Câu chuyện được chia sẻ của một bà mẹ bỉm sữa chỉ ở nhà trông con đã tạo nên một cú sốc với nhiều người.
Trong 4 năm, người vợ nội trợ vừa nuôi con vừa giúp chồng tiết kiệm được 1,3 tỷ. Rất nhiều chị em đã tỏ ra 'cảm thán' với tình huồng này. Tuy nhiên, khi biết được cách tiết kiệm thực tế, biết đâu chúng ta có thể rút ra được bài học cho chính mình.
Nguyên văn câu chuyện của mẹ bỉm sữa tên là Tiểu Bắc như sau:
Sau khi sinh con gái đầu lòng, tôi nghỉ việc để chăm sóc con. Tiền lương hàng tháng của chồng tôi là 9500 nhân dân tệ (tương đương 32,7 triệu đồng), tiền trả nợ khoản vay thế chấp mua nhà của chúng tôi là 3900 NDT/tháng (tương đương 13,4 triệu đồng) .
Sau khi trừ đi chi phí điện nước, đi lại (khoảng 1100 NDT mỗi tháng, tương đương 3,7 triệu ), vợ chồng tôi còn 4500 NDT (khoảng 15,4 triệu) để lo tất cả các chi phí như tiền bỉm sữa, thuốc men của con và tiền ăn uống của bố mẹ. Theo logic mà nói, cuộc sống của chúng tôi hẳn sẽ rất căng thẳng vì áp lực tiền bạc quá lớn.
Nhưng từ nhỏ tôi đã phải sống trong cảnh nghèo khó và luôn có ý thức về tiền bạc nên khoản tiền hơn 15 triệu để lo tất cả mọi chi phí trong 1 tháng không phải là thách thức quá lớn với tôi.
Trước khi sinh con, tôi đã tham gia vào các hội nhóm thanh lý/cho tặng đồ dùng của mẹ và bé. Gần như toàn bộ quần áo của con gái lớn của tôi đều từ đó mà ra, và đương nhiên, tôi không mất 1 đồng nào.
Kể từ lúc con chào đời cho đến khi 1 tuổi, số tiền mà vợ chồng tôi chi cho việc chăm con 2000 NDT (6,8 triệu đồng), chủ yếu là tiền bỉm. Trộm vía con tôi rất ít khi ốm và tôi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nên chẳng tốn tiền mua sữa công thức.
Ngoài việc lo cơm nước, chăm con, tôi cũng làm một số công việc bán thời gian như đánh văn bản, nhận đăng tin cho những cửa hàng chuyên bán đồ nội thất. Trung bình mỗi tháng, tôi kiếm được khoảng hơn 10 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đều nằm trong sổ tiết kiệm cá nhân của tôi, chồng tôi không hề hay biết.
Khi con gái được một tuổi rưỡi, tôi có thai. May sao, lúc đó, chồng tôi cũng được tăng lương từ 9500 NDT lên 10.000 NDT mỗi tháng (bằng 34 triệu đồng). Với mọi người có thể đó không phải là số tiền lớn nhưng với gia đình tôi thì khác. Mỗi năm chúng tôi sẽ có thêm 20 triệu đồng, đây hoàn toàn là một số tiền lớn với chúng tôi.
Khi thu nhập của chồng tôi tăng lên T mỗi tháng, công việc bán thời gian của tôi cũng tăng lên, tôi bán đặc sản địa phương trong các hội nhóm trên mạng và có thể kiếm được thêm gần 7 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy tính ra, tôi đã có hơn 20 triệu đồng tiền tiết kiệm riêng hàng tháng.
Thu nhập hàng năm của chồng tôi là 414 triệu đồng, thu nhập hàng năm của tôi là 247 triệu đồng, thu nhập hàng năm của gia đình tôi là khoảng 661 triệu đồng, trong hai năm tồi tệ nhất, mỗi năm tôi tiết kiệm được 413 triệu đồng. Cộng với 476 triệu đồng tiết kiệm được hai năm trước. Trong 4 năm, tôi đã tiết kiệm được gần 1,3 tỷ đồng.
Sau khi sinh con gái thứ hai, tôi càng tiết kiệm hơn, tôi vẫn nhặt quần áo, giày dép người khác đã mặc, ngoại trừ đồ lót, tất, kem đánh răng và bàn chải đánh răng tôi tự mua.
Vợ chồng tôi có rất nhiều quần áo, tôi cũng muốn mua quần áo cũ của hàng xóm, thực tế là nhiều quần áo hiện nay còn rất mới, nhưng có người thích chạy theo mốt, mặc vài lần là muốn vứt đi nên tôi xin lại của họ. Cũng chẳng sao, có đồ lành lặn để mặc, với tôi, thế là quá tốt rồi.
Khi các con tôi bắt đầu đi học, tôi không đăng ký cho con tham gia bất kỳ lớp học thêm nào. Tôi tự dạy con vẽ tranh ở nhà, đưa chúng ra ngoài tập thể dục. Gia đình tôi cũng không đi ăn ngoài, một năm đi ăn ngoài hai lần: Một lần vào tháng 6, một lần vào tháng 12.
Nhiều người có thể nghĩ tôi quá bủn xỉn đến mức làm cả chồng lẫn con khổ theo. Nhưng xin thưa, chúng tôi không đi ăn cắp của ai, càng không gây hại cho xã hội. Tôi nghĩ, như vậy thì chẳng có gì cần phải xấu hổ.
Việc tôi tiết kiệm tiền mà không để chồng biết, thực ra, không phải vì tôi muốn lừa dối chồng mà vì nếu anh ấy biết tôi có chừng đó tiền, tôi sợ anh ấy sẽ muốn sống hưởng thụ hơn. Đó là điều tôi không cho phép vì chúng tôi có 2 cô con gái đang tuổi lớn. Tương lai chúng còn dài, có rất nhiều thứ phải lo. Tôi tiết kiệm cho con, chứ không phải vì lợi ích cá nhân của mình.