Cha mẹ bây giờ rất có kiến thức. Họ đọc nhiều và hiểu biết cũng rộng. Quan niệm bao bọc con vì vậy cũng dần đi vào quên lãng. Bây giờ, các phụ huynh lại đang “quay xe” chủ trương “đẩy” con ra để đứa trẻ tự cách xoay sở thay vì ở nhà bám váy mẹ.

Một số cha mẹ chọn nuôi con trong giàu có. Số khác chọn nuôi con trong nghèo khó. Nhưng một khi ý niệm nào được đẩy thành cực đoan cũng sẽ nảy sinh nhược điểm trong những ưu điểm. Thực ra nuôi trong cái nghèo hay dưỡng trong cái giàu đều không quá quan trọng cho bằng phải làm sao đó để đứa con khi trưởng thành có được khả năng thích ứng xã hội mạnh mẽ.

Đó cũng là lý do nhiều bố mẹ ngày nay, đặc biệt trong các gia đình giàu có sẵn sàng làm mặt lạnh, đẩy con ra ngoài, cho con tăng cường các mối tương tác xã hội.

Khi đã thích nghi tốt với xã hội, đứa trẻ hay bám mẹ ngày nào sẽ trở nên bản lĩnh, kiên định để có thể sống và sống tốt trong mọi môi trường, mọi hoàn cảnh. Muốn nhận diện những đứa trẻ có tố chất này, trước hết hãy soi vào 4 điểm chung:

1. Trí tuệ cảm xúc cao

hình ảnh

Ảnh minh họa: nvwu

Xã hội hiện đại vẫn rất đề cao những người sở hữu chỉ số IQ cao nhưng EQ lại được cho là phần quyết định quan trọng đến sự thành công của một người. Trí tuệ cảm xúc chi phối mức độ giao tiếp trong cuộc sống và công việc. Đối với một đứa trẻ, có trí tuệ cảm xúc cao đồng nghĩa với việc trẻ có được sự tin tưởng của đông đảo bạn bè, được thầy cô quý mến và tất nhiên khả năng thích nghi với môi trường khi lớn lên cũng rất mạnh.

Nếu quan sát một đứa trẻ thấy nó không để mất bình tĩnh trong cơn giận, không găng cổ cãi khi bất đồng ý kiến, biết người cho lời khuyên đã sai vẫn chăm chú lắng nghe, không tự cao tự đại... thì đó là những biểu hiện bên ngoài chứng tỏ trẻ có EQ cao.

Đúng như những gì các học giả nhận định, IQ quyết định tiềm năng của một đứa trẻ, nhưng trí tuệ cảm xúc quyết định một đứa trẻ có thể đi được bao xa và bay cao như thế nào.

2. Có chính kiến và kiên định 

Phần lớn những người đang sống một cuộc sống bình bình là những người đi theo một quy tắc chung đã được vạch sẵn và ai cũng chọn. Họ đi theo dấu chân người đi trước và chăm chăm bước đúng từng bước vì sợ sai. Họ được gọi là người bình thường. Còn những người suy nghĩ và hành động không giống ai, chọn thử thách không ai chọn sẽ được cho là điên khùng. Nhưng những người này mới là người có khả năng tạo ra sự đổi mới. Nhìn vào điều này và soi lại quy luật phát triển của trẻ cũng sẽ thấy điểm tương đồng.

Trên trường, ở nhà, một số trẻ có xu hướng chọn theo sự kỷ luật, tuân thủ nghiêm ngặt và làm theo bất kỳ điều gì giáo viên, cha mẹ hướng dẫn mà không dám cãi lại hay làm khác đi. Nhưng số khác lại luôn muốn làm ngược lại. Các bé này không thôi tò mò về thế giới, không chịu đi theo lối mòn mà luôn nảy ra ý tưởng đặc biệt của riêng mình. Gia đình và giáo viên luôn cho rằng trẻ bất trị, ngang bướng nhưng thực ra là trẻ đang tư duy nhiều hơn, khả năng đổi mới mạnh mẽ hơn và sẽ dễ dàng thích ứng với những thay đổi của xã hội khi chúng lớn lên.

3. Đọc nhiều và biết nhiều

Trong số tất cả các hoạt động gia đình, đọc sách chắc chắn là một trong những hoạt động chất lượng cao và đồng hành với toàn bộ quá trình trưởng thành của trẻ. Việc đọc sách sẽ mở ra cánh cửa tri thức nếu trẻ được bàn tay của cha mẹ dẫn dắt vào thế giới sách.

hình ảnh

Ảnh minh họa: gushiciku

Đối với trẻ em, thói quen đọc sách nếu được phát triển ngay từ khi còn nhỏ sẽ là tài sản cả đời. Trên thực tế, thời gian và cách thức cha mẹ cùng con đọc sách ở mỗi gia đình là khác nhau nhưng quan trọng hơn cả là hiệu quả từ việc đọc mang lại. 

Sau sách vở sẽ là trải nghiệm, đúng như câu nói, đọc hàng nghìn cuốn sách không bằng đi xa vạn dặm. Kiến thức sách vở và kinh nghiệm sống hỗ trợ lẫn nhau. Một đứa trẻ có thể tự tin sống tốt ở mọi môi trường, thích nghi giỏi trong mọi hoàn cảnh đều phải có trong đầu nền tảng kiến thức vững chắc. Bằng cách dùng kiến thức chinh phục những đỉnh cao mới, trẻ sẽ dần mở rộng tầm nhìn của mình và làm phong phú thêm thế giới nội tâm.

4. Hướng ngoại

Tại sao những người hướng ngoại đi đến đâu cũng dễ thích nghi? Rất dễ hiểu! Họ gặp ai đó đều sẵn sàng chào hỏi, gặp gì cản bước đều linh hoạt chuyển dịch. Họ dễ dàng làm quen với người khác và cũng dễ dàng uyển chuyển để thay đổi và thích nghi thường xuyên. Biết người biết ta, cũng chính là đặc điểm nổi trội của nhóm người này.

hình ảnh

Ảnh minh họa: redian.news

Ngay từ nhỏ, nếu một đứa trẻ mạnh dạn chơi với người khác mà không ngại hoàn cảnh hay tuổi tác thì đó là trẻ đã thể hiện kỹ năng giao tiếp rất tốt và chắc chắn, khả năng thích nghi với môi trường sau này cũng rất tuyệt. Tất nhiên, sự giảo hoạt này phải đi đôi với sự tử tế để kéo dài một mối quan hệ hoặc làm cho nó ngày càng trở nên khăng khít hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả.

Xem hết một lượt 4 điểm chung của những đứa trẻ EQ cao trên đây, bố mẹ hãy ghi nhớ và thử quan sát con của mình xem. Từng điểm một hoặc sự kết hợp của cả 4 đều sẽ là những dấu hiệu đầy khởi sắc để mẹ tiếp tục góp phần giúp con làm giàu chỉ số EQ hơn nữa đấy!