Các loại thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương 

Mục đích điều trị dậy thì sớm là ức chế trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục, làm chậm sự phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát, làm chậm sự phát triển tuổi xương và quan trọng là cải thiện chiều cao ở tuổi trưởng thành. Nếu điều trị có hiệu quả, sự phát triển vú, tinh hoàn giảm đi, kinh nguyệt chấm dứt và tốc độ phát triển chiều cao cũng như phát triển tuổi xương giảm đi tương đương với giai đoạn trước dậy thì.  

Đối với hầu hết các trẻ dậy thì sớm trung ương, lựa chọn điều trị đầu tay là các thuốc có bản chất tương tự như một loại hormon do vùng ở trên não tiết ra (gọi là vùng hạ đồi). Chất này có tên gọi là chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRH agonist - aGnRH).  

Hiện tại, có nhiều chế phẩm đồng vận GnRH đã được phê duyệt  để dùng trong điều trị dậy thì sớm như: leuprolide, triptorelin, histrelin… Ở Việt Nam hiện nay, chế phẩm triptorelin thường được sử dụng nhiều nhất.  

hình ảnh
Hình. Thuốc điều trị dậy thì sớm chủ yếu ở dạng tiêm bắp 

Tác dụng của triptorelin trên quá trình dậy thì sớm 

Trẻ dậy thì sớm sau khi tiêm triptorelin sẽ có 2 giai đoạn đáp ứng: giai đoạn đầu, kích thích tuyến yên tiết ra hormon hướng sinh dục gọi là Gonadotropin. Lúc này các dấu hiệu của dậy thì sớm có thể tăng biểu hiện, một số trẻ có thể xuất hiện kinh nguyệt. Tuy nhiên trong giai đoạn sau, có hiện tượng điều hòa xuống việc tiết Gonadotropin. Từ đó ức chế hiện tượng dậy thì sớm.  

Lợi ích khi sử dụng triptorelin ở trẻ dậy thì sớm 

Ảnh hưởng đến chiều cao là vấn đề nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm khi con mình được chẩn đoán dậy thì sớm. Triptorelin có hiệu quả trong việc giảm tốc độ tăng trưởng chiều cao, giảm tốc độ phát triển tuổi xương. Từ đó giúp trẻ đạt được chiều cao bình thường sau khi trưởng thành. Hiệu quả này đạt được tối ưu khi thuốc được sử dụng trước 6 tuổi ở trẻ gái (cải thiện chiều cao 9 – 10 cm) và ở trẻ trai khoảng 7,6 tuổi (cải thiện chiều cao khoảng 6,2  cm ). Bên cạnh đó, triptorelin còn làm chậm tiến triển của quá trình dậy thì: ở trẻ gái sẽ ngưng kinh nguyệt và quá trình rụng trứng, giảm kích thước ngực, rụng bớt lông mu. Ở trẻ trai, kích thước tinh hoàn và dương vật nhỏ lại, giảm lông mu và ria mép.  

Tác dụng không mong muốn của triptorelin 

Tác dụng phụ của triptorelin là không thường gặp. Phổ biến nhất là đau sau tiêm và có cải thiện với thuốc giảm đau. Nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm thuốc, đau đầu, đau bụng có thể xảy ra nhưng ít gặp. Phản ứng phản vệ với các thành phần thuốc rất hiếm gặp. Giảm mật độ xương trong quá trình điều trị thuốc đã được ghi nhận, nhưng hồi phục hoàn toàn sau khi kết thúc điều trị. Một vài trường hợp trẻ ra huyết âm đạo, căng tức ngực sau vài tuần điều trị. Tình trạng này thường tự cải thiện. Triptorelin không gây ra béo phì hoặc làm nặng thêm tình trạng béo phì ở tuổi trưởng thành. Đồng thời thuốc không làm tăng nguy cơ hội chứng buồng trứng đa năng ở trẻ gái. 

Sử dụng triptoprelin như thế nào? 

Triptorelin có 2 dạng hàm lượng là triptorelin 3,75 mg và triptoprelin 11,25 mg. 

Thuốc được chỉ định bởi bác sỹ chuyên khoa. Thuốc sẽ được tiêm bắp sâu mỗi 4 tuần với triptorelin 3,75 mg và mỗi 3 tháng với triptorelin 11,25 mg. Trong quá trình điều trị, trẻ cần tuân thủ đúng thời gian  để đạt được hiệu quả tối ưu.  

Điều trị triptorelin đến khi nào? 

Ngưng điều trị khi trẻ đạt đến tuổi dậy thì bình thường. Ở trẻ gái 10 – 11 tuổi,  trẻ trai 11 – 12 tuổi và tuổi xương là khoảng 12 – 13 tuổi. Quyết định ngừng điều trị sẽ được các bác sĩ thảo luận kỹ  với phụ huynh, cân nhắc mong muốn của phụ huynh, ngưng điều trị khi trẻ đạt được tuổi dậy thì bình thường như các bạn đồng trang lứa.  

Sử dụng triptorelin trong điều trị dậy thì sớm trung ương là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên cha mẹ cần đưa trẻ đến chuyên khoa Nội Tiết Nhi để được bác sĩ tư vấn, can thiệp và theo dõi trong quá trình điều trị. Tránh tình trạng tự ý sử dụng thuốc sẽ gây hậu quả khó lường cho trẻ và tốn kém chi phí. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. https://www.uptodate.com/contents/treatment-of-precocious-puberty  

  1. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh (2017), “Giá trị của nghiệm pháp kích thích Gonadotropin trong chẩn đoán dậy thì sớm trung ương”, Luận án tiến sĩ y khoa 

  1. Fuqua John S. (2013),"Treatment and Outcomes of Precocious Puberty: An Update". The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, 98 (6), pp. 2198-2207. 

  1. Mul D, Bertelloni S, Carel JC, Saggese G, Chaussain JL, Oostdijk W. Effect of gonadotropin-releasing hormone agonist treatment in boys with central precocious puberty: final height results. Horm Res. 2002;58(1):1-7. doi: 10.1159/000063209. PubMed PMID: 12169774. 

  1. Carel JC, Eugster EA, Rogol A, Ghizzoni L, Palment MR, Antoniazzi F, et al (2009). “Consensus statement on the use of gonadotropin – releasing hormone analogs in children”, Pediatrics, 123, e752-762.