Hai năm qua, người hâm mộ vẫn còn xót xa trước sự ra đi đột ngột của chàng diễn viên hiền hậu Duy Nhân vì căn bệnh ung thư vòm họng. Nhưng người ta còn tiếc nuối hơn cho Kiều Oanh - cô vợ trẻ đẹp phải làm quả phụ.



Thời điểm Duy Nhân bệnh nặng và qua đời, Kiều Oanh đã phải chống chọi với nỗi đau thương và mất mát quá lớn. Hình ảnh Kiều Oanh canh cánh bên chồng, chăm lo túc trực, nắm tay chồng cho đến phút cuối cùng,... khiến ai xem qua cũng phải xót thương, và trầm trồ ngưỡng mộ.



Kiều Oanh lúc ấy chỉ vừa 24 tuổi. Ở cái tuổi đẹp nhất, rạng rỡ nhất của người phụ nữ, khi vừa chạm tay vào được hạnh phúc thì cô ấy đã phải đối mặt với một cú sốc tinh thần rất lớn. Sau khi chồng mất, Kiều Oanh vẫn chấp nhận “lẻ bóng” sống lặng thầm, chăm sóc cho 2 bên gia đình.



Dù không rơi vào hoàn cảnh kém may mắn như Kiều Oanh nhưng tôi có thể phần nào thấu hiểu cảm giác và khó khăn mà cô ấy phải đối mặt trong thời gian qua. Chồng mất, đơn thân, trách nhiệm ân tình, sự nghiệp bị ngăn trở bởi “vết thương lòng” mà chỉ có đợi chờ ngày tháng ấy xóa đi.



Chính vì vậy mà vô tình Kiều Oanh trở thành “quả phụ điển hình” trong mắt nhiều người. Thậm chí có lần tôi đọc đâu đó một tin tức, người ta gọi Kiều Oanh là “người vợ vĩ đại”. Khi ấy tôi bất chợt giật mình, lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho cô gái này chuyển sang chút lo lắng và trăn trở. Không biết người viết có nghĩ đến cảm xúc của Kiều Oanh hay không? Tại sao một người phụ nữ bình thường như cô phải đối mặt với cái “vĩ đại”?



Điều đó khiến tôi nhớ lại mấy tấm bảng “Tiết hạnh khả phong” thời xưa, được Vua ban chiếu chỉ phong tặng cho những quả phụ có “tiếng thơm” đúng quy chuẩn: sống một mình cả đời, tảo tần nuôi con cái, hiếu thảo với cha mẹ chồng. Thành ra ở thời Quân chủ, quả phụ đôi khi phải tự kìm lòng để gánh vác trách nhiệm, hy sinh cả tuổi thanh xuân, gạt bỏ hạnh phúc lần nữa để chấp nhận “chuẩn mực” ấy.



Ngày nay, không còn tấm bảng “Tiết hạnh khả phong” như thời xưa. Nhưng cách dư luận cứ đuổi theo Kiều Oanh, hay nghi ngờ, hay dò hỏi, hay tán dương, thậm chí có phần quá lời,... khiến tôi cảm giác cô ấy phải đối mặt với một tấm bảng "Tiết hạnh khả phong vô hình”. Người ta tự phong cho cô là “người vợ vĩ đại” và rồi cô ấy không thể nào từ chối, chỉ có thể lặng lẽ cất nó đi, xem như một phần của số mệnh.



Đối với tôi, Kiều Oanh chỉ là một cô vợ bình thường thôi. Người ta không thể chỉ có “vài ba phút” vợ bên cạnh chồng ở giường bệnh là ca ngợi cô ấy đến tận mây xanh. Tôi tin, bất kỳ ai gặp phải cảnh chồng lâm nguy đều sẽ phản ứng như thế thôi. Ai mà không xót khi nghe tin chồng sắp mất, vợ sắp qua đời? Ai mà không dành hết thời gian ngắn ngủi còn lại để yêu đối phương?



Dạo đó, tôi thấy dư luận đoán mò Kiều Oanh sắp lấy chồng lần 2, sắp thi hoa hậu, còn lần này, Kiều Oanh lại công khai “mối tình thứ 2” là 1 cô bạn thân. Dư luận bám riết cô và tất nhiên, có kẻ khen người chê. Nhưng tôi chỉ chờ mong một điều ở chính Kiều Oanh, đó là cô ấy sẽ sớm tự tin tái hôn. Tại sao ư?



Không phải vì tôi là kiểu người phụ bạc, chỉ vì tôi thấy tiếc cho tuổi thanh xuân của Oanh, trẻ đẹp và tương lai phơi phới. Hơn 2 năm qua là thời khắc cô trả nợ ân tình, hoàn thành trách nhiệm với gia đình chồng và đến lúc phải bước đi tiếp. Kiều Oanh còn cả sự nghiệp phía trước, còn một tương lai đáng mong đợi. Cô được phép hẹn hò, được thi bất kỳ cuộc thi hoa hậu nào mà cô muốn. Cô được phép “nhớ” quá khứ nhưng phải “yêu” hiện tại.



Trong một lần Kiều Oanh đáp trả nghi ngờ của bạn bè trên facebook, cô bảo với họ đừng nói tầm bậy sẽ khiến cô bị mang tiếng nếu mọi người không hiểu chuyện. Rõ ràng Kiều Oanh còn “sợ” lắm, nhưng nếu cô ấy là một bà vợ “không tiếng tăm” thì có lẽ cô sẽ sẽ thấy thoải mái hơn.



Trong sâu thẳm tâm hồn phụ nữ, trong nỗi trống trải mà Kiều Oanh phải trải qua, với vẻ đẹp ngời sáng và nét mặt thông minh hiền lành, tôi tin rằng có lúc Kiều Oanh đã phải “thèm” được yêu, được có con, được sống lại thời khắc của thanh xuân đầy mơ mộng. Nhưng điều gì còn ngăn trở cô ấy? Có phải là tấm bảng “Tiết hạnh khả phong” mà dư luận đã đặt cho cô?



Kiều Oanh cũng như bao cô gái bất hạnh khác, chồng ra đi phải ở một mình. Kiều Oanh có phải trường hợp tệ nhất trong số đó không? Không, tôi chắc chắn, có cặp yêu nhau 10 năm nhưng lại bị tai nạn qua đời cùng lúc vào ngày cưới! Vậy tại sao chúng ta phải đặt sứ mệnh “vĩ đại” lên Kiều Oanh khi mà ai rồi cũng có 1 cuộc đời để sống?



Có thể vì Kiều Oanh chưa dứt được bóng người chồng, có thể cô nguyện sống tiết hạnh công dung. Nhưng quá khứ là quá khứ. Rồi đây tuổi thanh xuân sẽ qua, cô sẽ phải suy nghĩ… về con đường phía trước.



Cuối cùng, tôi nhớ đến mấy dòng tâm đắc trong 1 truyện ngắn của Hồ Sỹ Hậu, kể về Thảo, người con gái sống trọn đạo hiếu với mẹ chồng, danh thơm “Tiết hạnh khả phong” nhưng rồi cô đã chọn cách đứng dậy vì hạnh phúc. Vào phút cuối của đời mình, Thảo nói lại với con gái - đứa con với chồng sau, “Con gái ạ! Là phận gái phải luôn giữ gìn đức hạnh. Nhưng khi đã yêu thì phải dám vượt qua tất cả để sống với khát vọng hạnh phúc của chính mình”.


webtretho


Ảnh: Duy Nhân và Kiều Oanh hồi còn mặn nồng.


Màn cầu hôn cực ấn tượng của cặp đôi "Trai tài gái sắc"


O5IXbxzPcF