Người cầu toàn
là người luôn chọn lựa cái tối ưu số 1. Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, những người biết chấp nhận, hài lòng với các lựa chọn tương đối được định nghĩa là
người hiểu biết
. Hai loại người này đều tồn tại ở nhiều lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực được xem là kỳ bí của con người, đó là
tình yêu
. Chúng ta thử quan sát kỹ những bạn bè, người thân quanh ta. Những người hay than thở thiếu hạnh phúc trong tình yêu, trong cuộc sống gia đình thì thường có điểm chung là họ luôn cho rằng: mình rất nỗ lực cho gia đình nhưng đã xui vì “chọn nhầm đối tác”. Nếu nhìn vào trước đó thì những người này trước khi quyết định lập gia đình luôn có sự chọn lựa kỹ càng, thậm chí phải mất nhiều thời gian mới quyết định “yêu” hoặc “làm đám cưới”, nhưng sau đó là một chuỗi những ngày than thở, thậm chí chia tay.



Thực tế là nỗi thất vọng của những người này trong tình yêu nhiều khi còn ít hơn người hiểu biết. Người hiểu biết thì vẫn có lúc vui, có lúc buồn, nhưng vẫn vui vẻ sống chung với “lũ”; còn họ thì không! Trong phim
The Sound of Music
(Giai điệu hạnh phúc), một kiệt tác vĩ đại đã đoạt 6 giải Oscar, Baroness - một cô gái đẹp và giàu có được xem là vị hôn thê hoàn hảo của Đại Úy Von Trapp, nhưng Von Trapp lại chọn kết hôn cùng cô gia sư Maria nhà nghèo thua kém nhiều mặt. Baroness lại càng không hiểu khi người em họ của Von Trapp đã nói: “cô không thể có tình yêu với Von Trapp vì cô quá hoàn hảo để không có chỗ cho tình yêu len vào”. Trong Tác phẩm
“Hiệp Khách Hành”
của Kim Dung cũng có đoạn mô tả rất hay về sự chọn lựa. Khi Đinh Nữ gặp lại người năm xưa Thạch Thanh và chất vấn tại sao không chọn cô mà lại chọn Mẫn Nhu, trong khi so sánh mọi thứ từ sắc đẹp, ca hát, võ thuật thì Thạch Thanh đều công nhận cô trội hơn vợ mình. Thạch Thanh chỉ có thể nói một câu sau cuối với Đinh Nữ: “Ta lấy Mẫn Nhu bởi vì nàng quá giỏi, ta không xứng với Nàng”. Von Trapp và Thạch Thanh đều là những mẫu người “hiểu biết”, hài lòng với sự chọn lựa của mình chứ không so sánh theo dạng cầu toàn như Baroness và Đinh Nữ hình dung.



Hãy dẹp bớt sự cầu toàn của mình để vui vẻ với tình yêu và cuộc sống! Nếu đang có một người yêu phù hợp với tiêu chuẩn tương đối, bạn hãy biết vui vẻ hài lòng, thay vì cứ mãi nhìn sang một "ngọn núi" khác cao, đẹp, giàu có hơn nhưng chưa chắc phù hợp với mình. Thật ra trong cuộc sống không ai là người hoàn toàn thuộc nhóm cầu toàn hay hiểu biết. Thuộc nhóm nào đôi khi là quá trình phát triển của một con người từ nhỏ đến lớn mà mình không có dịp tự nhận ra, tự đánh giá. Một người muốn có cuộc sống hạnh phúc thì nên tự điều chỉnh để xa dần nhóm cầu toàn và trở thành người hiểu biết.



Cuối cùng, để nhận ra mình cầu toàn tới mức nào thì bạn có thể sử dụng bảng câu hỏi dưới đây của nhà nghiên cứu nổi tiếng Barry Schwartz trong tác phẩm
The Paradox of Choice
. Nếu bạn đồng ý hầu hết các câu hỏi trong đây thì bạn đang là người “cầu toàn nặng” và bạn dứt khoát phải “bớt khó” đi để gia tăng vui vẻ, hạnh phúc cho mình.



BẢNG PHÂN ĐỘ CẦU TOÀN



Hãy viết một con số từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 7 (hoàn toàn đồng ý) bên cạnh mỗi câu hỏi rồi cộng 13 con số đó lại. Chúng ta có 2 mức thấp nhất là 13 và cao nhất là 91. Nếu số điểm của bạn từ 65 trở lên thì rõ ràng bạn được xếp vào nhóm cầu toàn, còn nếu thấp hơn hoặc bằng 40 thì bạn sẽ thuộc nhóm hiểu biết. Khảo sát nhiều người bên Mỹ cho thấy số điểm cao nhất là 75, thấp nhất 25, và điểm trung bình là 50. Một điều đáng ngạc nhiên là không hề có sự khác biệt về câu trả lời giữa nam và nữ.



Bây giờ hay hãy lướt qua bảng câu hỏi nhé và hãy tưởng tượng một người cầu toàn sẽ nói gì với bản thân khi trả lời:



1. Mỗi khi đối mặt với 1 lựa chọn, tôi luôn cố gắng tưởng tượng tất cả các khả năng khác ngay cả những khả năng không hiện diện lúc đó.



2. Dù tôi có hài lòng với công việc hiện tại như thế nào thì tôi vẫn có quyền tìm kiếm những cơ hội tốt hơn.



3. Khi tôi đang ngồi trong xe và nghe đài, tôi thường chỉnh những kênh khác để xem có gì hay hơn không, ngay cả khi khi tương đối vừa lòng với những gì đang nghe.



4. Khi xem TV tôi chuyển kênh liên tục dù đang thật sự theo dõi một chương trình nào đó.



5. Với tôi các mối quan hệ cũng như trang phục vậy: tôi muốn thử càng nhiều càng tốt trước khi tìm được cái tốt nhất.



6. Tôi thường gặp khó khăn khi đi mua quà tặng.



7. Tôi thường gặp khó khăn khi thuê băng video vì rất khó để chọn được phim hay nhất.



8. Khi mua sắm tôi phải đắn đo rất lâu để tìm được thứ thật sự thích.



9. Tôi thường xuyên theo dõi những bảng xếp hạng (phim ảnh, ca nhạc, thể thao hay sách báo…)



10. Tôi hay gặp khó khăn khi phải viết thứ gì đó dù là một bức thư ngắn, vì rất khó chọn từ đúng để diễn tả ý mình, vì vậy tôi tường xuyên viết nháp trước.



11. Dù làm bất cứ thứ gì tôi luôn đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất cho bản thân.



12. Tôi không bao giờ bằng lòng với vị trí thứ nhì.



13. Tôi thường mơ tưởng về một cuộc sống hoàn toàn khác với cuộc sống hiện tại



(Với sự giúp đỡ của Liên đoàn Tâm lý học Hoa Kỳ)


Nếu điểm số trên 50 điểm thì bạn hãy mau mau xét lại mình để không trở thành người luôn cằn nhằn và thấy kém vui với cuộc sống!


Theo thatmah