Sáng đọc báo vụ này, mình thấy giống vụ người quen mình từng gặp, thế nhưng người quen của mình may mắn hơn là phát hiện sớm trước khi chuẩn bị chung tiền.

>>> Người phụ nữ làm giả 12 sổ đỏ lừa 2,8 tỷ ở Phú Quốc: Hướng dẫn mẹ phân biệt sổ đỏ thật và giả

Eo ôi, giờ mua nhà là phải cẩn thận mẹ nha, sổ hồng cầm trên tay là thật nhưng chưa chắc những thứ khác là thật đâu.

Theo nguồn tin từ báo Tuổi trẻ, vào tháng 7/2015, ông Lưu Chí Thiện được giới thiệu mua một căn nhà cấp 4 ở quận 12, TP.HCM do ông Trần Út đứng tên chủ sở hữu.

Cũng như những người mua khác, ông Thiện tìm hiểu kỹ căn nhà trước khi mua, từ chuyện xem thực tế căn nhà cho đến việc kiểm tra giấy tờ nhà.

hình ảnh

Ảnh trái: Căn nhà trên đường Tân Chánh Hiệp, Q12 của ông Trần Út. Ảnh phải: Ông Thiện mua nhà được cấp sổ hồng nhưng vẫn “trắng tay”. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Sau đó, hai bên làm thủ tục mua bán căn nhà này tại Văn phòng công chứng V. Được biết, căn nhà rộng 81m2 với giá 495 triệu đồng. Khi hai bên mua bán công chứng xong, ông Thiện giao tiền mặt cho bên bán ngay tại Văn phòng công chứng nhưng lại không làm giấy giao nhận tiền.

Vì vợ ông Thiện sinh con nên bận rộn, ông chưa nhận nhà. Cho đến tháng 5/2016, sau 10 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, ông Thiện yêu cầu bên bán giao nhà thì ông Út cho biết ông không bán nhà và cũng không biết ông Thiện là ai. Và ông Thiện cho biết ông Trần Út, chủ nhà thật theo giấy tờ, không phải là người đứng ra bán nhà, giao kết hợp đồng mua bán nhà với ông tại Văn phòng công chứng.

Về phía ông Út là chủ nhà thật cho biết, căn nhà này ông mua để đón mẹ từ quê vào ở nhưng mẹ ông không ở nên cho thuê và có ý định bán vào năm 2015. Thời gian này, ông bị mất giấy tờ nhà, và đã làm đơn trình báo Công an phường Tân Chánh Hiệp, rồi được xác nhận để làm thủ tục cấp lại sổ.

Cho đến năm 2016, ông Út đổi ý định, không bán nhà nữa, đưa gia đình về ở. Và tháng 5/2016, ông Thiện đòi nhà và đưa ra hợp đồng mua bán nhà cùng sổ hồng đã sang tên ông Thiện. Ông Út sau đó đã khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng mua bán nhà tại Văn phòng công chứng và hủy sổ hồng đã được sang tên cho ông Thiện.

hình ảnh

Ảnh chụp báo Tuổi trẻ

Khi biết được người ký hợp đồng mua bán nhà cho mình không phải là chủ nhà thật, ông Thiện cũng phản tố yêu cầu Văn phòng công chứng bồi thường thiệt hại cho ông vì đã bỏ tiền ra mua nhà, nhưng lại không được là chủ nhà. Với ông Thiện cho rằng, Văn phòng công chứng đã thiếu kiểm tra nhân thân của người xưng là ông Trần Út khi công chứng hợp đồng mua bán.

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM xác định ông Trần Út đến văn phòng công chứng ký tên trong hợp đồng mua bán nhà với ông Thiện là người giả mạo nên xác định hợp đồng mua bán nhà giữa hai bên là vô hiệu. Bản án hủy luôn giấy chứng nhận mới cấp đứng tên ông Thiện. Ông Út có quyền liên hệ với các cơ quan chức năng để làm lại giấy chứng nhận mới.

Bản án xác định việc ông Thiện mua căn nhà là có thật nhưng bên bán là người giả mạo chủ nhà. Tại tòa, ông Thiện cũng không cung cấp được người môi giới, bằng chứng đã giao tiền cho chủ nhà giả nên bản án tuyên bác nội dung phản tố yêu cầu văn phòng công chứng phải bồi thường số tiền ông đã bỏ ra mua nhà.

Sau bản án sơ thẩm, ông Thiện đã có kháng cáo cho rằng Văn phòng công chứng đã có lỗi trong việc chứng nhận hợp đồng mua bán nhà khiến ông bị thiệt hại. Cụ thể, người giả mạo ông Trần Út đã làm giả luôn giấy xác nhận hai số chứng minh nhân dân là một của Công an P.Tân Chánh Hiệp.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Người Đưa tin

Đại diện văn phòng công chứng cho biết công chứng viên đã dựa vào nhiều loại giấy tờ khác nhau để xác định nhân thân của người đến giao dịch như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu... Mặt khác, trong hồ sơ công chứng còn nhiều giấy tờ chứng minh nguồn gốc căn nhà đều có dấu trích sao trước thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà mấy ngày. Và công chứng viên có niềm tin rằng chỉ có chủ nhà mới trích sao được những giấy này nên không nghi ngờ về giấy xác nhận chứng minh nhân dân của Công an phường Tân Chánh Hiệp do người yêu cầu công chứng hợp đồng cung cấp.

Ngoài ra, công chứng viên chỉ kiểm tra các giấy tờ do hai bên yêu cầu công chứng đưa bằng mắt thường và kinh nghiệm thực tế chứ không đủ điều kiện và phương tiện để nhận biết được thật giả như giám định viên và trong trường hợp này có thể Văn phòng công chứng cũng là nạn nhân.

Trong vụ này, ông Út vẫn là chủ nhà, còn ông Thiện đã mất tiền mua nhà, công chứng hợp đồng, sang tên sổ hồng mà vẫn không được là chủ nhà, vậy quyền lợi của ông Thiện được giải quyết như thế nào?

Tại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM nói trên, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM có nhận định rằng vụ này có dấu hiệu làm giả vân tay, chữ viết, chữ ký và cả giấy tờ khác nên kiến nghị Cơ quan Điều tra xem xét để xử lý hình sự.

Kẻ làm giả vân tay, chữ viết, giấy tờ để lừa ông Thiện mua nhà với giá 495 triệu đồng có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức án sẽ là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, hoặc tù chung thân. Và phải nộp tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh đó, có thể xử lý thêm tội làm giả giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 của Bộ luật hình sự hiện hành, với mức án có thể là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Và phải nộp tiền phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

hình ảnh

Ảnh: Giấy tờ thật giả bị đánh tráo (trong một vụ việc khác từng xảy ra năm 2018). Nguồn: Báo Người Lao động. 

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, kẻ này còn buộc phải bồi thường thiệt hại số tiền đã lừa đảo ông Thiện mua nhà.

Nói thêm về vụ này, ông Út cho biết khi mất giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, ông báo Công an nhưng lại không làm đơn yêu cầu ngăn chặn giao dịch sang tên, vì ông nghĩ rằng nhà mình đang ở, không thể mất được, ai cầm giấy chứng nhận cũng không làm được vì trên đó đã có số chứng minh nhân dân của ông, nếu ông không đứng ra hoặc ủy quyền cho người thân đứng ra thì không thể giao dịch mua bán được. Rồi ông đăng báo 3 số liên tiếp về việc mất giấy tờ để đi làm lại, chưa kịp nộp hồ sơ để xin cấp lại thì xảy ra vụ việc.

Từ vụ việc trên của ông Thiện, mẹ rút kinh nghiệm cho bản thân khi đi mua nhà:

- Kiểm tra thực tế căn nhà và giấy tờ nhà có phải thật hay không là chuyện đương nhiên.

- Kế đến, kiểm tra các giấy tờ tùy thân khác của bên bán.

- Cuối cùng, mẹ cần phải tìm hiểu những người hàng xóm xung quanh về căn nhà đó, chủ căn nhà và những người sống trong căn nhà đó như thế nào. Những người này có thể sẽ giúp mẹ có thêm nhiều thông tin để quyết định có nên mua căn nhà đó hay không.

Còn về phía ông Út là bên chủ nhà thật, để tránh tình trạng nhà đang ở bỗng dưng bị đem đi bán mà không hề hay biết, cần phải:

- Bảo quản kỹ giấy tờ nhà, cho ai mượn thì cũng phải cẩn thận trước sau, đề phòng bị đánh tráo. Trên thực tế, đã có trường hợp chủ nhà thật muốn bán căn nhà nhưng lại vướng phải cái eo là họ đang giữ “sổ hồng giả”.

- Khi mất giấy tờ nhà phải gấp rút làm thủ tục cấp lại liền và làm thủ tục ngăn chặn sang tên sổ, đề phòng kẻ gian lợi dụng để công chứng giấy tờ nhà, sang tên sổ mà mình không hề hay biết.

Số tiền 495 triệu đồng với một số người không là gì, nhưng với nhiều người có thể là cả gia tài, phải làm nhiều năm trời mới có được. Nên mẹ mua nhà phải cẩn trọng bẫy lừa, kẻo mất tiền lại không có nhà ở nha.

Tổng hợp