Trẻ dưới 5 tuổi là F0 mẹ càng đặc biệt cần theo dõi cẩn thận để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Theo các chuyên gia, đa phần trẻ nhỏ khi là F0 thường chỉ xuất hiện các triệu chứng thể nhẹ, có trẻ còn không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là các mẹ chủ quan, lơ là trong việc theo dõi khi con bị Cô Vi “ghé thăm”. Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi lại càng là nhóm đối tượng cần đặc biệt theo dõi cẩn thận hơn bao giờ hết khi là F0 điều trị tại nhà. Ở độ tuổi này, đôi khi các con còn ham chơi hoặc chưa thể ý thức rõ được mức độ nguy hiểm của bệnh dịch hay các dấu hiệu báo động đối với sức khỏe. Thế nên con rất cần bố mẹ ở bên cạnh theo sát và xử trí kịp thời nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Dưới đây là những thứ mẹ cần chú ý theo dõi khi chăm sóc con là F0 dưới 5 tuổi tại nhà, chị em tham khảo và ghi nhớ nhé.

Chỉ số Sp02, nhiệt độ cơ thể

Khi con là F0, chỉ số Sp02 cùng nhiệt độ là những thứ quan trọng cần được mẹ quan sát, theo kỹ lưỡng đều đặn mỗi ngày. Nhiều người rất chủ quan khi thấy con trông vẫn khỏe mạnh, không có gì bất thường nên chẳng thèm theo dõi Sp02 và nhiệt độ cho con. Đây chính là quan điểm vô cùng sai lầm.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Childrens

Mỗi ngày, mẹ nên đều đặn theo dõi nhiệt độ cũng như chỉ số Sp02 cho trẻ ít nhất là 2 lần. Nếu trẻ bị sốt, hãy tìm cách hạ sốt cho con, với trường hợp sốt cao  trên 38,5 độ liên tục không hạ dù đã sử dụng các biện pháp hạ sốt hoặc chỉ số Sp02 < 96, mẹ cần ngay lập tức báo với bác sĩ hoặc đưa con đến những trung tâm y tế, bệnh viện gần nhất để xử lý kịp thời, nhanh chóng.

Các dấu hiệu bất thường bên ngoài

Mẹ hoàn toàn có thể đoán được liệu con có đang ổn hay không thông qua các dấu hiệu sinh hoạt thường ngày. Những thứ cần quan sát chính là m àu da, niêm mạc, tinh thần của trẻ. Một số dấu hiệu bên ngoài bất thường mẹ nên lưu ý để đưa con đến viện kịp thời như trẻ quấy khóc dai dẳng, bỏ ti, ăn kém, có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, li bì, co giật, không chơi, không hóng chuyện, nôn mọi thứ khi ăn, các dấu hiệu mất nước (mắt trũng, môi se, tiểu ít),…

Các dấu hiệu thở bất thường

Các dấu hiệu thở cũng là vấn đề quan trọng cần được theo dõi kỹ với trẻ nhỏ mắc Cô Vi. Trẻ thở nhanh hơn so với độ tuổi (dưới 2 tháng thở từ 60 lần/phút trở lên; 2 – 12 tháng thở 50 lần/phút trở lên; 12 – 5 tuổi từ 40 lần/phút trở lên), khó thở, thở phập phồng, tím tái, co kéo hõm ức,… đều là các dấu hiệu thở không bình thường và cần can thiệp ngay đê đảm bảo an toàn cho con.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Shieldhealthcare

Ngoài ra, nếu trẻ cùng lúc là F0 và mắc thêm các căn bệnh nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng,… hoặc có thêm các biểu hiện mẹ cho là bất thường khác thì cũng nên báo với bác sĩ hoặc đưa con đến viện. Quá chủ quan khi trẻ nhỏ mắc Cô Vi có thể là một sai lầm dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng, do đó, tốt nhất các bố mẹ cũng phải hết sức cẩn thận.

Ngay cả sau khi trẻ đã âm tính, bố mẹ cũng không nên chủ quan mà hãy tiếp tục theo dõi con trong khoảng vài tuần hoặc có thể là tận vài tháng sau đó. Khoảng thời gian này trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện di chứng hậu Cô Vi không thể đoán trước, do đó, việc quan sát con mỗi ngày để đưa trẻ đi thăm khám kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng, mất bình tĩnh vì không phải trẻ nào sau khi là F0 cũng sẽ mắc di chứng hậu Cô Vi. Chỉ cần quan sát kỹ càng, không lơ là chủ quan và xử lý vấn đề đúng cách thì đã có thể tạm yên tâm rồi ạ.