Bị chảy máu khi mang thai ắt hẳn sẽ khiến bạn vô cùng sợ hãi dù không phải hầu hết nguyên nhân của các trường hợp xuất huyết trong thai kỳ đều là sẩy thai.




Trên thực tế, các trường hợp chảy máu âm đạo khi mang thai xảy ra khá phổ biến, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.



Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu, có khoảng một phần tư phụ nữ bị xuất huyết khi đang mang thai và có 8% trong số đó bị xuất huyết nặng. Hầu hết các trường hợp xuất huyết xảy ra vào giữa những tuần thứ 5 - 8 của thai kỳ và kéo dài không quá 3 ngày. Các mẹ bầu có thể bị xuất huyết ở dạng vệt máu nhẹ, đốm máu hoặc máu chảy nhiều như khi có kinh.



Dưới đây là 6 nguyên nhân chính có thể dẫn đến hiện tượng xuất huyết trong thai kỳ mà bạn cần biết để đề phòng và có những giải pháp kịp thời:





1. Trứng thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung



Trứng thụ tinh khi bám vào niêm mạc tử cung có thể gây chảy máu nhẹ. Thường thì đó chỉ là những vệt máu nhỏ, kéo dài 1-2 ngày trong quá trình trứng làm tổ tại lớp thành tử cung và không kéo dài hơn một kì kinh bình thường của bạn. Nhiều phụ nữ không biết mình đang mang thai cứ tưởng đó là dấu hiệu của kì kinh. Máu xuất ra trong trường hợp này thường có màu đỏ tươi giống màu máu khi bạn bị đứt ngón tay, hoặc ở dạng một vệt nhầy màu hồng. Mặc dù đây là hiện tượng khá phổ biến ở những phụ nữ mới mang thai nhưng bạn cũng nên cẩn trọng khi gặp tình trạng này.



2. Cơ thể không có đủ hormone để ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt



Một số mẹ bầu bị chảy máu ở những thời điểm trùng với thời điểm “đèn đỏ” theo chu kỳ kinh nguyệt bình thường, tức ở khoảng tuần thứ 4, thứ 8 và thứ 12 của thai kỳ. Bạn có thể bị chảy máu kèm theo những cảm giác khó chịu như thể bạn đang đến ngày đèn đỏ như đau lưng, đau bụng, cảm giác nặng nề ở khung xương chậu, chướng bụng, và cảm giác “xuống”.



Dĩ nhiên, bạn không hề “có kinh” như bạn cảm giác thấy, vì bạn thực sự đang mang thai! Trong suốt thời gian mang thai, cơ thể bạn sẽ tiết ra các hormone ngăn chặn sự xuất hiện của các kỳ hành kinh. Nhưng đôi khi lượng hormone đó không đủ lớn để ngăn chặn hoàn toàn chu kỳ kinh nguyệt nên bạn vẫn bị chảy máu. Hiện tượng này có thể kéo dài trong khoảng 3 tháng, sau đó nhau thai sẽ bắt đầu tiếp nhận việc sản xuất hormone từ buồng trứng. Một số phụ nữ có thể bị xuất huyết trong suốt thời kỳ mang thai nhưng vẫn sinh con khỏe mạnh nếu được theo dõi sức khỏe chặt chẽ.



3. Bạn có nguy cơ bị sẩy thai hoặc bạn đã bị sẩy thai



Các nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 kết quả của các trường hợp mang thai là bị sẩy nhưng bạn đừng quá hoang mang – kết quả này được tổng kết từ những trường hợp thai nhi từ 12 tuần tuổi trở xuống, bao gồm cả sẩy thai sớm khi mẹ thậm chí chưa biết mình đã mang thai. Điều này xảy ra thường là do bào thai bị hư hại và cơ thể không giữ lại được.



Khi thai đã được 14-16 tuần tuổi, bạn đã có thể yên tâm rằng thai nhi đã được an toàn và sẽ lớn lên khỏe mạnh. Vậy, bạn cần hết sức chú ý bảo vệ thai nhi trong 12 tuần đầu của thai kỳ và cũng đừng vội thông báo cho mọi người biết mình đã có thai trong khoảng thời gian này.



Những dấu hiệu sẩy thai thường gặp bao gồm xuất huyết (phổ biến nhất), đau bụng, đau lưng, đau dạ dày. Khi bị sẩy thai và đang chảy máu, phụ nữ thường không còn “cảm thấy mang thai” nữa, các triệu chứng thai nghén cũng không còn: không còn buồn nôn, đau vú hay đầy hơi. Cho nên nếu bạn bị chảy máu và cảm thấy như vậy, bạn rất có thể đã bị sẩy thai. Còn nếu bạn bị chảy máu mà vẫn còn cảm giác mang thai thì có thể bạn chỉ đang có nguy cơ sẩy thai và đứa bé vẫn còn. Dù là trong trường hợp nào, bạn vẫn cần đi khám bác sĩ và tiến hành siêu âm để kiểm tra chính xác.



Vẫn có những trường hợp sẩy thai mà không bị chảy máu, gọi là “sẩy thai bị bỏ sót”, nghĩa là thai nhi chết trong bụng mẹ nhưng không được tống xuất mà các sản phẩm của thai được giữ lại trong tử cung. Trong trường hợp này, các triệu chứng thai nghén chắc chắn sẽ biến mất nhưng bạn cần phải được siêu âm kiểm tra tim thai để biết chắc tình trạng của thai nhi. Trong trường hợp xấu bạn có thể sẽ phải nạo để lấy bào thai đã chết ra ngoài.



4. Làm “chuyện ấy”



Xuất huyết sau khi giao hợp là một trong những trường hợp phổ biến nhất của xuất huyết trong thai kỳ. Điều này là vô hại đối với thai nhi và nguyên nhân xuất huyết là do sự gia tăng cung cấp máu và làm mềm cổ tử cung. Mặc dù không nguy hiểm nhưng nếu bị ra máu như thế, bạn cũng nên gọi cho bác sĩ và chuẩn bị tâm lý cho những câu hỏi rất tế nhị như “gần đây bạn có sinh hoạt vợ chồng không?”, bởi lẽ đó chính là một nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết khi mang thai. Bạn không cần phải bỏ hẳn chuyện “yêu” khi mang thai nhưng hãy chú ý cẩn thận và áp dụng các tư thế an toàn để không làm ảnh hưởng đến thai nhi.



5. Thai ngoài tử cung



Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng của bạn được thụ tinh và cấy ở bên ngoài tử cung, thường là ở ống dẫn trứng. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn, có thể bị đau một bên dữ dội. Cơn đau có thể đột ngột biến mất nếu ống bị vỡ nhưng sẽ trở lại trong một vài giờ hoặc vài ngày và thật sự là chẳng dễ chịu chút nào. Đây là tình huống khẩn cấp vì mang thai ngoài tử cung có thể làm vỡ ống dẫn trứng gây xuất huyết nội bộ và không giữ được thai nhi. Ống dẫn trứng của bạn có thể bị loại bỏ cùng với bào thai nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không thể mang thai lần nữa nếu buồng trứng và ống dẫn trứng còn lại vẫn hoạt động tốt.



6. Xuất huyết từ nhau thai



Xuất huyết không đau có thể là do nhau thai nằm ở vị trí bất thường (dưới thành tử cung hoặc ngay trên ống cổ tử cung). Hiện tượng này được gọi là nhau tiền đạo và xảy ra với khoảng 2% phụ nữ. Nhau tiền đạo thường xảy ra sau 20 tuần đầu của thai kỳ và mang tính nghiêm trọng theo nhiều mức độ, nhưng dù ở mức độ nào thì bạn cũng cần đi siêu âm để được chẩn đoán chính xác. Nếu rơi vào tình trạng này thì bạn cần nghỉ ngơi nhiều và nếu nhau thai vẫn còn ở trên cổ tử cung trong những tuần còn lại của thai kỳ thì có thể bạn sẽ cần đến phương pháp giục sinh hoặc sinh mổ để bảo vệ em bé.



Một nguyên nhân khác của xuất huyết trong giai đoạn sau của thời kỳ mang thai là đứt nhau thai (tỉ lệ xảy ra là 1/200 phụ nữ mang thai), tức nhau thai bị tách hoàn toàn hoặc tách một phần ra khỏi thành tử cung. Các triệu chứng có thể bao gồm đau nặng cục bộ và chảy nhiều máu. Máu có thể chảy ra ngoài hoặc bị giữ lại trong tử cung – tử cung lúc đó sẽ rất căng, chặt, khó chạm vào và rất đau đớn. Nếu bạn hút thuốc, huyết áp cao, mắc bệnh thận hoặc bệnh tiền sản giật, bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị đứt nhau thai hơn so với phụ nữ bình thường. Trường hợp bị đứt nhau thai, bạn cần phải nhập viện khẩn cấp và tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của sự xuất huyết, bạn có thể được cho nằm nghỉ, được áp dụng phương pháp giục sinh hoặc phải sinh mổ.



Bạn cần làm gì khi bị xuất huyết trong thai kỳ?



Với bất kỳ trường hợp chảy máu khi mang thai nào, bạn cũng đều không nên chủ quan mà hãy đi khám bác sĩ để kiểm tra chính xác và khắc phục kịp thời những nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của thai nhi và sức khỏe của chính bạn. Ngoài ra, bạn cũng tuyệt đối không nên dùng tampon mà hãy dùng băng vệ sinh khi bị xuất huyết. Hãy thật cẩn trọng bạn nhé!