Ngày 6/9, một nam bệnh nhân 22 tuổi ở Sơn La được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tổn thương gan nặng vì uống 19 viên paracetamol loại 500mg để hạ sốt chỉ trong 2 ngày.



Theo Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã dùng quá liều paracetamol dẫn đến ngộ độc, lại có tiền sử viêm gan B làm tăng tình trạng nặng của bệnh.



Những ngày đầu nhập viện, bệnh nhân tổn thương gan, viêm gan rất nặng, có dấu hiệu suy gan, sốt cao chưa xác định nguyên nhân. Chiều ngày 12/9, bệnh nhân đã qua đời sau một tuần được hồi sức tích cực tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên nhân tử vong được bác sĩ xác định là ngộ độc paracetamol do uống quá liều.


webtretho



Paracetamol được biết đến là một trong những dược phẩm có khả năng giảm đau và giảm sốt hiệu quả trong những trường hợp như cảm cúm, sốt nóng, nhức đầu, đau xương… Nó được sử dụng phổ biến, có thể mua mà không cần toa của bác sĩ, được bào chế dưới nhiều dạng như viên nén thường, nén bao phim, viên sủi, thuốc cốm, siro… với nhiều hàm lượng như 80mg, 150mg, 250mg đến 500mg...



Hiện trên thị trường có hàng trăm loại thuốc chứa hoạt chất này hoặc kết hợp với một vài loại dược chất khác. Vì vậy, chị em khi mua thuốc hạ sốt phải để ý kỹ hàm lượng paracetamol để không bị nhầm lẫn, tránh ngộ độc do dùng sai liều lượng.



Theo TS-DS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP. HCM), khi dùng thuốc phải tuân thủ ba nguyên tắc để đề phòng ngộ độc:



1. Không dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt quá 5 ngày ở trẻ em (ở người lớn không quá 10 ngày), trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.



2. Liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10 - 15mg/kg cân nặng, ngày uống 3 - 4 lần và liều tối đa cho trẻ là không quá 60mg/kg/ngày. Còn đối với người lớn, mỗi lần uống 500mg - 1.000mg, ngày uống 3 lần, không nên quá 3g trong ngày. Riêng đối với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan đã kém.



3. Người thường xuyên uống rượu không nên dùng bừa bãi paracetamol, đặc biệt không nên uống thuốc gọi là “để ngừa nhức đầu, để uống rượu nhiều không say” (!). Paracetamol và rượu đều có hại gan, sự kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.



Như vậy, trong trường hợp sốt cao, người bệnh nên kết hợp uống hạ sốt đúng liều lượng, chườm mát, uống nhiều nước. Nếu đã làm theo những cách này mà không đỡ sốt thì người bệnh nên đến viện, tránh dùng thuốc quá liều sẽ gây ngộ độc, thậm chí tử vong do suy đa tạng (thận, gan).



Khi bị ngộ độc, người bệnh có các biểu hiện chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Ngay khi biết uống quá liều paracetamol, cần tìm cách xử lý, gây nôn, dùng than hoạt, nước muối pha loãng hay nước chè đặc để làm giảm hấp thu lượng độc cho gan. Các trường hợp có triệu chứng rõ ràng của nhiễm độc cần nhanh chóng đến cơ sở y tế cấp cứu.



Xem thêm


Ăn thịt vịt kiểu này chạy cấp cứu cũng không kịp


Bé bị vàng da suy thận suy tim vì ngộ độc thuốc hạ sốt do mẹ liên tiếp tự ý cho con uống


Những loại hải sản rất dễ gây ngộ độc, chị em phải hết sức cẩn thận khi ăn



Xem thêm clip Nguyên nhân và cách phòng tránh ngộ độc paracetamol




http://www.webtretho.com/video/wp-content/uploads/sites/43/2017/08/O0i289Hkn5-480x270.jpg