Sau những ngày tháng cam go vì covid, Sài Gòn đã dần trở lại với cuộc sống bình thường mới. Tuy nhiên, bên cạnh những người sẵn sàng thích nghi để đi làm, đi chơi, gặp gỡ mọi người thì cũng có một bộ phận không nhỏ 'chỉ trốn' trong nhà vì họ luôn có tâm lý lo sợ sẽ bị nhiễm bệnh khi đi ra ngoài.

Trên phương diện chống dịch, nhiều người nghĩ như thế là tốt. Thế nhưng nếu tâm lý 'hang động' này kéo dài và nâng cao một cách quá mức thì đó có thể là những dấu hiệu bất ổn tâm lý, thậm chí là trầm cảm cần được điều trị của rất nhiều người hiện nay.

Thông tin này mình đọc được trên báo Thanh niên online và có lẽ mỗi chúng ta đều có thấy nhận ra mình hoặc hình bóng của những người xung quanh mình trong chính bài báo này. Nội dung cụ thể mình chia sẻ ở bên dưới để mọi người tiện theo dõi nhé.

hình ảnh

Nhiều người Sài Gòn đã trở lại cuộc sống bình thường mới nhưng cũng có người thì không. Ảnh: Thanh Niên

Rất nhiều người Sài Gòn bây giờ ngại ra đường vì sợ ‘trên dòng đời tấp nập, ta vô tình va phải F0’

Đó thực sự là tâm lý của chị C (đường Bình Lợi, P.13, Quận Bình Thạnh). Từ khi làn sóng thứ 4 bùng phát tại TP. HCM, chị mất việc và kẹt lại thành phố cùng một người bạn trong căn phòng trọ nhỏ chỉ chừng 40m2.

Suốt thời gian giãn cách, mọi sinh hoạt của chị đều gói dọn trong căn phòng này. Bằng mọi giá, chị quyết tâm giữ mình để bản thân không nhiễm.

Tưởng đâu cuộc sống của chị sẽ thoải mái hơn khi thành phố hết giãn cách. Thế nhưng, khi nới lỏng, nhiều người ra đường để ăn uống, làm việc, vui chơi thì chị C vẫn không dám bước chân ra khỏi nhà dù đã tiêm đủ 2 mũi. Chị bảo: Đã giữ mình suốt mấy tháng nay, giờ ra đường rồi bị nhiễm thì coi như công sức bao lâu nay đồ sông đổ biển. Lỡ bị nhiễm rồi thì phải tính sao đây.

Suốt 2 tháng nới lỏng giãn cách vừa qua, chị chỉ ra ngoài đúng 1 lần để làm hồ sơ công chứng giấy tờ cá nhân cho một kỳ thi tiếng Anh quan trọng. Dù sợ nhưng vì bắt buộc phải ra ngoài nên chị cũng đành chịu. Khi xong việc về nhà ‘tôi rửa tay mấy chục lần, test 2 lần xem có sao không mà vẫn chưa yên tâm’.

hình ảnh

Con ngõ bị phong tỏa khiến chị C giờ vẫn chưa hết sự ám ảnh. Ảnh: Thanh Niên

Còn lại, hàng hóa thiết yếu chị đều đặt mua online và thanh toán online để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Vừa có tâm lý ám ảnh với ‘cô vy’ mà công việc cũng không đòi hỏi chị phải tới công ty, vậy nên chị ở yên nhà cho lành. Chị bảo nhiễm ‘cô vít’ dù có được chữa khỏi thì ai biết rằng nó để lại những biến chứng lâu dài thế nào, đâu ai nói trước được điều gì đâu.

Thực ra, nhìn người ta ra ngoài đi ăn đi chơi, chị cũng… thèm. Vì vậy, đã có lần chị quyết làm liều hẹn bạn thân đi ăn. Thế mà gần giờ hẹn thì lại nhận được tin nhắn của cô bạn: ‘Ê! Tao F0 rồi’. Sững người trong vài giây, chị quyết định từ đó sẽ ở yên trong nhà.

Không phải chỉ có mình chị C, cô N.T.TH (49 tuổi, ngụ Q.7) cũng mang trong mình nỗi ám ảnh tương tự. Khi thành phố về cuộc sống bình thường mới, cô vẫn không dám ra ngoài nhiều. Thậm chí, vốn là fan của chợ truyền thống với siêu thị, giờ cô bỏ hẳn và cũng chẳng đi họp mặt bạn bè, ăn hàng nữa.

Chỉ trừ khi có việc quan trọng như đưa con đi tiêm vắc xin thì mới ra ngoài. Còn cái gì làm được ở nhà thì cứ làm. ‘Mọi người ra đường hòa nhập là sự lựa chọn của họ. Còn tôi, tôi cũng có sự lựa chọn của riêng mình. Dù có tiêm đủ 2 mũi rồi thì khi nhiễm cũng mệt lắm, đâu ai nói trước được gì’, cô TH nói.

hình ảnh

Tâm lý không dám ra đường cũng có thể là bình thường cũng có thể là mắc chứng rối loạn lo âu. Ảnh minh họa, internet

Còn với T.P (22 tuổi, trọ ở quận Bình Thạnh) vừa từ quê nhà Cà Mau lên thành phố để đăng ký khóa học tiếng Anh. Trước đó, P về quê từ hồi tháng 6 khi thành phố bắt đầu bùng phát ‘cô vít’.

Suốt thời gian ở quê, P chỉ dám ở trong nhà. Khi quay lại thành phố thì lại càng dè chừng hơn. P cũng chỉ tới trung tâm đăng ký rồi về chứ không dám ‘thò mặt ra ngoài đường’ luôn.

Bản thân P còn trẻ, không có bị bệnh nền gì và cũng đã tiêm đủ 2 mũi. Song, trong lòng P vẫn còn lơ lửng nỗi sợ mang tên ‘cô vít’, chỉ lo rằng nếu không may mình nhiễm sẽ lây cho người khác thì tội lỗi lắm.

Ngày mới lên Sài Gòn, P thấy mọi người ra đường đông quá. Mỗi lần qua chỗ đông người là trong người lại bứt rứt, ám ảnh vì sự khốc liệt của ‘cô vít’ vẫn còn đó. ‘Nếu chẳng may bị nhiễm chắc mình sốc kinh khủng, không biết tính sao’, P nói.

Chuyên gia nhận định: Có thể là tâm lý bình thường cũng có thể là bệnh

TS. Lê Minh Công (chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay: Trạng thái né tránh một số hoạt động xã hội, không muốn ra ngoài… vì sợ ‘cô vy’ là một trạng thái tâm lý bình thường. Đặc biệt là khi tiếp cận khá nhiều thông tin nguy cơ của ‘cô vít’ hàng ngày với mức độ thông tin tiêu cực cao.

hình ảnh

TS. Lê Minh Công. Ảnh: Thanh Niên

Song, nó cũng có thể là chứng ám ảnh sợ xã hội hoặc ám ảnh cưỡng chế. Nhất là người thiếu năng lực ứng phó với khủng hoảng, stress, hay những người phải cách ly y tế, người mà có người thân nhiễm hoặc ‘ra đi’, nhân viên y tế…

Theo ông Minh, chứng rối loạn này cũng có thể gây ra trẩm cảm, lo âu lan tỏa, hoảng sợ, stress hậu sang chấn, triệu chứng cơ thể hóa… Và đây cũng sẽ là vấn đề gia tăng sau đại dịch, có thể trong 1 tháng, vài tháng, 1 năm nhưng cũng có thể là đến vài năm.

Với những người quá lo âu, sợ hãi với ‘cô vít, ông cho rằng nên:

+ Với những người có trải nghiệm lo âu, sợ hãi khi đối diện với ‘cô vít’ và sợ ra ngoài mà không phải bệnh lý thì chỉ cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về nguy cơ lây nhiễm, biết cách phòng, tránh suy nghĩ tiêu cực, hạn chế theo dõi những tin tức tiêu cực, thay đổi thói quen sinh hoạt tích cực, vận động thể chất…

+ Nhưng với người mà sự lo sợ, ám ảnh khiến họ gặp nhiều khó khăn, không thể hòa nhập vào cuộc sống thì nên đi gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần ngay.

Từ những thông tin này trên báo, có thể thấy rằng dù chúng ta đã bước sang cuộc sống bình thường mới nhưng với nhiều người Sài Gòn, sự sợ hãi vẫn còn đó. Những ký ức khủng khiếp về sự bùng phát của ‘cô vít’ trước đó đến giờ vẫn bám theo họ. Vì vậy, thay vì thực sự ‘bình thường mới’, họ lựa chọn tự cách ly với xã hội để bảo vệ chính mình. Chúng ta chảng thể đánh giá họ đúng hay sai, đó là sự lựa chọn riêng. Song, dù thế nào cũng hãy học cách bảo vệ mình, bạn nhé.

Nguồn: Tổng hợp