Nhiều ông chồng cứ thấy vợ ở nhà nội trợ, chăm con là sướng, nhưng cứ thử ‘trải nghiệm’ ở nhà vài ngày xem sao, bảo đảm "chạy mất dép" liền.

Là phụ nữ khổ lắm, mình hy sinh ở nhà để chăm con, nuôi dạy con cái, còn chồng lo kinh tế cứ nghĩ ta đây làm chuyện lớn lao để rồi về nhà ‘mặt nặng mày nhẹ’ với vợ. Kể cả khi ly hôn, họ cũng muốn giành luôn phần thắng quyền nuôi con thuộc về mình, trong khi thực tế chưa chắc con ở với cha lại tốt bằng mẹ.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay. 

Có chị gái nọ thương lắm, chị hỏi em rằng từ hồi bầu bì nghỉ thai sản xong là chị ở nhà luôn, không đi làm nữa để chăm con. Chồng chị một mình đi làm lo kinh tế gia đình. Nay vợ chồng cứ giận nhau hoài đến đỉnh điểm không thể hàn gắn nữa nên ly hôn. Rồi chị thắc mắc rằng, giờ trong tay chị chẳng có tài sản gì, vậy ly hôn chị có được chia nhiều tài sản hơn không, vì người ta thường nói ‘của chồng, công vợ’, ít nhiều chị cũng phải có phần hơn chứ nhỉ?

Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành, tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm:

- Tài sản do vợ chồng tạo ra, là thu nhập do vợ chồng cùng lao động, sản xuất, kinh doanh.

- Các khoản tiền lời phát sinh từ tài sản riêng.

- Các khoản thu nhập hợp pháp khác hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

Tuy nhiên, các loại tài sản trên sẽ không được tính là tài sản chung nếu các bên đã tiến hành các thủ tục phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung.

- Tài sản do vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Ngoài ra, lưu ý thêm là quyền sử dụng đất được hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, trừ khi đó là tài sản được thừa kế riêng hoặc tặng cho riêng hoặc là có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Về cơ bản, khi ly hôn, vợ chồng được quyền thỏa thuận phân chia tài sản, chỉ khi không thể thỏa thuận được và có yêu cầu thì Tòa án mới có thẩm quyền giải quyết.  

Mọi người vẫn thường hiểu rằng, ly hôn là vợ chồng sẽ được chia đôi tài sản. Nhưng điều đó là chưa đủ bởi vì Tòa sẽ còn xét đến các yếu tố như công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập cũng như duy trì khối tài sản chung của cả hai, hoàn cảnh gia đình của vợ chồng, bảo vệ lợi ích chính đáng cho đôi bên trong việc sản xuất kinh doanh để các bên có thể tiếp tục làm việc nhằm tạo ra thu nhập nuôi sống chính bản thân và gia đình cũng như lỗi của các bên vi phạm quyền và nghĩa vụ làm vợ, làm chồng.

Em cũng muốn nói thêm về yếu tố công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, cụ thể người vợ dù không đi làm, chỉ ở nhà chăm con, nhưng trong trường hợp này vẫn được tính là có lao động và tạo ra thu nhập tương đương với người chồng đi làm. Đây chưa hẳn là yếu tố duy nhất để xem xét chia phần ai nhiều hơn, mà còn tính thêm các yếu tố còn lại như em vừa kể trên.

Dù vậy, trong việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp này, người vợ vẫn có phần trong đó.

Ngoài ra, đề cập đến quyền nuôi con, tương tự với việc chia tài sản, vợ chồng có quyền thỏa thuận nhưng nếu không thỏa thuận được thì nhờ Tòa giải quyết. Theo nguyên tắc cơ bản, con dưới 3 tuổi sẽ do người mẹ nuôi, còn con từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ xem xét nguyện vọng của con. Tuy nhiên, cũng cần xét đến tổng hòa các yếu tố để đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho con cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Không thể nào giao con cho cha nuôi khi cha có dư điều kiện về mặt kinh tế nhưng lại thường xuyên đi công tác xa, để con ở nhà một mình...

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels và Đời sống Pháp luật. 

Nói gì thì nói, chị em vẫn nên trang bị cho mình đầy đủ kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình, để lỡ đường ai nấy đi, mình vẫn có thể giành đủ quyền lợi về phần mình nha chị em.