Mình từng đọc ở đâu đó cảnh báo rằng là xào gan lợn với giá đỗ không tốt cho sức khỏe. Bởi, trong giá đỗ có nhiều vitamin C, nếu xào lẫn hoặc ăn gan lợn với giá đỗ cùng lúc hoặc ăn gần nhau sẽ khiến vitamin C bị oxy hóa hết. Kết quả, giá đỗ thành chất bã chứ không còn là chất bổ nữa.

Nhưng mình cứ thấy vô lý kiểu gì ấy. Vì từ trước đến giờ mình thấy bố mẹ vẫn nấu gan lợn với giá đỗ bình thường. Rồi những hôm ăn lòng lợn thì bao giờ cũng có gan, rau ăn kèm là lá mơ và giá đỗ. Ăn mãi mà có thấy gì đâu nào.

Hôm nay mình thấy chuyên gia Vũ Thế Thành (giảng viên an toàn thực phẩm VASEP - Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) đã có bài phân tích về vấn đề này trên báo rồi.

Thông tin cụ thể, mình chia sẻ ở bên dưới nhé các mẹ.

hình ảnh

Giá đỗ không chỉ giàu vitamin C mà còn có nhiều chất dinh dưỡng khác. Ảnh minh họa, nguồn: LĐ

Xào hoặc ăn chung gan lợn với giá đỗ có hại cho sức khỏe, chuyên gia nói gì?

Theo ông Thành, cơ thể cần vitamin C để tăng cường sức đề kháng, tạo enzyme… Khi thiếu vitamin C thì có thể dẫn tới hiện tượng thiếu sắt gây ra tình trạng sưng nướu răng, chảy máu chân răng. Nhu cầu vitamin C hàng ngày của mỗi người là 70 – 90mg, trẻ em cần ít hơn còn phụ nữ mang thai thì cần nhiều hơn.

Cơ thể của chúng ta cũng cần đồng để tạo ra một số enzyme đặc biệt hỗ trợ chức năng của hệ thần kinh, tạo xương, hỗ trợ mạch máu, tiêu diệt gốc tự do… Song, nhu cầu của chúng ta chỉ khoảng 800 - 1.000 mcg/ngày (1mcg = 1 phần triệu gram). Nhu cầu đồng của cơ thể thấp nên chúng ta ít nghe đến tình trạng thiếu đồng.

Hầu hết, các khoáng chất đều được dự trữ ở trong gan. Do đó, gan bò, heo, pate gan ngỗng là nguồn vi lượng đồng khá nhiều. Nhiều loại rau củ quả như trái bơ, đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ đều có đồng song ít hơn nguồn từ động vật.

Tóm lại, đồng và vitamin C đều cần cho cơ thể. Thậm chí, cùng ở chung với nhau trong 1 loại thực phẩm như giá đỗ vừa có đồng vừa có vitamin C. Giá đỗ có vitamin C, gan heo có đồng. Khi kết hợp với nhau thì nó sẽ bị oxid hóa khiến thực phẩm chỉ còn bã là có lý.

Tuy nhiên, ông Thành khẳng định: Có lý, nhưng nói phóng đại. Lý do là vì:

+ Trong giá đỗ không chỉ vitamin C mà còn có chứa nhiều dưỡng chất khác như chất xơ, vitamin B… cùng các khoáng chất khác. Quan trọng hơn, trong đó còn chứa hóa chất thực vật phytochemicals vô cùng có lợi trong việc phòng chống nhiều thứ bệnh. Đây cũng là thế mạnh của các loại rau củ quả.

Như vậy, khi kết hợp với gan lợn thì chỉ có mình vitamin C bị triệt tiêu mà đã gọi nó là chất bã thì phóng đại còn gì.

+ Giá có nhiều vitamin C nhưng nó không được xem là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào cho cơ thể. 100g giá chỉ cung cấp được 13 – 16% nhu cầu vitamin C mỗi ngày. So với các loại thực phẩm khác thì lượng vitamin C trong giá còn thua xa. Do đó, nếu nấu chung với gan mà mất đi lượng vitamin C thì cũng không vấn đề gì.

hình ảnh

Chuyên gia Vũ Thế Thành. Ảnh: VNN

+ Trong thực tế, chúng ta rất ít khi bị thiếu vitamin C, ngược lại là còn dư thừa. Vì nguồn vitamin C rất dồi dào trong đủ loại thực phẩm. Nếu dư cũng chẳng sao vì vitamin C tan trong nước, không tích lũy trong cơ thể nên có thừa thì cũng sẽ được đào thải ra ngoài theo đường tiểu.

Khi cơ thể bị suy yếu, chẳng hạn như cảm cúm thì cơ thể sẽ cần nhiều vitamin C hơn để có sức đề kháng. Tuy nhiên, có nhiều người bình thường cũng hào hứng uống viên bổ sung vitamin C mỗi ngày cho chắc ăn mà không biết nó lại gây bất lợi cho sức khỏe. Khoa học khuyến cáo, không nên tiêu thụ quá 2.000mg vitamin C/ngày. Nếu thường xuyên uống dư nhiều vitamin C thì sẽ bị chuyển hóa thành oxalate. Chất này mà gặp canxi ở đường tiết niệu thì sẽ gây kết tủa và dẫn tới sạn thận.

Cuối cùng, ông kết luận: Giá đạu xào gan lợn là món ăn ngon, bổ dưỡng. Nghe cảnh báo từ các ‘học sĩ bàn phím’ mà bỏ quan món ăn ngàn năm này thì đúng là mang tội.

Đấy, nghe lời lý giải của chuyên gia xong trên báo xong mình thấy có thể an tâm để tiếp tục nấu món gan lợn xào giá đỗ rồi. Món này ngon mà, không được ăn thì quá phí.