Khi biết chị Duyên nghỉ việc văn phòng để đi “làm nông”, nhiều người lắc đầu ngao ngán: “Học cho lắm rồi lại làm nông dân”. 

Có bao giờ bạn thẳng thắn đối diện với câu hỏi: “Liệu đây có phải công việc mà mình muốn làm” hay không? Thực tế, có nhiều người chẳng khác nào “xác sống” công sở vì làm công việc không mang lại cảm giác vui thích, chỉ là đang cố để xoay sở cơm áo hằng ngày. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp quyết sống theo điều trái tim mách bảo, như câu chuyện của đôi vợ chồng có bằng tiến sĩ để rồi về quê làm nông dân được đăng trên VNE. 

Chị Duyên quê ở Thái Bình, có bằng Thạc sĩ nông nghiệp ở Australia. Trước khi bỏ phố về quê để làm nông, chị từng là chuyên viên ở một viện nghiên cứu nông nghiệp lớn. Tuy nhiên, cuộc sống từ nhà đến cơ quan, từ soạn báo cáo rồi làm nghiên cứu đã khiến chị tự hỏi chính mình: “Đây có phải cuộc sống mình mơ ước?”. 

hình ảnh

(Ảnh VNE)

Chị chia sẻ trên VNE, quyết định nghỉ việc để đi làm nông không phải do một phút bốc đồng mà sau nhiều năm suy nghĩ, cuối cùng chị mới sống theo những gì trái tim mách bảo. 

Tháng 9/2019, anh Chinh - chồng chị Duyên có tấm bằng Tiến sĩ ngành sinh học sau thời gian du học tại Nhật. Lúc này, hai vợ chồng chính thức bắt tay vào việc xây dựng trang trại như những gì đã vẽ ra trước đó. Họ thuê một bãi đất hoang rộng 2 ha ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ để gầy dựng thành khu vườn. 

Thời gian đầu, hai vợ chồng phải dậy từ 5h sáng, chạy 15km đến trang trại để làm việc. Đến 7h30, họ về lại cơ quan. Cuối tuần, vợ chồng chị Duyên cùng 2 đồng nghiệp làm việc quần quật 12-14 tiếng. Lúc đó, chị Duyên sụt 5 kg sau vài tháng “dãi nắng dầm mưa” làm nông dân. 

Do chưa có thành quả nhiều lại ít vốn nên ban đầu họ không thuê người làm mà tự tay làm hết hàng trăm công việc có tên lẫn không tên. Thậm chí, sau năm đầu tiên lập trang trại, tháng nào họ cũng thua lỗ vốn. 

Trước tình hình này, chị Duyên đưa ra quyết định nghỉ việc ở cơ quan. Bố mẹ thấu hiểu nhưng họ hàng lại nhìn chị lắc đầu: “Ăn học cho nhiều rồi đi làm nông dân”. Nhiều lần, chị Duyên lén trốn vào một góc ngồi khóc thút thít vì áp lực, vì cuộc sống “bỏ phố về quê” không hề dễ dàng. 

hình ảnh

(Ảnh VNE)

Sau khi toàn tâm toàn ý dành thời gian, công sức cho việc làm nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, vợ chồng chị Duyên bắt đầu nhận lượng khách ngày càng đông. Tháng 6/2021, anh Chinh cũng quyết định nghỉ việc ở cơ quan để cùng vợ đeo đuổi con đường làm nông nghiệp không hóa chất. Hại vợ chồng thuê thêm 4 nhân công để phụ việc. 

Khi hy vọng mới vừa được thắp lên, họ lại gặp chuyện ngoài ý muốn: Tình hình dịch diễn biến phức tạp, Hà Nội giãn cách để đảm bảo an toàn. Thời gian đó, vợ chồng chị Duyên phải sống trong nhà container chỉ rộng 9m2. Mỗi ngày, anh Chinh phải đi gần 100km giao rau cho khách. Đó giờ, anh chỉ quen việc học hành, bàn giấy nên da trắng như công tử. Sau thời gian làm “nông dân”, anh Chinh trở nên đen nhẻm, rắn rỏi, tóc tai bờm xờm. 

Đến khi Hà Nội nới giãn cách, hai vợ chồng chưa kịp mừng thì trời lại mưa xối xả. Nhìn trang trại ngập nước, tan hoang, chị Duyên chỉ biết đứng dưới trời mưa mà bật khóc “Mất hết rồi”. Anh chồng đứng cạnh cũng chỉ biết rơi nước mắt, cố động viên vợ: “Cố gắng, có ngày trời sẽ thương”. 

hình ảnh

(Ảnh VNE)

Hành trình bỏ phố về quê chưa bao giờ là dễ dàng. Hai vợ chồng chị Duyên đều được học bài bản, có bằng tiến sĩ, thạc sĩ về nông nghiệp nhưng rõ ràng làm nông là phải “trông trời, trông đất, trông mây / Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” vô cùng gian nan và lắm lúc thất bại chỉ biết bật khóc. 

Đến tháng 9, vợ chồng chị Duyên và những người làm công tại trang trại quyết tâm gầy dựng lại. Họ dốc toàn lực cho vụ mới. Anh Chinh cắt cỏ, cày, gieo hạt, ngâm chế phẩm để bón rau. Chị Duyên hướng dẫn kỹ thuật cho người làm, rồi bán hàng online. 

Sau 2 tháng được “trời thương”, cánh đồng rau lại xanh mướt. Từ thất bại mất trắng, hai vợ chồng dần học được kinh nghiệm thực tiễn và biết cách xoay sở khi trời nắng, trời mưa để không phải ngậm ngùi như trước. 

Năng suất dần tăng, kéo theo lợi nhuận cũng có khởi sắc. Vợ chồng chị Duyên bắt đầu tạo việc làm cho 8 lao động ở xã. Mỗi ngày, mọi người làm việc hăng say, sống hòa hợp với thiên nhiên và càng thêm yêu thích công việc của mình đang làm. 

hình ảnh

"Có rất nhiều việc khó khăn. Nhưng thành công chắc chắn không dành cho người lười và thiếu kiên nhẫn", chị Duyên chia sẻ.

Đây là chiêm nghiệm của một người từng trải qua thất bại, từng rơi nước mắt khi “trắng tay” và sau cùng đã nhìn thấy ánh sáng cuối con đường. Rất ít người có thể dám nghĩ, dám làm như vợ chồng chị Duyên anh Chinh để đeo đuổi công việc mà mình yêu thích. Nếu ngày xưa, hai vợ chồng không can đảm bước qua định kiến, chê cười của người thân khi biết chuyện cất bằng tiến sĩ để “về quê làm nông dân” thì giờ cuộc sống của chị Duyên và anh Chinh có lẽ sẽ buồn chán, tẻ nhạt nơi bàn giấy, công sở. 

Tuy nhiên, cũng không khuyến khích những người nổi hứng trong một phút rồi quyết định nghỉ việc để “bỏ phố về quê”. Những hình ảnh thơ mộng trên mạng xã hội chỉ là bề nổi và có không ít trường hợp “mất trắng” vì không đủ kinh nghiệm, kiến thức, nguồn vốn khi “về vườn”.