Thời bây giờ thật giả lẫn lộn, chị em mua hàng nhớ hết sức cẩn trọng. "Tiền nào của nấy", hàng thật hàng tốt thì không có giá rẻ sốc bất ngờ đâu ạ. Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện kho hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ toàn hiệu nổi tiếng đây ạ.

Theo bài đăng trên trang Zing News em đọc được, vừa rồi Tổng Cục Quản lý thị trường cùng với lực lượng chức năng triệt phá kho hàng không rõ nguồn gốc ‘khủng’ với diện tích chứa rộng hơn 2.000 m2 lớn nhất tại tỉnh Tuyên Quang.

hình ảnh


Ảnh: Trung bình mỗi ngày, công nhân kho hàng thực hiện đóng gói trên dưới 1.000 đơn sau đó giao cho đơn vị chuyển phát. Nguồn: Zing News. 

Qua khám xét sơ bộ, kho hàng này chứa đủ các loại từ áo quần, váy đầm, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Đáng nói là trong số đó có rất nhiều sản phẩm ‘nhái’ các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Nike, Adidas, Dior, Hermes... và đặc biệt nhất là kho hàng này còn bán cả nhiều sản phẩm phục vụ cho trẻ em, chẳng hạn như khẩu trang, sữa, thực phẩm bổ sung...

Eo ôi, nói tới khúc này em hơi bị lo luôn đó chị em ạ, vì nhiều chị em cứ chuộng hàng ngoại, lại ham rẻ mua về cho con dùng, mà mấy sản phẩm này có được qua kiểm tra chất lượng gì đâu, lỡ dùng phải hàng ‘nhái’ thì nguy hiểm khôn lường luôn đó nha.

Quay trở lại với vụ việc kho hàng nhập không qua đường chính ngạch, thông qua hoạt động livestream trên mạng xã hội Facebook với tên tài khoản là Nhật Minh – Tổng kho buôn số lượng lớn có khoảng 345.000 lượt theo dõi, ước tính mỗi ngày kho hàng này chốt được hơn 1.000 đơn hàng ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Đơn hàng sau khi chốt xong sẽ đưa qua bộ phận đóng gói. Tại đây, để kịp phục vụ đến tay khách hàng, chủ kho đã phải thuê gần 20 công nhân làm công việc này. Sau đó cứ mỗi buổi chiều, sẽ có nhân viên vận chuyển của VNPost đến nhận và giao hàng đi cho khách rồi thanh toán theo hình thức COD.

Được biết, chủ kho hàng này là ông N.T.Đ., sinh năm 1984, ngụ ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, đã đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ gia đình. Kho hàng của ông Đ. được cho là một trong các kho hàng lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Tại thời điểm bị khám xét, ông Đ. thừa nhận đa số hàng hóa này mình nhập từ nguồn hàng thanh lý ở chợ Ninh Hiệp, thành phố Hà Nội rồi mang về đây livestream bán hàng.

Vì tổng số lượng hàng tại kho khá lớn nên lực lượng chức năng cho biết họ dự kiến mất tới 3 ngày để kiểm đếm, đối chiếu với hóa đơn cùng chứng từ xuất trình rồi phân loại và xử lý các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, không đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh. 

Tính đến thời điểm này, đây không phải là lần đầu tiên, lực lượng chức năng khui ra các vụ hàng hóa nhập bán không qua đường chính ngạch, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng...

Trước đó không lâu, vào tháng 8/2022, theo nguồn từ trang VTV em đọc được, tại thành phố Bắc Ninh, lực lượng chức năng đã phát hiện kho hàng chứa 80.000 sản phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập không qua đường chính ngạch và ‘nhái’ các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam. Qua kiểm tra, kiểm đếm và thống kê, tổng số lượng sản phẩm này lên đến hơn 20 tấn có giá trị khoảng 7 tỷ đồng.

Theo lực lượng chức năng, vì biết nhiều chị em phụ nữ có xu hướng thích hàng ngoại hơn hàng nội, nhất là các sản phẩm như nước hoa, mỹ phẩm, nên các đối tượng này nắm được tâm lý đó mới quảng cáo với cái mác ‘hàng xách tay’ và nhiều chị em nghe thế nên tin theo và mua dùng mà không hề biết đó là hàng ‘nhái’. Bỏ ra nhiều tiền nghĩ mình mua hàng thật, song đổi lại sự thật không như thế.  

hình ảnh


Ảnh chụp số hàng bị phát hiện. Nguồn: VTV. 

Tại thời điểm phát hiện, chủ kho không xuất trình được đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các loại hàng hóa này, đồng thời bằng thủ đoạn tinh vi, kho hàng này luôn trong tình trạng đóng cửa then cài và việc vận chuyển hàng diễn ra rất nhanh chóng. Thế nên rất khó phát hiện được hành vi vi phạm. Về phía lực lượng chức năng, họ cho biết phải bỏ rất nhiều thời gian để theo dõi. Sau nhiều tháng trời mới khui ra kho hàng khủng này.

Đối với lô hàng khủng này, đa số có nguồn gốc ở bên kia biên giới, nhưng qua xác minh hết hơn một nửa là hàng ‘nhái’ rồi, đặc biệt nhất là kể từ sau khi dịch bệnh xảy ra, vấn nạn buôn hàng không chứng từ chứng minh nguồn gốc rõ ràng, không qua đường chính ngạch diễn biến ngày càng phức tạp hơn trước, đòi hỏi lực lượng chức năng cứ phải rốt ráo truy tìm và bắt kẻ cầm đầu vi phạm.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với hành vi kinh doanh hàng qua biên giới không theo đường chính ngạch, không có giấy tờ chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi mà chủ kho hàng hoặc người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt hành chính (chủ yếu là phạt tiền) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (chủ yếu là ‘ủ tờ’), đồng thời buộc nộp lại toàn bộ số hàng vi phạm để tiêu hủy và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm này gây ra.

Cụ thể:

Căn cứ Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất và buôn bán hàng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, hành vi kinh doanh hàng nhập không qua đường chính ngạch tùy theo giá trị hàng hóa nhập lậu mà chủ hàng hoặc người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nếu không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Còn kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 50 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung tương tự như đối với việc kinh doanh hàng hóa không qua đường chính ngạch.

Hoặc kinh doanh hàng ‘nhái’ sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung tương tự như trên.

Tuy nhiên, đối với chế tài xử phạt vi phạm hành chính, nếu số hàng hóa vi phạm nói trên có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, chẳng hạn như thực phẩm, thiết bị y tế, hóa chất, mỹ phẩm... thì sẽ áp mức phạt gấp đôi mức đã đề cập trên.

Đối với hàng hóa nhập không qua đường chính ngạch, nếu đã bị phạt hành chính theo quy định nói trên mà vẫn còn tái phạm hoặc trị giá hàng hóa từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 188 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt có thể là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, hoặc phạt ‘ủ tờ’ từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể phải bị áp dụng hình phạt bổ sung là nộp phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý nếu như pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm thì mức phạt áp dụng là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, hoặc thậm chí là vĩnh viễn tùy mức độ. Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là nộp phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn trong vòng 01 đến 03 năm.

Trong khi đó, đối với trường hợp kinh doanh hàng ‘nhái’ nếu đã bị phạt hành chính mà vẫn còn tái phạm hoặc số hàng vi phạm có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 của Bộ luật hình sự hiện hành thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt ‘ủ tờ’ từ 01 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm,  tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

hình ảnhẢnh chụp các sản phẩm 'nhái' nhãn hiệu nổi tiếng bị phát hiện tại Tuyên Quang. Nguồn: Tổng Cục Quản lý thị trường. 

Riêng đối với pháp nhân thương mại vi phạm thì mức phạt sẽ là phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc vĩnh viễn. Đồng thời có thể áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Dù hành lang pháp lý đã có nhưng đối với nhiều người quả thật mức phạt đối với hành vi kinh doanh như thế này còn quá nhẹ, nhất là trong một số trường hợp có thể áp dụng hình thức phạt tiền thay vì bị ‘ủ tờ’ nên dễ bị nhờn luật. Do đó, nhiều khả năng dù thấy trước hành vi của mình là vi phạm song vì hám lợi nhuận, nên chấp nhận đánh đổi thực hiện nếu lỡ có bị phát hiện thì chịu mức phạt nói trên.

Em vẫn còn nhớ cách đây 2 năm, tại Lào Cai, lực lượng chức năng đã phát hiện một kho hàng còn khủng hơn, rộng tới hơn 10.000 m2. Tại đây, chủ cơ sở thuê hẳn dàn nhân công lao động như một công ty, gồm đủ các bộ phận từ kế toán, thủ quỹ, nhân viên chuyên livestream bán hàng, chốt đơn, đóng gói, phân loại hàng. Mỗi bộ phận được trả lương khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn quản lý kho lương đến 20 triệu đồng/tháng và livestream cá biệt đến 80 triệu đồng/tháng... Qua điều tra và kiểm đếm giấy tờ cùng các tang vật vi phạm, được biết trong vòng 2 năm, kho hàng này mang về thu nhập khủng, tới 649 tỷ đồng. Thật là không thể tưởng tượng được phải không chị em?

Thế mới nói những vụ việc này nếu lực lượng chức năng không rốt ráo truy xét cũng như xử lý mạnh tay, thì rồi vẫn sẽ còn nhiều vụ tương tự xảy ra nữa và người chịu ảnh hưởng lớn nhất vẫn là người tiêu dùng.