Đi làm chốn công sở, không phải chuyện gì cũng có thể đem ra bàn tán các chị ạ, đặc biệt là hỏi lương của nhau. Theo em được biết, một số công ty nêu rõ yêu cầu nhân viên cam kết giữ bí mật về lương, hoặc giữa những đồng nghiệp thân thiết cũng luôn tìm cách né tránh trả lời vấn đề nhạy cảm này.

Em còn nhớ cộng đồng mạng từng được phen "dậy sóng" trước câu chuyện một nam thanh niên bị công ty cho nghỉ việc chỉ vì lỡ miệng dò hỏi lương của đồng nghiệp.

Chàng trai trong câu chuyện cho biết, vài tháng trước đó, anh được nhận vào làm việc tại một công ty thuộc ngành công nghệ máy tính. Khối lượng công việc rất lớn khiến anh phải tăng ca liên tục, dù vậy anh chàng rất nhanh chóng hòa nhập với tần suất làm việc của nơi này.

Trong một lần trò chuyện cùng một người đồng nghiệp thân thiết, anh đã vô tình hỏi thăm về lương của người này. Anh chàng suy nghĩ đơn giản rằng hỏi thăm chơi thôi, nếu người ta từ chối tiết lộ thì cũng chẳng sao.

Anh chàng cũng chỉ muốn tìm người để kêu than lúc tăng ca vất vả chứ không hề muốn tọc mạch chuyện riêng của người đó. Tuy nhiên, anh chẳng những không nhận được thông tin gì về lương thưởng của đồng nghiệp mà còn bất ngờ nhận được quyết định cho thôi việc từ công ty. Anh đã nhận được tiền bồi thường hợp đồng lao động, dù vậy nam thanh niên vẫn cảm thấy ấm ức.

Ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi, dư luận đã chia thành nhiều phe tranh cãi. Một bộ phận cho rằng quy tắc không cho nhân viên dò hỏi lương của đồng nghiệp là đúng đắn, điều này nhằm ngăn chặn sự tị nạnh giữa người với người dẫn đến tâm lý chán nản, không muốn làm việc.

Một số ý kiến khác lại lên tiếng bênh vực chàng trai bởi việc hỏi thăm lương của đồng nghiệp chỉ là câu xã giao vu vơ. Nếu người được hỏi muốn giấu kín thì cũng không có ai ép buộc họ phải nói ra.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: cchan.tv)

Thật ra, những trường hợp như thế này rất dễ rơi vào các bạn trẻ mới đi làm. Họ không biết chuyện công khai hay bí mật mức lương của nhân viên tùy quan điểm quản lý của doanh nghiệp. Có nơi công khai để tạo sự cạnh tranh, để nhân viên hiểu làm việc thế nào để đạt được mức lương theo khung này, khung kia. Nhưng nhiều nơi giữ bí mật để tránh các rủi ro, hiềm khích, điều tiếng.

Rõ ràng, không có vị giám đốc nào lại thích nghe nhân viên bàn luận với nhau về lương hay chính sách trả lương của công ty cả. Điều này khó tránh sản sinh tâm lý so sánh, đố kỵ nhau vì mức lương khác nhau tùy theo công việc và chức vụ.

Dù trong doanh nghiệp nào đó, việc này không bị cấm nhưng bạn nên thận trọng và ứng xử khéo léo khi tiết lộ lương với đồng nghiệp hay hỏi lương của họ. Nếu đồng nghiệp biết lương của bạn cao hơn sẽ không tránh khỏi sự đố kỵ, từ đó sẽ nảy sinh ý muốn được cấp trên tăng lương.

Hoặc là khi hỏi lương của nhau, chúng ta sẽ thấy cùng nhau làm cùng một công việc, có cùng trình độ những đồng nghiệp được trả cao hơn sẽ khiến bản thân vô cùng tức giận. Tuy nhiên, chị em đừng vội lao vào phòng sếp hay đi gặp 1001 người để kể lể oan ức rồi làm việc một cách thiếu chuyên nghiệp.

hình ảnh

(Ảnh phải minh họa: MH)

Điều quan trọng là hãy làm sao để mình cũng được tăng lương như vậy. Hãy tự hỏi bản thân, liệu trình độ và sự đóng góp của mình có xứng đáng được tăng lương không? Mức lương hiện tại có phù hợp không? Sau khi bình tĩnh lại và trả lời câu hỏi đó, chị em sẽ biết mình có cần đặt một cuộc hẹn và tự tin đề nghị mức lương đảm bảo quyền lợi cho bản thân hay không.

Một lưu ý khác là trong buổi đề nghị đó, đừng bao giờ nhắc đến người đồng nghiệp vô tình bị lộ mức lương kia. Hãy chứng minh cho sếp thấy mình xứng đáng với mức lương mới, bạn đã chăm chỉ và đạt hiệu quả ra sao trong công việc.