Ngoài em nhỏ nhận được 260 triệu tiền bảo trợ của Phước đến năm 18 tuổi ra, còn có 6 sinh viên khác cũng nhận được hỗ trợ 30 triệu đồng từ số tiền các nhà hảo tâm gửi tặng Phước.

hình ảnh

Phước trước và sau khi trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Nguồn ảnh: thanhnien

Câu chuyện của nam sinh Huỳnh Hữu Phước (25 tuổi) vì gia cảnh khó khăn đã phải gác lại ước mơ giảng đường đại học khiến rất nhiều người thương cảm. Sự xuất hiện dày đặc của em trên các mặt báo và phương tiện truyền thông sau lần trao đổi bằng tiếng Pháp với với nhà văn Marc Levy tại đường sách Trần Nhân Tôn, quận 5 vào tháng 11 vừa qua đã thực sự khiến những người có lòng trắc ẩn không thể ngồi yên để mặc một thanh niên ham học phải bỏ dở dang giấc mơ sư phạm của mình.

Những việc làm “cho đi” đầu tiên trong hành trình vạn dặm

Mới đây, báo Thanh Niên có đưa tin về việc trao lại toàn bộ số tiền mà thông qua họ, các nhà hảo tâm muốn gửi đến Hữu Phước nhằm giúp em tiếp tục đến trường và chắp cánh cho ước mơ học lên thạc sĩ. Dù số tiền Phước nhận được không hề nhỏ nhưng em vẫn quyết không giữ nó cho riêng mình. Em đã chủ động xin nhận một phần, đủ để trang trải được tiền học và phí thuê trọ cùng một sổ tiết kiệm dự phòng 200 triệu để tích lũy cho chặng đường lên bậc thạc sĩ sau này.

Em học sinh lớp 4 mà Phước nhận bảo trợ đến năm 18 tuổi với số tiền 290 đồng trích ra từ khoản hỗ trợ của nhà tâm là một bé gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cha của em vì dịch Covid-19, lâm bệnh nặng không thể qua khỏi. Một mình mẹ phải lo cho 3 chị em và ông bà nội già yếu. Hai em nhỏ của em lại đang mắc bệnh nặng nên không còn lựa chọn nào khác, mẹ em phải ở nhà để chăm sóc chứ không thể kiếm tiền mưu sinh.

hình ảnh

Chàng shipper nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy trở thành nhà bảo trợ, trao số tiền 290 triệu cho em học sinh lớp 4. Nguồn ảnh: thanhnien

Ngoài em gái này ra, số tiền còn lại cũng được Phước san sẻ lại cho 6 bạn sinh viên khác vì Covid-19 phải rơi vào cảnh khó khăn.

Báo Thanh niên chia sẻ về cảm xúc và suy nghĩ của phước sau hành động sẻ chia này như sau: “Hành trình nào cũng dài, hành trình vạn dặm cũng bắt đầu từ những bước chân đầu tiên. Em hy vọng mình đang cùng các bạn học sinh, sinh viên đi cùng những bước đầu tiên trong hành trình vạn dặm chinh phục tri thức.”

hình ảnh

Hình ảnh của Phước khi chưa bảo lưu việc học. Nguồn ảnh: thanhnien

Được biết, các thầy cô trường sư phạm, nơi Phước đang học dở dang chương trình bậc đại học đã cùng bàn bạc và giúp Phước làm thủ tục nhập học. Chàng trai trẻ hy vọng có thể bắt kịp các bạn, tốt nghiệp đúng hạn.

Hành trình gian nan viết tiếp ước mơ dang dở

Sau khi bắn loạt tiếng Pháp trao đổi cùng nhà văn Marc Levy, Hữu Phước lại trở về với công việc của một shipper, bật ứng dụng và phóng xe đi giao đồ đến khuya. Em không hề biết, mình đã trở thành một người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Năm 18 tuổi, khi còn đang sống ở quận 3, gia đình Phước đứng trước biến cố lớn khiến bố mẹ phải ly tán. Chàng sinh viên năm nhất vừa thi đậu khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được vài tháng bước ra đời tự bươn chải theo cách khó khăn nhất ở ngưỡng tuổi chỉ mới chập chững vào đời. Em từng là học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, có điều kiện học tiếng Pháp từ nhỏ.

Khi là một chàng shipper đi giao hàng, nhiều người phát hiện ra em giỏi tiếng Pháp có trêu rằng em đi làm vì đam mê. Đâu ai biết, nước mắt đồng tiền sau nụ cười gượng của chàng trai sống qua ngày bằng cái nghề shipper thật sự chát đắng.

hình ảnh

Phước cầm trên tay cuốn "Đêm đầu tiên" của Marc Levy để đặt câu hỏi cho ông. Nguồn ảnh: Ngà Trịnh

Ai đó nói rằng chỉ riêng việc tồn tại được trong thế giới đầy thử thách này đã là một thành tựu đáng ghi nhận thì cuộc sống của Phước trong những năm qua cũng vậy.

Sau khi không nhận được trợ cấp từ mẹ nữa, Phước phải tự mưu sinh bằng mọi nghề từ trông coi ở bãi xe, đến bảo vệ, phục vụ nhà hàng… Có cơ hội làm quen với công việc shipper, em quyết định gắn bó với nó bởi đây là công việc em có thể linh hoạt giờ giấc mà tranh thủ học để chờ đợi một cơ hội nữa lại đến.

Công việc của em cả ngày rong ruổi ngoài đường từ 8-10 tiếng. Đến tối, em thường về nhà sau 9 giờ và bắt đầu tiếp tục nuôi ham mê với con chữ. Nỗ lực đã đủ nhiều nhưng em vẫn không thể kham nổi đủ khoản chi từ tiền trọ, học phí đến chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Cuối cùng, đến năm 3 đại học, em đành phải bảo lưu kết quả học để tính tiếp.  

Dù mọi khó khăn cứ liên tục thử thách nhưng niềm đam mê với nghề sư phạm và sách vở vẫn thôi thúc Phước nỗ lực học tập. Đã có lúc thiếu thốn đến mức em phải cầm cố cả những quyển sách mà bản thân xem như gia tài để có tiền trang trải. Công việc shipper có lúc cũng chẳng suôn sẻ, có phải đền đơn hàng đến cả triệu, buộc Phước tìm đến những anh em giàu lòng trắc ẩn để vay mượn, thanh toán.

Ông trời không phụ lòng người, một cơ may mà nhiều người gọi là mối nhân duyên đã đến, một lần nữa thắp lại ước mơ mà Phước vẫn ngày đêm nhen nhóm. Sau khi nổi tiếng từ câu chuyện chàng shipper nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy, Phước đã được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ và có thể tiếp tục ghi danh để theo đuổi việc học. Không chỉ nhắm đến đích lấy bằng cử nhân mà Hữu Phước còn nuôi hy vọng có thể lấy được bằng thạc sĩ trong tương lai.

Ngày nay, nhiều em nhỏ được sinh ra trong gia đình có điều kiện vật chất đầy đủ nhưng không hứng thú với việc học và chưa biết quý trọng quãng thời gian được làm một học sinh cắp sách đến trường. Lòng hiếu học và nghị lực vượt nghịch cảnh của Phước sẽ còn được nhiều cha mẹ nhắc đến như một mẫu gương đẹp giữa đời thường để đôn thúc con em mình biết trân quý những gì bố mẹ có thể còn có thể trao cho trong khả năng.