Giờ có nhà mà không ở cũng nguy hiểm thật các mẹ ạ! Ai biết được tự dưng quay trở lại thấy có người nào đó lù lù ở trong nhà mình, đuổi họ không đi.

>>> Chi gần nửa tỷ mua nhà, có sổ hồng tên mình vẫn không được là chủ nhà: Cẩn thận kẻo bị lừa

Xưa nghe mấy người kể có nhà này nhà nọ, mà không ở, để chờ cho thuê, em hay đùa là coi chừng bị người ta chiếm rồi mất nhà, chủ mấy căn nhà đó la em, nói em xúi quẩy, nói chuyện xui xẻo, nhưng mà giờ có thiệt đó các mẹ. Không phải một vụ đâu nha, mà nhiều vụ là đằng khác.

Để em kể cho các mẹ nghe, coi rồi cảnh giác, chứ không nhà mình mua nhiều tiền, không những không được ở, đòi lại còn bị kẻ chiếm nhà hăm dọa.

Theo nguồn tin từ trang báo Tuổi Trẻ hôm qua em đọc được, anh Lê Thanh Nghị, 44 tuổi, ngụ ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận kể lại.

hình ảnh

Ảnh: Anh Lê Thanh Nghị chỉ biết đứng ngoài nhìn căn nhà của mình bị người khác chiếm giữ. Nguồn: Báo Tuổi trẻ 

Hơn 1 năm trước, anh Nghị mua căn nhà cấp 3 trên đường Lê Lai, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết của bà Nguyễn Thị Lý với diện tích sàn nhà là 164m2. Căn nhà này được anh Nghị mua thông qua Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phan Thiết để thay bà Lý trả nợ ngân hàng với số tiền là 2,2 tỷ đồng.

Thỏa thuận xong, anh Nghị chuyển tiền vào tài khoản của Chi cục Thi hành án để ngân hàng xóa thế chấp, giao giấy tờ và hoàn tất thủ tục sang tên.

Đến ngày 08/5/2019, anh Nghị nhận bàn giao căn nhà từ bà Lý dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương và đại diện Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phan Thiết. Nhưng trong lúc giao nhà, một nhóm người xông vào cho rằng chủ nhà trước đây bán lại cho bà Lý là bà Nguyễn Thị Ngọc Thoa, 49 tuổi, ngụ ở Quận 1, TP.HCM đang thiếu nợ gia đình. Họ yêu cầu ai muốn vào ở nhà này lại phải trả nợ thay cho bà Thoa?!

Lúc đó, đại diện chính quyền địa phương giải thích đây là nhà của bà Lý, không liên quan gì đến bà Thoa, rồi nhóm người này bỏ về. Mọi chuyện rắc rối, tréo ngoe cũng từ đây đến với anh Nghị.

hình ảnh

Ảnh chụp trang báo Tuổi trẻ 

Tưởng mọi chuyện êm xuôi, anh Nghị thay ổ khóa để chuẩn bị dọn dẹp, sửa sang lại căn nhà. Hôm sau, chưa kịp tận hưởng căn nhà được mua từ tiền do chính mồ hôi nước mắt mình làm tích cóp bao năm thì bỗng nhiên xuất hiện cặp vợ chồng là ông Phạm Văn Thiền, 80 tuổi và bà Đặng Thị Khô, 70 tuổi, ngụ ở phường Đức Nghĩa phá khóa và vào chiếm giữ nhà ở. Không những vậy, vợ chồng ông Thiền, bà Khô còn dẫn con cháu đến đây ở từ đó đến nay.

Ngay sau đó, anh Nghị đã có đơn kêu cứu, đại diện UBND phường Đức Nghĩa nhiều lần đứng ra giải thích lẫn hòa giải nhưng bất thành. Thậm chí, vợ chồng ông Thiền còn cho rằng mình là bà con họ hàng của chủ nợ của bà Thoa, nên ra điều kiện với anh Nghị muốn lấy lại nhà phải trả nợ thay cho bà Thoa?!

Anh Nghị kể, mỗi lần đến đòi nhà là bị đuổi, anh kêu cứu quyền lợi chính đáng của mình khắp nơi, chính quyền thì nói giữ bình tĩnh để giải quyết, tránh gây ra hậu quả đáng tiếc. Trong khi vụ việc kéo dài hơn 1 năm qua nhưng vẫn chưa giải quyết được, anh và gia đình hiện đang ở trọ, hàng tháng phải trả nợ ngân hàng.

Được biết, anh Nghĩ đã gửi đơn tố giác về hành vi xâm phạm chỗ ở đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Phan Thiết từ 11/6/2019. Đến ngày 20/02/2020, Công an thành phố Phan Thiết mới báo là tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tiếp đến ngày 21/5/2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Phan Thiết có quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin tố giác của anh Nghị. Trong lòng mừng thầm vì Cơ quan này nhận định kết quả giải quyết ban đầu, hành vi của vợ chồng ông Thiền có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

Bởi vợ chồng ông Thiền và những người liên quan đã tự ý phá khóa, xâm nhập vào nhà anh Nghị, rồi chiếm giữ căn nhà, không cho anh Nghị vào ở. Thêm nữa là việc đưa con cháu vào ở là sai với quy định. Dù vậy, nhưng Cơ quan này cũng cho rằng anh Nghị chưa vào căn nhà trên ở ngày nào nên không thể xem là chỗ ở hợp pháp?! Nên không thể khởi tố vụ án hình sự theo tin tố giác của anh Nghị. Vậy là anh Nghị chỉ biết tiếp tục đứng nhìn căn nhà của mình từ ngoài đường mà không được vào.

Theo mình được biết, khái niệm “chỗ ở hợp pháp” được quy định rõ trong Luật cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013, đó là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định pháp luật.

Hiểu nôm na, là có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà trong trường hợp nhà đó do mình sở hữu hoặc Hợp đồng thuê nhà, Hợp đồng mượn nhà hay Hợp đồng ở nhờ do mình thuê, mượn hay ở nhờ tại căn nhà đó, đủ để chứng minh căn nhà đó là chỗ ở hợp pháp rồi.

Vậy trong vụ án này, liệu anh Nghị còn thiếu một trong các giấy tờ trên để chứng minh chỗ ở hợp pháp nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng của mình hay cơ quan chức năng có sự nhầm lẫn trong giải quyết vụ án?

Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, sẽ bị xử lý với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Bên cạnh đó, còn phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản (nếu có) cho bị hại, căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Quy định là vậy, song trên thực tế, người bị hại để được giải quyết quyền lợi của mình trong trường hợp bị xâm phạm, đòi hỏi phải thông qua nhiều bước lẫn khâu thủ tục.

Không chỉ riêng anh Nghị, mà còn có những vụ án tương tự khác, như báo Thanh Niên cùng ngày hôm qua mình đọc cũng đưa tin, cùng một vụ việc, nhưng mỗi cơ quan tố tụng lại hành xử cách khác nhau, bên thì yêu cầu xử lý hình sự, trong khi bên thì yêu cầu khởi kiện dân sự, đòi lại nhà?!

Điều này khiến cho người có nhà ở hợp pháp bị thiệt thòi quyền lợi, mất thời gian để đòi lại được nhà ở của mình, trong khi lỗi không phải do mình.

hình ảnh

Ảnh chụp trang báo Thanh Niên

Như trong vụ tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ dưới đây:

Ông Đ.V.H mua nhà đất là đối tượng của vụ tranh chấp “đòi nhà cho ở nhờ” giữa vợ chồng cụ D.T.B và bà N.T.T cùng con là N.V.T. Năm 1991, Tòa đã tuyên buộc bà N.T.T phải trả lại nhà cho cụ D.T.B.

Sau phiên tòa, bị đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Đến khi bị đơn mất thì bà N.T.N là con dâu của bà N.T.T, người thừa kế tiếp tục khiếu nại. Nhưng sau đó, Viện và Tòa bác yêu cầu vì cho rằng không có căn cứ chấp nhận yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm theo đơn đề nghị của bị đơn.

Được biết trước đó, vào cuối năm 1992, sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan chức năng cưỡng chế di dời gia đình bà N.T.T ra khỏi căn nhà. Kể từ đó, con của cụ D.T.B đã ở và rồi bán cùng bàn giao nhà cho ông Đ.V.H. Ngau khi ông Đ.V.H nhận bàn giao nhà thì bà N.T.N xông vào nhà cản trở, đe dọa người mua, dẫn đến việc ông Đ.V.H phải cầu cứu cảnh sát 113, Công an phường đến giải quyết.

Lúc đó, Công an yêu cầu các bên ra ngoài, khóa cửa ngay sau sự việc. Vài ngày sau, khi căn nhà vẫn đang bị khóa thì gia đình bà N.T.N phá khóa, chiếm nhà. Đỉnh điểm, ông Đ.V.H đã gửi đơn tố giác tội phạm đối với những người chiếm nhà của mình.

May mắn hơn anh Nghị, ông Đ.V.H sau khi gửi đơn tố giác đã được Công an quận giải quyết, khởi tố vụ án “xâm phạm chỗ ở của người khác”. Tuy nhiên, khi vụ việc được đưa ra xử lý thì Viện kiểm sát quận lại cho rằng dù ông Đ.V.H là chủ sở hữu hợp pháp nhà đất nhưng thực tế ông chưa ở ngày nào nên gia đình bà N.T.N không phạm vào tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Vì ý kiến này, này Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận đã ra Quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án, đồng thời hướng dẫn ông Đ.V.H khởi kiện vụ án dân sự “đòi lại nhà”, yêu cầu Tòa buộc bà N.T.N ra khỏi nhà và bồi thường thiệt hại nếu có nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tài sản của mình.

Không đồng ý với kết quả này, ông Đ.V.H tiếp tục gửi Đơn tố giác đến các Công an, Viện kiểm sát TP.HCM… lúc này các cơ quan lẫn chính quyền cũng tính đến phương án xử lý gia đình bà N. về hành vi sử dụng trái phép tài sản theo Điều 177 của Bộ luật hình sự hiện hành. Khung hình phạt là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, còn phải nộp tiền phạt từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, bị cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Song với hành vi này, muốn truy cứu trách nhiệm hình sự, thì trước đó người phạm tội phải bị phạt hành chính. Từ thời điểm xảy ra đến nay, do các cơ quan lúng túng về hướng giải quyết, đến khi xử lý thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi thời gian này, tài sản hợp pháp của ông Đ.V.H vẫn bị xâm phạm.

Liên quan đến vụ việc này, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM yêu cầu cần phải thống nhất cách xử lý, đồng thời Công an TP.HCM xin ý kiến của Bộ Công an để xử lý các đối tượng xâm phạm chỗ ở của người khác. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không thể để nạn chiếm nhà người khác vào ở được. Phải xác minh, xử lý nghiêm và triệt để hành vi vi trái pháp luật của người vi phạm.

Eo ôi, để đòi lại quyền lợi thì còn phải chờ giải quyết, mất khá nhiều thời gian và tiền bạc đấy các mẹ. Bởi vậy, mua nhà không chỉ cẩn thận về giấy tờ nhà, mà còn về thông tin nhân thân của chủ nhà, “nguồn gốc lai lịch” của căn nhà nữa các mẹ ạ.

Tổng hợp