Khi nhắc tới cụm từ “gap year”, nhiều người sẽ cảm thấy khái niệm này sao xa lạ quá. Nhưng với các bạn trẻ Việt Nam, họ đã biết tới rất nhiều. Chỉ có điều, không phải ai cũng dám mạo hiểm.

Gap year – theo định nghĩa thông thường, nghĩa là bạn sẽ dừng học 1 năm trong 4-5 năm học Đại Học để theo đuổi niềm đam mê của mình hoặc tăng thêm vốn sống như học Tiếng Anh, đi làm thêm, hoặc du lịch trải nghiệm. Nghĩa là, bạn sẽ tốt nghiệp chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Đầu tiên, hãy đến với câu chuyện của bạn Trần Minh Bạch – nam sinh vừa trở thành tân sinh viên của một trường đại học quốc tế ở TP. HCM nhưng xin bố mẹ nhập học muộn một năm để đầu tư thêm cho tiếng Anh và các kỹ năng khác mới yên tâm theo được chương trình.

 "Học phí của trường khoảng 320 triệu đồng một năm, gấp 10-20 lần học phí các đại học công lập nên mình rất do dự, sợ không theo được phải bỏ học giữa chừng. Nhưng mình cũng muốn dùng thời gian này để suy nghĩ xem thực sự thích gì", chàng tân sinh viên kể.

hình ảnh

Minh Bạch xin mẹ cha 1 năm gap year để đi làm thêm, trau dồi tiếng Anh (Ảnh: VNE)

Còn với bạn Hoàng Trí Dũng lại thấy hoang mang với những gì đang được học nên quyết định tạm dừng năm 2018, khi đang là sinh viên năm hai Đại học Ngoại thương Hà Nội. "Mình 'cúp học' là muốn dành thời gian để tìm ra điều mình giỏi, điều mình thích làm và trải nghiệm những công việc mới, vùng đất mới mà chưa có được khi đi học", Dũng chia sẻ.

Minh Bạch và Trí Dũng là hai trong số những người Việt đi theo trào lưu gap year vốn rất thịnh hành trong giới trẻ phương Tây. Ở Mỹ, chỉ tính riêng năm 2020, khoảng 20% sinh viên của ĐH Harvard quyết định xin bảo lưu để gap year, gấp 3 lần các năm trước.

Để gap year, hầu hết các bạn trẻ đều phải vượt qua cản trở của gia đình. Ban đầu bố mẹ Minh Bạch không đồng ý lựa chọn của con với nhiều lý do như "ở nhà nhàn rỗi lông bông sinh hư", "Có ai làm như vậy đâu"... Chàng trai đã mất nhiều ngày thuyết phục.

Còn Trí Dũng biết bố mẹ sẽ không ủng hộ, nên khi thông báo sẽ nghỉ học cũng đồng thời xin "cắt viện trợ". Trong ví chỉ còn 70.000 đồng, chàng trai quê Hải Phòng phải xin cơm nguội của một số người bạn nhà Hà Nội, số tiền dành mua nước. Lúc này Dũng biết rằng phải "sống trước khi nói đến đam mê".

hình ảnh

Lúc bắt đầu gap year, Trí Dũng chỉ có 70 ngàn trong túi (Ảnh: VNE)

Trong một năm nghỉ, Minh Bạch đặt mục tiêu phải học thêm tiếng Anh để đạt IELTS 6.5. Cậu đi làm thêm ở quán cà phê và bán giày, quần áo nên không phải xin tiền bố mẹ. "Nhờ có mục tiêu rõ ràng nên mình chưa bao giờ thấy lạc lối. Mình học được sự nhẫn nại khi đi làm. Điều mình tự hào nhất là quen biết được nhiều người tài giỏi để học hỏi", chàng trai cho biết.

Với Trí Dũng, kể từ lúc gap year với 70.000 đồng, cậu đã ngụp lặn trên mạng tìm được công việc biên dịch tiếng Anh. Từ năm 2019, Dũng làm sales cho công ty giáo dục nước ngoài, sales ôtô, bảo hiểm. Từ mức thu nhập ban đầu 2 triệu đồng mỗi tháng, cuối năm 2020 chàng trai gây xôn xao mạng xã hội khi cán mức thu nhập 5.200 USD một tháng.

Trải qua cả chục công việc khác nhau, Hoàng Trí Dũng thấy rằng chỉ có lăn xả vào thực tế mới học hỏi được nhanh. Càng đi làm Dũng càng có thôi thúc phải học nhiều hơn. Năm ngoái, cậu đã quay lại trường hoàn thành các chứng chỉ để tốt nghiệp.

Hiện tại, chàng trai vẫn dành 3-4 tiếng mỗi ngày học kiến thức mới. Hiện chàng trai 23 tuổi là người sáng lập và CEO của một công ty tuyển dụng và hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. "Sau tất cả, gap year với mình không phải là khoảng lặng mà là thời gian chuẩn bị bàn đạp trước khi tăng tốc. ", chàng CEO trẻ tuổi nói.

hình ảnh

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ biết tới gap year nhưng không phải ai cũng thích hoặc đủ can đảm để thực hiện. Lợi ích của gap year thì có rất nhiều. Ví dụ, một năm gap year sẽ đem đến cho bạn những bài học không hề được dạy trên giảng đường.

Ngoài ra, gap year cũng là thời gian để bạn tìm hiểu thêm về bản thân, khám phá xem điều gì thúc đẩy và truyền cảm hứng cho bạn, cũng như phát triển sự tự tin. Cho dù bạn đang hoạt động tình nguyện, làm việc, học tập hay chỉ đi du lịch, bạn nhất định sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị.

Một năm gap year sẽ đẩy bạn ra khỏi vùng an toàn vốn có và các hoạt động hàng ngày của mình, có thêm nhiều mối quan hệ khác nhau. Và biết đâu những mối quan hệ đó sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội tuyệt vời khác, có thể sẽ giúp bạn tìm được cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đặc biệt, CV của bạn có thể sẽ gây ấn tượng mạnh với các nhà tuyển dụng trong tương lai.

Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt, khi bạn quyết định dành một năm để gap year, nếu không đủ nghị lực thực hiện kế hoạch đặt ra, thì sẽ xôi hỏng bỏng không. Thực tế, có nhiều bạn trẻ nghĩ xa lắm, như học tiếng Anh, Tin học, đi du lịch, nhưng thực tế là họ đã dành cả năm chỉ để xem phim, chơi game, đọc truyện hoặc nằm dài cả ngày.

Đối với nhiều người, đây có thể là một cảm giác tiêu cực rất khó vượt qua. Khi bạn chứng kiến bạn bè của mình ngay lập tức chuyển sang học đại học, hoặc đồng nghiệp của bạn đang dần thăng tiến trong sự nghiệp, bạn có thể cảm thấy mình đang bị "tụt hậu" so với họ.

Thậm chí, bạn có thể bị thương hoặc đau ốm trong khi đi du lịch, hết tiền hoặc cạn kiệt ngân sách cho năm gap year, hay bạn có thể thất vọng khi trở về vì đơn giản nhận ra rằng trải nghiệm của mình không “long lanh” như điều mà bạn đã mong chờ.

Suy cho cùng, gap year là "con dao hai lưỡi", người dùng nó phát triển bản thân thì là cơ hội, người dùng như một cái cớ để nghỉ học là nguy cơ, hậu quả không khám phá được gì lại mất động lực. Và gap year không phải là bỏ học mà là tạm dừng. Sau tạm dừng bạn hãy quay lại, còn nếu không thì mất mát sẽ rất nhiều.

Nguồn: VNE