Người ta cứ bảo đẻ được đông con thì sau này về già được nhờ. Ngày xưa vợ chồng tôi cũng bảo với nhau như vậy. Dù khó khăn, chúng tôi cũng cố gắng sinh 3 đứa để có anh có em. Sau này nếu có công việc thì chúng cũng có thể san sẻ cho nhau mà gánh vác. Nhiều gia đình sinh đến đứa thứ 3 vẫn là con gái. Còn vợ chồng tôi thì tưởng chừng may mắn hơn, khi mà cả 3 lần đều là con trai. Chồng tôi còn bảo:
“Thôi, đẻ thế này là yên tâm về già rồi. Sau này không ở với đứa này thì sống với đứa khác, mình có 3 đứa cơ mà, lo gì tuổi già nữa”.
Đối với các con, chúng tôi cũng yêu thương hết mực, đứa nào cũng được đối xử công bằng với nhau. Đấy, đứa này được bố mẹ cho đi học thêm thì đứa kia cũng không kém cạnh. Thế nhưng các con tôi lại không mấy đoàn kết. Hồi nhỏ, nhà tôi chẳng khác gì cái tòa án thu nhỏ. Cứ hết đứa này mách tội rồi lại tới đứa kia. Lúc ấy, tôi cũng lo lắm. Anh em một nhà mà chẳng thấy chúng nó yêu thương nhau gì cả. Nhưng chồng tôi lại xem đó là chuyện rất bình thường. Ông ấy còn nói:
“Ôi, có gì đâu mà em cứ phải làm quá. Nhà toàn con trai nên thế. Mai kia lớn chúng nó biết suy nghĩ sẽ khác, làm gì bằng máu mủ ruột thịt nhà mình”.
Thế rồi sau này, các con tôi đi học và mỗi đứa lập nghiệp một nơi. Chúng chỉ về dịp lễ Tết hoặc khi nhà có việc, bố mẹ gọi thì mới về. Tần suất các con về thăm vợ chồng tôi càng ít sau khi chúng kết hôn. Mà nói đến chuyện tổ chức đám cưới cho con, tôi vẫn thấy buồn lòng. Chuyện là khi đứa lớn nhà tôi lấy vợ, khi ấy hai vợ chồng tôi còn có kinh tế tốt. Vì thế nên mới trao cho con 5 chỉ vàng làm vốn. Sau này đến đứa thứ 2 và đứa út lấy vợ, chúng tôi chỉ cho được 3 chỉ vì hoàn cảnh lúc đó khó khăn hơn, vàng thì tăng giá phi mã.
Con tôi chẳng hiểu cho bố mẹ thì thôi, đằng này cứ suốt ngày oán trách. Mỗi lần tôi gọi điện bảo về chơi với bố mẹ, chúng lại tỏ thái độ dửng dưng. Có hôm, con út nhà tôi còn nói thẳng:
“Mẹ đi mà gọi ông Hùng ấy. Bố mẹ thiên vị với ông ấy như thế, mai này có gì cứ gọi ông ấy đầu tiên. Gọi con làm gì nữa”.
Là người làm mẹ, nghe con nó nói vậy mà tôi không khỏi xót xa. Tôi nuôi dạy con cũng chỉ mong chúng nên người chứ nào có muốn nó đặt tiền lên trên hết như vậy? Thế rồi chuyện bắt đầu chỉ vì một ngôi nhà mọi người ạ. Sau nhiều năm kết hôn, vợ chồng tôi cũng tích góp để mua được một căn nhà mặt đường ngoài căn nhà đang ở. Chúng tôi dự định sẽ để dành căn nhà ấy làm vốn dưỡng già nên trước đó không hứa hẹn cho đứa con trai nào cả. Mặc dù khi cần, đứa nào cũng nhìn vào ngôi nhà đó rồi lại về tỉ tê xin bố mẹ bán để cho tiền.
Nhưng người tính không bằng trời tính, năm ấy, chồng tôi ốm nặng. Khi ấy, chúng tôi cứ ra vào bệnh viện triền miên. Thấy bố ốm nặng, 3 đứa con trai tôi chẳng động viên hay về chăm được bữa nào thì thôi, còn ép bố phải làm di chúc để lại căn nhà ấy. Chồng tôi nhìn các con cãi nhau vì một ngôi nhà, ông ấy thất vọng lắm. Thành ra trước lúc mất, ông ấy đã dặn tôi và cũng tuyên bố luôn với các con:
“Cái căn nhà mà bố mẹ để dưỡng già sẽ không cho đứa nào cả. Mai kia mẹ cần thì bán đi. Còn không thì sau này sẽ làm từ thiện. Bố mẹ nuôi chúng mày khôn lớn, chẳng lẽ không đứa nào tự lo được thân mình hay sao mà cứ nhìn vào cái nhà đấy?”.
Chồng tôi vừa nói dứt lời, mấy đứa con đã cãi nhau rồi bỏ ra ngoài, mặc cho bố đang hấp hối. Cuối cùng, chồng tôi cũng đi mà không nhắm mắt. Ông ấy lo rằng khi chỉ có mình tôi ở lại, mấy đứa con sẽ tạo áp lực để lấy nốt phần tài sản ấy.
Mà đúng là như vậy, buồn lắm mọi người ạ, chồng tôi đi được 7 năm rồi. Kể từ đó đến giờ, số lần các con tôi về chơi với mẹ đếm trên đầu ngón tay. Khi nào có công việc phải về quê, tiện đường thì chúng mới ghé thăm mẹ. Hoặc nếu không thì tôi cũng phải ốm đau nằm viện, không nhờ cậy được ai, anh em chúng mới miễn cưỡng về vài hôm. Lần nào về nhà, chúng cũng hỏi tôi đã nghĩ kỹ chuyện căn nhà kia chưa. Khi tôi nói sẽ làm theo ý chồng, chúng tỏ thái độ chống đối ra mặt. Nói ra thì mọi người kiểu gì cũng chê cười, nhưng suốt 7 năm nay, cả 3 đứa con tôi không về làm giỗ bố dù chỉ một lần. Gọi điện bảo về, chúng chỉ nói bố xem chúng như người dưng nên giờ ông mất rồi, chúng cũng chẳng thiết về nữa. Tôi không biết mai này khi mình khuất núi, các con sẽ đối xử như thế nào. Nhưng nhìn cách mà chúng ăn ở bao lâu nay, có lẽ phần cuối đời của tôi rồi cũng sẽ là một câu chuyện bất hạnh mà thôi.