Vì tương lai của con cha mẹ chẳng tiếc gì cả, dù thế chấp nhà cửa thì cũng phải cố gắng cho con học thành tài.

Cứ mỗi lần nhắc đến chuyện cha mẹ vất vả nuôi con học đại học, em lại nhớ chuyện xưa. Ở vùng quê của em, có được đứa con đậu đại học là nở mày nở mặt lắm. Nhưng không phải nhà nào cũng đủ sức cho con đi học đại học. Hoặc cho con đi học, cha mẹ phải chạy vạy, vay nợ khắp nơi. Đợi đến ngày con tốt nghiệp đại học, tóc cha mẹ bạc đi nhiều vì lo lắng và làm việc cật lực.

Có người bạn kể với em, để có tiền cho bạn vào nhập học, cha mẹ phải đành lòng bán đi con bò, tài sản có giá trị lớn nhất trong nhà. Tiền đóng học phí có khi là một sấp tiền lẻ, được tích cóp từng ngày đi làm thuê làm mướn của cha mẹ. Nhìn mà xót xa và thương cha thương mẹ lắm.

Xưa thì chưa hiểu rõ nỗi vất vả khi cho con ăn học của cha mẹ. Giờ lớn rồi, đọc tin tức, nghe chuyện người này người kia, mới thấm thía. Để nuôi được đứa con học đại học, thời giờ phải tốn cả mấy trăm triệu chứ chẳng ít. Với cha mẹ ở quê, làm nông, mấy trăm triệu có khi là số tiền cả đời họ không dám nghĩ đến.

Cha mẹ ở nhà nhịn ăn nhịn mặc, mua gói xôi lót dạ 5 nghìn còn thấy tiếc. Vậy mà con gọi về báo học phí 15 triệu là ừ ngay, để cha mẹ kiếm cho con. Với nhiều bậc cha mẹ, họ nghĩ đời mình nghèo rồi, phải cho con nó học để thoát nghèo. Vì tương lai con, dù có khổ cực hay nợ nần, cha mẹ vẫn phải cố cho con vào đại học.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: QQ

Gánh nặng oằn vai khi có con vào đại học không chỉ ở ta mới có mà giờ bên Tây cũng có đó mọi người. Em xem trên Vietnamnet, cha mẹ ở nước Anh cũng đang chật vật để lo cho con đi học đại học. Thậm chí họ phải thế chấp nhà cửa để có tiền cho con học. Làm cha mẹ, dù thời đại nào, ở đâu thì cũng đều vất vả, bươn chải vì con.

Theo thông tin em xem trên Vietnamnet, bên đó họ đang bị lạm phát, mức trợ cấp và cho vay dành cho sinh viên không đủ. Những gia đình tầng lớp lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Trang trải chi phí sinh hoạt cho những năm đại học thật sự khiến cha mẹ lẫn sinh viên lâm vào khó khăn.

Đa số sinh viên đã phải đi làm thêm để trang trải sinh hoạt phí. Việc làm thêm quá giờ để có đủ tiền sống đã gây ảnh hưởng đến việc học trên lớp. Các trường thì khuyến nghị sinh viên chỉ làm tối đa 15 tiếng/tuần. Nhưng thường sinh viên phải làm gấp đôi mới mong kiếm đủ tiền.

Đó là con cái những nhà thuộc tầng lớp lao động ở Anh, các em phải ra ngoài làm thêm từ rất sớm. Còn với sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu, việc các em dựa hoàn toàn vào gia đình đã khiến cha mẹ mang gánh nặng. Một cuộc khảo sát vào tháng 3 vừa rồi cho thấy nhiều phụ huynh đã phải đi vay ngân hàng hoặc thế chấp nhà, để có tiền cho con đi học.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: zh

Tại một đất nước phát triển như ở Anh cũng tồn tại câu hỏi liệu có cần thiết vào đại học hay không. Làm em nhớ tới chuyện hồi đầu năm học mới đây ở nước mình, có 2 nữ thủ khoa định bỏ học đại học vì gia đình không trang trải nổi học phí.

Hay mới đây là chuyện nam sinh chỉ còn một cánh tay, lại không may bị trộm lấy mất hết học phí. Số tiền 10 triệu đồng bị lấy mất đó là số tiền bố em phải đi vay mượn. Lúc bị móc hết tiền, nam sinh đã nghĩ đến chuyện rời bỏ giảng đường đại học. Rất may sau đó chuyện em được đưa lên các trang mạng, nhiều người đã chung tay giúp đỡ em.

“Vui vì chạm tay vào giấc mơ giảng đường nhưng bức tường nghèo khó lại chắn ngay phía trước”, đây là một đoạn em đọc được trên tuoitre. Câu chuyện này kể về Đạt, một em tân sinh viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM.

Theo thông tin trên tuoitre, ngày Đạt nhận giấy báo trúng tuyển đại học với số điểm hơn 27, cả nhà buồn lặng vì hoàn cảnh khó cho con đi học. Từ lúc thi tốt nghiệp xong là Đạt đi làm thêm ngay, nhưng số tiền đó cộng thêm vơ vét hết trong nhà cũng không đủ. May mắn là mấy người trong hội ve chai quanh nhà gom góp cho mượn mới đủ để Đạt đăng ký nhập học.

hình ảnh

Nguyễn Tiến Đạt (phải) kèm cậu em trai Tấn Thành học. Ảnh: Công Triệu, Tuổi Trẻ

Tin vui là sau khi hoàn cảnh khó khăn của Đạt được biết đến, em đã được miễn toàn bộ học phí trong suốt đại học. Điều kiện là em phải luôn duy trì xếp loại khá trở lên trong suốt các năm học.

Đó là những hoàn cảnh may mắn được giúp đỡ kịp thời. Còn ở ngoài kia rất nhiều gia đình khó khăn, cha mẹ phải làm việc bất kể ngày đêm cho con có tiền học đại học. Vì tương lai con, vì giấc mơ thoát nghèo, dù cha mẹ có khổ hơn nữa, nhà có túng thiếu, kiệt quệ hơn nữa thì cũng cố gắng vét tiền, vay mượn cho con. Chỉ mong con cái hiểu được sự vất vả của cha mẹ, nhọc nhằn, khó khăn của gia đình mà lấy đó làm động lực vươn lên.