Hổm giờ báo đài cứ ra rả chuyện người dân đua nhau đi rút BHXH một lần, rồi khuyên mọi người không nên rút vì lợi ích lâu dài, nhưng mà nghĩ lại nếu chuyện trước mắt chưa lo xong làm sao dám tính đến chuyện lâu dài, phải không bà con?

Theo bài đăng trên trang VnExpress ghi nhận, chỉ tính riêng trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, có gần 209.000 người lao động chọn rút BHXH một lần, được biết, con số này tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái bởi ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4.

hình ảnh


Ảnh: Công nhân mất việc tại một doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TP HCM làm thủ tục nhận sổ BHXH. Nguồn: Báo Người Lao Động. 

Qua thống kê, nhiều trường hợp đóng BHXH được 15 năm, rút BHXH một lần được hơn 100 triệu đồng, nhưng rồi xài hết chỉ trong thời gian ngắn.

Nghe nhiều người kể mà thấy thương gì đâu! Người bảo rút xong có được khoản nhỏ để mua xe, rồi còn nhiêu tiêu xài hết. Còn người thì bảo vì trong đợt dịch bị mất việc, không có lương nên phải vay mượn từ bạn bè, người thân để có tiền xài cho bản thân hoặc thậm chí cho cả nhà, qua dịch phải rút BHXH một lần để trả nợ.

Vậy đó kiếm tiền thì thấy lâu, chứ xài lẹ lắm. Có người còn bảo sau khi rút BHXH một lần rồi chắc lấy số tiền này về quê ‘cắm câu’ kiếm sống qua ngày, bởi thà lấy ra để đầu tư còn hơn vay mượn người khác rồi lỡ qua đời đột ngột, người thân ở lại gánh nợ dùm thì khổ.

Chẳng hạn như chị Th. làm việc ở công ty may tại TP.HCM gần 15 năm. Trong đợt dịch vừa rồi, công ty phải nói lời chia tay với chị vì tình hình tài chính khó khăn không thể tiếp tục hoạt động được nữa. Mất việc, trong vòng 1 năm, chị vừa làm tự do, vừa hưởng tiền bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, với chị, số tiền đó không đủ để trang trải cuộc sống hiện tại khiến chị buộc phải chọn giải pháp rút BHXH một lần.

Theo luật, sau khi rút BHXH một lần, người lao động sẽ không còn bảo lưu thời gian đã đóng BHXH trước đó, do đó, nếu người lao động muốn hưởng chế độ hưu trí thì buộc phải tham gia BHXH lại từ đầu.

Rất nhiều người nói rằng dù biết rút BHXH một lần ra cũng tiếc thật, nhưng vì hoàn cảnh phải chấp nhận thôi.

Đối với họ, sổ BHXH như một cuốn sổ tiết kiệm dành cho những người lao động làm việc lâu năm, còn với những người không có định hướng lâu dài, đó như là khoản tiền để dành không cam kết nên họ dùng để chi tiêu sau khi vừa rút BHXH một lần.

Nhiều chuyên gia khuyên rằng, đa số mọi người chỉ thấy lợi ích trước mắt chứ không thấy lợi ích lâu dài. Hãy thử nhìn sang nước láng giềng là Malaysia, nhiều người đã vội đi rút BHXH một lần rồi sau đó tiêu sạch chỉ trong vòng 3 năm, về sau già không có tiền xài, lại phải đi nhận tiền trợ cấp của Chính phủ dành cho người nghèo.

Theo các nhà chức trách, sắp tới cần có chính sách nhằm hạn chế cho người lao động rút BHXH một lần, nhưng phải tăng quyền lợi lâu dài cho người lao động mà không tác động lớn đến tâm lý của họ, chẳng hạn như giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, cũng như xây dựng hệ thống hưởng BHXH đa tầng, để tạo điều kiện cho người lao động sớm hưởng lương hưu.

hình ảnh


Ảnh trái: Người rút BHXH đang chờ đợi vào làm thủ tục rút tiền tại BHXH Thủ Đức. Ảnh phải: Mệt mỏi chờ rút BHXH vì quá đông. Nguồn: Vietnamnet. 

Thiệt tình mà nói, em nghĩ cốt yếu vẫn nằm ở chỗ chính sách dành cho người lao động hiện nay phải thực sự tạo được niềm tin cho họ. Bởi đó là điều quan trọng nhất khiến cho họ cố gắng để duy trì việc tham gia vào hệ thống BHXH. Bà con có đồng ý không?