Qua giờ cộng đồng mạng diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về cái chuyện có được từ chối tiêm vắc-xin hay là không khi đọc được thông tin rằng việc không tiêm vắc-xin hay cản trở quyền tiêm của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Thật ra chuyện lưỡng lự có nên tiêm vắc-xin ngừa ‘cô vi’ hay là không xuất phát từ tin 500.000 liều vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc về Việt Nam, rồi sau đó một công ty được Bộ Y tế cấp phép nhập 5 triệu liều vắc-xin này về và 1 triệu/5 triệu liều đó được phân bổ tại TP.HCM.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Khỏi phải nói, chưa kịp nghe rõ thông tin về loại vắc-xin này, một số người đã muốn thoái lui chuyện tiêm vắc-xin dù trước đó rất hồ hởi, muốn được tiêm để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Suy cho cùng chúng ta cần nhìn nhận khách quan và công tâm rằng đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã cấp phép cho 6 loại vắc-xin được sử dụng tại Việt Nam bao gồm: Pfizer, AstraZeneca, Moderna, Sputik V, Sinopharm và Janssen (theo thông tin cập nhật từ Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế).

Em biết vấn đề nhiều người vẫn đang hoang mang hiện giờ đó là loại vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc có hiệu quả như thế nào và đến đâu?

Theo em tìm hiểu trên trang thông tin của New York Times thì Trung Quốc có 4 loại vắc-xin gồm Sinovac, Sinopharm Bejing (Bắc Kinh), Sinopharm Wuhan (Vũ Hán) và Casino. Tuy nhiên chỉ có 2 loại được WHO công nhận là Sinovac và Sinopharm Bejing (Bắc Kinh).

Về hiệu quả của loại Sinovac là 50,65% khi thử nghiệm tại Brazil và 83,5% khi thử nghiệm tại Thổ Nhĩ Kỳ, được WHO duyệt ngày 01/6/2021. Hiện có 36 quốc gia tiêm chủng, trong đó có 7 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Đông Timor. Riêng Malaysia đã ngừng sử dụng.

Còn đối với loại Sinopharm Bejing (Bắc Kinh) thì được WHO phê duyệt ngày 07/5/2021 với hiệu quả đến 78,1%. Hiện có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ phê duyệt và đưa vào sử dụng. Trong đó có Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Brunei và Việt Nam.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC. 

Và lưu ý rằng, nhập về Việt Nam là loại vắc-xin Sinopharm Bejing (Bắc Kinh), có hiệu quả cao nhất trong 2 loại nêu trên theo đánh giá của WHO.

Vắc-xin Sinopharm Beijing của Trung Quốc được cho là một trong những loại vắc-xin ngừa ‘cô vi’ phổ biến. Theo WHO, không có vắc-xin nào đảm bảo an toàn và hiệu quả 100%. Và theo tiêu chuẩn chung thì vắc-xin có hiệu quả trên 50% đã có thể sử dụng được.

Đứng trước bối cảnh tình hình ‘cô vi’ diễn biến phức tạp thì hiệu quả đáng quan tâm của vắc-xin nhất vẫn là để ngừa bệnh trở nặng và làm giảm mức độ lây lan sau tiêm.

Nãy giờ em nói sơ qua vấn đề về vắc-xin của Trung Quốc để bà con hiểu rõ về tính hiệu quả của loại vắc-xin mà bà con đang hoang mang. Rồi giờ đi thẳng vào vấn đề là người dân có quyền từ chối tiêm vắc-xin hay không?

Có một số vấn đề bà con cần nắm rõ quy định như sau theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007:

- Mọi người có quyền sử dụng vắc-xin để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

- Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích công dân tự nguyện sử dụng vắc-xin.

Tuy nhiên, đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc-xin đối với các bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh.

Ngoài ra, sẽ miễn phí sử dụng vắc-xin bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch...

Đi đôi với quy định bắt buộc là chế tài nếu không thực hiện, cụ thể Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc-xin trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. 

Theo báo Thanh Niên em đọc được, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết hiện đã có quy định bắt buộc một số tình huống. Tùy tình hình thực tiễn và yêu cầu chống dịch mà cơ quan có thẩm quyền ban hành thì mới bắt buộc và khi đó mới xử phạt. Bà con nắm rõ để yên tâm nha. 

Nhưng theo ý kiến nhiều chuyên gia y tế cho biết, Việt Nam cần bao phủ vắc-xin ngừa ‘cô vi’ đến 70% dân số, để cuộc sống mới có thể trở lại bình thường. Do đó, tiêm vắc-xin là quyền và nghĩa vụ. Các vắc-xin được cấp phép đều an toàn và hiệu quả, ngay cả khi không đảm bảo hiệu quả 100% cho người đã tiêm có kháng thể, nhưng tất cả đều giảm tình trạng nặng và giảm nguy cơ qua đời nếu nhiễm bệnh.

Mới đây nhất, em đọc được trên báo Tuổi trẻ, trong buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP. HCM, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, hiện thành phố tổ chức tiêm trên tinh thần tự nguyện, ai đồng ý tiêm thì sẽ được tiêm. Đồng thời, hiện vắc-xin Sinopharm đang trong quá trình kiểm định nên chưa được đưa vào tiêm trong đợt 6 này. Thế nên bà con cũng đừng quá lo lắng nha.

Vậy nên để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, bà con nên đăng ký tiêm sớm nhất có thể nha. Dự kiến sắp tới, một số nước trên thế giới và có cả Việt Nam sẽ áp dụng hộ chiếu vắc-xin, người chưa đăng ký tiêm có thể sẽ bị hạn chế, nhất là việc đi lại, du lịch giữa các nước.