Ở độ tuổi 20, trong khi nhiều người trẻ đang còn chật vật ở chốn công sở nơi đô thị thì chàng trai tên Lê Kiệt đã mạnh dạn lên Lâm Đồng xây trang trại, muốn lập nghiệp và có cuộc sống thuận tự nhiên.

Nhưng đời không như là mơ, Kiên làm ngày quần quật 10 tiếng, nhưng sản lượng chỉ bằng 1/7 hàng xóm sử dụng thuốc hóa học. Với hơn 100 gốc sầu riêng tại vườn, trong khi nhà khác thu tiền tỷ, Kiệt chỉ thu về 300 triệu đồng. Anh và bạn bị chủ vườn đòi lại đất, đuổi đi.

Thời điểm đó, Lê Kiệt đã có người yêu tên Thu Trang, đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Kiệt từng rủ người yêu về vườn cùng mình nhưng cô chỉ ghé chơi vài hôm rồi đi. "Lúc đó tôi thấy mơ hồ lắm, không biết rõ anh đang làm gì. Thời điểm 5 năm trước có mấy ai rời phố về vườn đâu, đã vậy làm quá trời mà còn không đủ ăn nữa", Trang nhớ lại.

hình ảnh

Đôi bạn trẻ gặp nhiều khó khăn khi mới bắt tay xây dựng sự nghiệp (Ảnh: VNE)

Tháng 4/2019, Kiệt vay nợ, mua mảnh đất nằm trên một ngọn đồi phía tây nam thành phố Đà Lạt, khu vực chưa có điện, nước. Lúc này, Trang không phản đối nữa, thậm chí còn khẳng định: "Em sẽ về cùng anh".

Vậy là trên diện tích gần 1 hecta, chàng trai cùng cô gái mỗi ngày kéo hàng chục bao phân chuồng rải đều các hố, cắt cỏ đắp lên gốc để giữ nước cho cây. Anh cũng chia đất thành những mảnh nhỏ, chọn trồng cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Đà Lạt như cà phê, bơ, chuối...

Thời điểm đó, cả Kiên và Trang sống như người rừng, không điện không nước. Anh chàng quyết định lên mạng học cách xây nhà đất để tiết kiệm chi phí. Có những hôm dựng nhà mất mười mấy tiếng, tối đến họ vẫn bật đèn flash điện thoại đến đêm để cắt khoai lang bán. Nhiều lúc quá cực khổ, Trang ôm mặt khóc.

Một hôm người yêu không có nhà, Kiệt phải tự nấu ăn. Nhưng theo lời anh nói là "y hệt như cám lợn". Đưa miếng cơm lên miệng, chàng trai từng kiếm được 40 triệu đồng mỗi tháng từ buôn bán bất giác ứa nước mắt: "Tại sao một thằng chẳng có gì như mình lại được người yêu tin tưởng đến thế?". Đặt câu hỏi với Trang, cô cười khẽ: "Thấy anh cứ cặm cụi nỗ lực, em cũng dần tin vào giấc mơ của anh".

Hiển Mai, một người bạn từng giúp đôi trẻ dựng nhà chia sẻ, Kiệt là người kiên trì nhất anh từng gặp trong đời. Anh phụ Kiệt làm hồ nước trong nông trại để chứa nước và nuôi vịt. Vì chưa có kinh nghiệm nên cứ đổ nước vào là hồ lại nứt nhưng Kiệt vẫn kiên trì tháo nước ra, trám lại rồi đổ nước vào 5 lần thì mọi việc mới ổn.

hình ảnh

Dù người yêu nhiều lần thất bại, Trang vẫn luôn chọn cách đồng hành (Ảnh: VNE)

"Nếu là tôi thì tôi đã gọi thợ đến xây lại", Hiển Mai nói, "Đó chính là cách mà Kiệt xây dựng được bếp đất, nhà đất và chính cả cuộc đời mình". Gần nửa năm làm việc quần quật, cả hai đã hoàn thành được căn nhà hai tầng cao 4m, rộng 50m2. Mặt tiền hướng Đông Nam, nhìn ra khu vườn của gia đình và quả đồi xanh mướt. Tổng chi phí nguyên vật liệu xây nhà chỉ 30 triệu đồng.

Sau khi xây nhà đất, Kiên tiếp tục xây căn bếp bằng đất. Trải qua 8 lần thất bại, đến lần thứ 9 Kiên mới hoàn thành chiếc bếp đất 3 ngăn không khói, thân thiện với môi trường. Sau khi đăng tải lên trang cá nhân, nhiều người thích thú vào đặt hàng. Từ ngày đó, chàng trai quê Bình Dương kiêm thêm nghề mới là sản xuất và bán bếp đất.

Từ khi có nhà mới, nhiều người muốn nhờ Kiệt xây nhà giúp. "Chỉ có người hạnh phúc mới xây được ngôi nhà hạnh phúc như thế", câu nói của một khách hàng khiến người đàn ông này thêm tự tin. Căn nhà cho khách được hoàn thành trong 2 tháng, Kiệt cũng tự học thêm bản vẽ để hiểu thêm về cấu trúc, chuẩn bị xây thêm 11 căn nữa trong năm 2021.

Từ số tiền bán bếp, nông sản và đắp nhà đất, chàng trai này vừa tậu thêm được mảnh đất rộng 6.000 m2 đầy đủ điện nước ở Bảo Lâm, Lâm Đồng để tiếp tục làm vườn rừng. Giữa tháng 10 vừa qua, Kiệt và Trang chính thức tổ chức hôn lễ.

hình ảnh

Đôi trẻ đã kết hôn sau những ngày gian khó (Ảnh: VNE)

Có lẽ khi biết đến câu chuyện này, nhiều người sẽ cảm thấy ý chí của đôi bạn trẻ quá sức phi thường. Một bên là chàng trai đầy kiên định, vấp ngã biết bao nhiêu lần, thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Nhưng anh chàng vẫn kiên trì với ý tưởng của mình, chưa bao giờ nản chí hay bỏ cuộc.

Gặp người khác, họ đã quay trở lại thành thị từ lâu. Bởi như lời Lê Kiệt đã kể, mỗi tháng thu nhập của anh nơi phố hội trên dưới 40 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ, thậm chí là mức lương ao ước của bao người.

Nhưng anh vẫn từ bỏ tất cả chỉ vì quá yêu thiên nhiên, mê mẩn một cuộc sống trong lành. Sáng ra, có tiếng chim hót líu lo, có vườn rau xanh mát. Đêm mùa hè có tiếng ve kêu và tối mùa đông có thể cùng với người thương uống trà tản bộ.

Và rồi, nể Kiên bao nhiêu lại khâm phục Trang – người yêu (bây giờ đã là vợ) của anh bấy nhiêu. Gặp đôi tình nhân khác, chắc bạn nữ đã bỏ chạy thật xa vì chẳng ai có thể tin được “nửa kia” của mình có thể thành công sau hàng chục lần vấp ngã. Mà lần ngã nào, cũng trả giá bằng tiền mặt – rất nhiều.

Đôi khi, tính cách của một người không phụ thuộc vào bản chất mà lại phụ thuộc vào thành công. Nói dễ hiểu hơn, nếu Kiên thành công làm giàu, người ta gọi anh là kiên trì, dũng cảm. Nhưng nếu anh cứ mãi thất bại, chắc chắn anh sẽ bị gọi là cố chấp, đèo bồng, hay tệ hơn chút là “gã khùng”.

Tuy nhiên, chỉ có Trang mới hiểu, người cô yêu mạnh mẽ như thế nào. Mặc miệng đời nói vào nói ra, cô gái trẻ vẫn tin rằng Kiên sẽ tìm được hướng đi đúng đắn, bởi con người của anh học được từ thất bại, biết mình ở đâu và cần làm gì.

Sau cùng, một cái kết có hậu và đẹp tuyệt vời đã mở ra. Kiên và Trang về chung một nhà sau những năm tháng đầy thử thách, hơn cả người yêu, hơn cả bạn đời, họ là tri kỷ, bởi thế giới này Kiên sẽ không bao giờ tìm được một cô gái ủng hộ hết mình như Trang và Trang cũng sẽ không thấy ai đủ mạnh mẽ như Kiên để làm chỗ dựa.

hình ảnh

Một góc nhìn khác từ căn nhà đất của đôi vợ chồng trẻ (Ảnh: VNE)

Tuy nhiên, ở quan điểm cá nhân, em không khuyến khích các bạn trẻ kiên trì như Kiên, bởi bỏ phố về quê phải biết mình biết ta mới trăm trận trăm thắng. Không phải ai cũng đủ dũng cảm và có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ đến mức thất bại hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Từ giàu có chuyển về bình thường, từ bình thường quay sang nợ nần, rồi nợ nần là con dao có thể hại đời thanh xuân, tuổi trẻ.

Và về quê, không phải ai cũng có khiếu làm nông, kể cả Kiên – một chàng trai đầy kiên định như cái tên của anh. Kiên thành công, Kiên tạm ổn bởi trong quá trình học hỏi, anh phát hiện mình có tố chất làm nhà đất – một mô hình độc đáo ở vùng núi. Suy cho cùng, anh vẫn giỏi ở mảng kinh doanh.

Vậy nên các bạn trẻ muốn như Kiên, hãy tỉnh táo nhìn lại thế mạnh của mình. Về quê sẽ làm gì và làm được gì. Đừng ngẫu hứng bỏ tất cả, đừng liều lĩnh đưa hết tài sản của mẹ cha ra phá. Bởi đến lúc muốn ân hận cũng đã muộn màng.

Nguồn: VNE