xin kể lại câu chuyện này với các chị. Cách đây vài năm, khi em còn ở khu nhà cũ, em biết đến một gia đình, hai vợ chồng và 1 đứa con trai. Căn nhà đó vẻ ngoài khang trang nhưng bên trong lại chứa đựng nhiều điều “khó nói”. Em biết được chuyện này là vì mẹ em là bạn thân của người vợ. Và người vợ ấy khá giống với vợ anh Hữu Nghị, đã chọn cách bỏ chồng bỏ con, để thay đổi cuộc đời bằng lý do này.
Thời son sắc, chị Oanh gạt đi 3-4 mối tình với đám đàn ông giàu sang để chấp nhận cưới anh Vinh, dù biết rằng anh Vinh không nghề không nghiệp, chỉ hứa sẽ phấn đấu làm ăn. Ai ngờ, anh chẳng làm được gì, hàng tháng sống nhờ tiền trợ cấp của mẹ ruột bên Mỹ gửi về. Cay đắng hơn, bà mẹ ấy không “ưa” con dâu phấn son, nên chỉ gửi về cho họ 1 tháng 3 triệu đồng. Con số này không hề thay đổi cho đến khi con trai chị Oanh lên đến 13 tuổi. Còn anh Vinh quá nhu nhược, không có tiếng nói với các anh em trong gia đình, nên chỉ biết im lặng.
Thế là ở độ tuổi 33, chị Oanh “hoa khôi làng” phải bươn chải làm đủ mọi nghề, không có bằng cấp nên chị phải lò mò các công việc vất vả cùng việc nhà, lo cho chồng, con cái. Thế nên, khi con chị đến 15 tuổi, quá kiệt sức nên chị quyết định “cặp kè” với một người đàn ông trung niên khác. Chồng bị biết chuyện nhưng im lặng, vì anh ấy bất lực. Xóm làng chửi rủa chị nào là “gái bao”, "vợ hư mất nết",... dù họ chẳng hề biết sự việc bên trong ấy thế nào. Chị Oanh cứ mặc kệ, miễn sao chị thấy thoải mái, và có tiền lo cho con trai ăn học.
Em kể lại câu chuyện này là vì, không phải chị Oanh không yêu chồng. Nhưng cuộc sống đầy khó nhọc ngoài kia có thể khiến xui 1 người phải tìm kiếm lối đi khác. Hôn nhân không thể duy trì chỉ bằng tình yêu, mà còn phải bằng điều kiện. Nhất là đối với phụ nữ, kết hôn để được chở che chứ không phải để kham khổ, gánh vác luôn cả phần của chồng.
Phụ nữ được gọi là “phái yếu” vì không phải cái gì họ cũng có thể vượt qua được như đàn ông! Ngay cả sự cám dỗ trong chính bản thân họ. Phái đẹp luôn khao khát được hạnh phúc, được xinh tươi, được sống ổn yên,... chứ khó chiu nổi cảnh tượng ngày ngày khốn đốn, đau xót nhìn vào thực tế đầy nghiệt ngã. Thế nên, có người vượt qua được khó khăn cám dỗ trong lòng, có người lại không thể.
Thế nên, người vợ bỏ đi để lại 2 con bệnh tật cho người chồng chăm sóc không phải chuyện đáng lên án, chỉ trích nặng nề. Càng không nên tôn sùng người đàn ông để hạ thấp người phụ nữ. Chúng ta có thể cảm thông, động viện, hỗ trợ cho hoàn cảnh của người chồng này. Nhưng không thể xem đó là “hình mẫu” để các nàng noi theo!
Chỉ khi nào chúng ta đối mặt với cuộc sống như thế, chúng ta mới thấu hiểu được nỗi đau phải lựa chọn ra đi hay ở lại. Nếu cuộc sống ấy tốt đẹp hơn, có lẽ, chẳng ai muốn rời bỏ. Hôn nhân là thử thách cho cả hai, sẽ có cặp đôi vượt qua được, có cặp không. Nhân duyên đến rồi đi, tan thương là chuyện thường.
Khi được hỏi, vợ cũ có liên lạc với bố con không, anh Hữu Nghị có nói: “Cũng có. Lâu lâu vợ có gọi điện hỏi thăm con. Cuộc sống nếu còn duyên còn nợ thì con cái vẫn còn cha, còn mẹ còn nếu duyên không còn chuyện đường ai nấy đi cũng dễ hiểu.” Có lẽ, người vợ cũ vẫn còn xót xa cho con cái, cho người chồng lam lũ. Nhưng điều đó không đủ để chị ấy tự tin đi tiếp hành trình hôn nhân cùng anh.
Qua sự việc này em nhận ra một điều, sự khắc nghiệt của cuộc đời chính là thử thách hôn nhân kịch liệt nhất. Khi một trong hai không thể trụ vững được giữa muôn trùng thử thách ấy, thì chuyện buông bỏ tất yếu xảy ra. Duyên phận không có đúng sai, chỉ có là nên hay không nên, và đó hoàn toàn là lựa chọn của mỗi người. Chọn sai thì bản thân phải chịu nhận hậu quả về sau.
Vợ anh Hữu Nghị đã không hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ, không đồng hành cùng chồng đến cuối cùng. Nhưng chị không phải là người đàn bà để chúng ta miệt thị, chửi rủa, lên án. Bởi vì ngoài kia, có rất nhiều phụ nữ cũng không thể trụ nổi giữa ngổn ngang cuộc đời.
So với việc sống không bằng lòng rồi “tra tấn” chồng con, so với việc ngoại tình sau lưng chồng, so với việc tự kết liễu đời mình để giải thoát,... có lẽ đây là lựa chọn “yên ổn” nhất của chị. Thay gì miệt thị chị ấy, chúng ta hãy rút kinh nghiệm cho mình, nỗ lực vượt qua mọi cám dỗ trong chính bản thân.