Dù người đồng tính đang được thừa nhận. Hôn nhân đồng tính đã được hợp pháp hóa tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng mới đây, tác giả-bút danh Vy An đã có 1 bài viết trên VTC "cố ý" gây hiểu nhầm hoặc do cô ấy chưa "đủ" hiểu về người đồng tính, dẫn đến nhiều nhận định lệch lạc, gây phản cảm.



Sau khi bị cư dân mạng “ném đá” dữ dội, tác giả Vy An đã “nhanh tay” đổi lại tiêu đề và chỉnh sửa nhiều ý trong bài gốc. Tuy nhiên, ấn tượng để lại cho người đọc chỉ là sự sốc nổi, câu like, thiển cận. Bài viết đặt ra vấn đề nhiều sản phẩm nghệ thuật cố ý lạm dụng đề tài đồng tính nhằm câu khách, nhưng cách dùng từ, giọng điệu lại tỏ ra “kỳ thị”, góc nhìn tiêu cực đến phê phán, các khái niệm về người đồng tính đều bị hiểu sai.



Thậm chí ngay tiêu đề bài viết, Vy An đã thẳng thừng gọi tình yêu đồng tính là "sống khác người".



Đọc bài viết của Vy An chợt xót xa muốn kể lại câu chuyện này. Cũng vì miệng lưỡi người đời, vì sự mạt sát bất kể lý do, vì cứ phán xét nóng vội,... và nhất là yêu thương chưa đủ cảm thông, đã gây ra nhiều bi kịch.



Tôi quen cô bé ấy vì học chung trường đại học, tôi năm 2 còn em ấy năm nhất, cùng khoa, chung buổi học và cùng ủng hộ LGBT (tôi là gay, còn em chỉ là hủ) nên chúng tôi thường hay đi chơi với nhau, bàn nhiều chuyện trên trời dưới đất. Đối với tôi, em rất dịu dàng, dễ mến và rất tâm lí. Hôm ấy, trong lòng chả hiểu có chuyện gì mà thấy có gì đó man mác buồn bèn nhắn em ấy ra công viên nói chuyện. Cả 2 nói rất nhiều, rất nhiều, từ những việc trong lớp học cho đến những anh trai tráng body 6 múi lực lưỡng đang tập thể dục trong công viên. Rồi cả 2 ngồi xuống ghế đặt cạnh gốc cây cổ thụ, tôi nhìn em cười và xoa đầu cô em gái này, chợt em quay qua tôi nở 1 nụ cười ấm áp:



- Anh giống anh ba của em lắm! Em có bà chị hai, anh ba và em là đứa út, hihi. Anh ba em hay xoa đầu em vậy lắm, mà anh ba của em cũng là gay luôn!



Tôi có chút ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe em kể về gia đình cả, em quay mặt chỗ khác, mắt nhìn vô hồn vào gốc cây và bắt đầu kể với tôi:



- Anh ba em dễ thương lắm, ảnh hay mua bánh và hái xoài cho em ăn, bài tập toàn là anh ba chỉ em không à. À mà anh ba em cũng có người yêu đó, anh đó là anh Tuấn, bạn thân của anh ba em, hai người yêu nhau lắm. Anh Tuấn hay dẫn anh ba em đi ăn kem, chở anh ba đi dạo mát, hóng gió đủ thứ. Mà chắc anh ngạc nhiên lắm vì sao em biết được đúng không, hihi. Tại mỗi lần anh ba muốn đi chơi với anh Tuấn là phải có em đi theo để lấy cớ dẫn em đi ăn kem ba mẹ mới cho đi. Dưới quê em người ta còn kì thị lắm, chuyện 2 đứa con trai yêu nhau là điều cấm kị, bởi thế nên anh ba và anh Tuấn mới chỉ dám lén lút đi chơi với nhau thôi.



Tôi nghe em chia sẻ, tuy có nhiều khó khăn cho cặp đôi này thật nhưng vẫn thấy họ dễ thương và đáng yêu, vui vẻ hỏi em:



- Rồi bây giờ anh ba em ở đâu? Học trường nào hay đi làm rồi? Hai người còn quen nhau chứ?



- Dạ, anh ba em mất rồi…



Thật sự khi nghe câu nói đó, tôi thấy có gì đó nghẹn ở cổ họng, không nói được lời nào cũng không biết chia sẻ với em ra sao. Cô bé nhí nhảnh ngày nào của tôi giờ bỗng trầm mặt, cười gượng và không dám nhìn thẳng vào mặt tôi mà nói tiếp.



- Hồi đó anh ba quen với anh Tuấn bị ba em phát hiện. Tại tụi Cu Đen đầu xóm, tụi nó đi câu cá thấy anh ba với anh Tuấn nắm tay còn ôm nhau nên tụi nó về nó báo ba em, ba em đánh anh em gần chết. Mẹ thì chỉ biết ngồi khóc, em chạy vô can ba thì chị hai kéo lại mắng “mày vô đó ba đánh luôn cả mày”. Rồi ba đuổi anh ba em đi khỏi nhà, khuya đó mẹ với em lén mở cửa cho anh ba vào, mẹ vừa xức thuốc cho anh ba vừa khóc. Em cũng khóc theo quá trời luôn, lúc đó em cũng lớp 10 rồi mà khóc cứ như con nít ấy. Mấy ngày sau chuyện anh ba em là gay bị họ hàng biết, họ tới mắng nhiếc anh ba nhiều lắm, nào là “đồ thứ quái thai, đồ bê đê, mày mang nhục cho dòng họ”… Mỗi lần thế là ba lại lôi anh ba ra đánh, ba đánh nhiều lắm. Rồi ngày kia em đi học về, con Xíu gần nhà khóc bù lu bù loa chạy ra chặn đầu xe em nói “anh mày nhảy cầu tự tử”. Lúc đó em khóc nhiều lắm, em chạy tới đầu cầu chỉ bám nổi thành cầu thôi. Tới tối người ta vớt được xác anh ba lên, người anh ba lạnh lắm, người toàn vết bầm mà ba đánh…



Con bé nó thở dài, tôi thấy em rưng rưng nước mắt, không hoạt bát nữa, chỉ im lặng. Lúc đó tôi vừa bực vừa thương, thương cho anh ba cô bé mà bực lúc anh ba cô bé suy sụp thế thì tên kia đang ở đâu, làm gì mà không ở cạnh anh ba nó lúc đấy. Mọi thứ im lặng 1 hồi lâu tôi mới dám hỏi em:



- Còn người yêu của anh ba em đâu? Sao nó không có mặt lúc ấy để bảo vệ anh ba em? Chắc nó sợ rồi trốn chứ gì, sao không nghe em nhắc đến?



- Dạ, anh Tuấn cũng mất rồi… (cô bé im lặng rất lâu). Anh đừng nghĩ xấu cho anh Tuấn, anh Tuấn cũng bị đánh rồi nhốt trong phòng. Lúc nghe tin anh ba em mất, anh Tuấn cũng tự tử rồi theo anh ba em luôn. Cả 2 người, đi như thế hả anh, họ không nghĩ em sẽ thế nào khi ở lại hết à?



Rồi con bé bắt đầu khóc, tôi quen biết và chơi thân với em khá lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy em buồn và khóc nhiều đến thế. Ngồi đấy nghe em ấy chia sẻ sao mà cay quá, sao ông trời lại bất công quá, họ yêu nhau có gì sai, có lỗi gì mà đối xử với họ đến thế. Thôi thì 2 em ấy qua đấy sẽ được bên nhau, hạnh phúc và không đau khổ như khi ở lại xã hội này. Tôi ôm cô bé vào lòng, tôi khóc và em ấy cũng khóc, khóc rất nhiều.



Các mẹ có con là người đồng tính sẽ vô cùng đau xót khi đọc trúng những lời gièm pha về con mình. Dù xã hội hiện nay đã cởi mở nhất định, nhưng nhiều người vẫn xem đồng tính là một “căn bệnh”. Đây là cách hiểu sai lầm khiến nhiều người đồng tính phải sống cuộc đời đầy lo sợ, hoảng loạn.



Người hiểu chuyện ắt sẽ biết, đồng tính chỉ là một xu hướng tính dục, hoàn toàn không phải căn bệnh. Họ cũng được "quyền" như bao người, sống thật với chính mình, yêu thương và hạnh phúc.



Thời đại này, đại bộ phận người đồng tính đã cho thấy vai trò của họ đối với xã hội, cống hiến trên mọi lĩnh vực. Nhiều nghệ sĩ, bác sĩ, chính trị gia, doanh nhân, giáo viên, nhà báo, nhà thiết kế,... đang ngày ngày đóng góp sức lực của họ cho đời sống chung. Đừng nhẫn tâm xem tình yêu đồng tính là một trào lưu “sang chảnh”, gây nên mối hiểm họa cho xã hội. Nghe được vậy, bà mẹ nào chịu cho nổi?



Các mẹ có con là người đồng tính sẽ rất đau lòng, vì con của họ vẫn đang sống rất trách nhiệm, hiếu thảo. Họ cũng có người yêu tử tế, có công ăn việc làm ổn định. Nếu bảo rằng, tình yêu đồng tính không có kết quả tốt đẹp, người đồng tính quái dị, xấu xa,... thì xin thưa, còn rất nhiều kẻ ác, tệ hại hơn cả họ.



Đừng dùng giới tính để phán xét phẩm chất con người. Người đồng tính cũng là “con người”. Họ cũng biết yêu với đa dạng cảm xúc: tương tư, đau khổ, hờn giận, say mê,... chứ không phải yêu một cách “điên loạn”.



Nếu họ không chê bai thế giới khác biệt của mọi người, thì mọi người có quyền gì kỳ thị thế giới của họ. Mong các mẹ sẽ hiểu con mình và nếu có thể, hãy cho phép họ được yêu thương, bất kể giới tính là gì.



Thiện ác nằm ở tính người chứ không phải giới tính. Nhiều mối tình dị tính vẫn tan vỡ. Nhiều người dị tính vẫn sa dọa vào tội lỗi. Nhiều kẻ vẫn thờ ơ trước vợ và con cái. Nhiều kẻ vô ơn chẳng coi cha mẹ ra gì. Đừng bắt người đồng tính phải nhận lấy “bản án” này. Đây là bản án về tính người chứ không phải giới tính.



Nhiều người đồng tính hiện giờ chưa dám sống thật với chính mình. Nhiều bà mẹ vẫn chưa dám chấp nhận con mình là người đồng tính. Không phải họ muốn né tránh. Không phải họ sợ khác biệt. Không phải các mẹ không yêu con mình. Mà do các bức tường “vô hình” vẫn còn dày đặc. Nếu không phá bỏ được, sẽ khiến nhiều người phải sợ hãi, thay gì họ có thể tự hào đi giữa đám đông, sống một cuộc đời hạnh phúc.



Để phá bỏ bức tường vô hình này, cần lắm sự thấu hiểu của cộng đồng, xã hội. Người đặt bút viết về người đồng tính phải có tâm cởi mở, hiểu chuyện, tránh gây thêm “sóng gió” cho những phận đời cần bình yên. Bởi vì, hơn ai hết, họ chỉ cần có vậy.



webtretho


Ảnh chỉ có tính chất minh họa.