1. Thuốc điều trị dậy thì sớm có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không?

Không. Thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương (đồng vận GnRH) có tác dụng làm chậm tiến triển quá trình dậy thì, giúp bảo tồn chiều cao trưởng thành. Việc điều trị giúp trẻ có thể “trì hoãn” quá trình dậy thì đợi đến độ tuổi phù hợp sinh lý. Trong quá trình dậy thì, các nội tiết tố sinh dục kích thích sự trưởng thành ở các đầu xương và gây đóng đầu xương sớm, ảnh hưởng chiều cao trưởng thành. Điều trị thuốc giúp làm chậm việc đóng các đầu xương và đưa về mức tăng trưởng bình thường ở một trẻ trước dậy thì. Theo một số nghiên cứu, trong thời gian điều trị bằng chất đồng vận GnRH, trẻ sẽ vẫn tăng trưởng và phát triển tương tự như một trẻ trước dậy thì, trung bình tăng khoảng 4-5 cm/năm. Sau khi ngưng thuốc, quá trình dậy thì sẽ khởi phát lại sau khoảng 12 tháng và trẻ sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    

2. Chi phí điều trị dậy thì sớm như thế nào? Có được thanh toán bảo hiểm y tế không?

Thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương tại Việt Nam hiện nay có hai chế phẩm: triptorelin 3,75 mg (giá khoảng 2,5 triệu/lọ, tiêm bắp mỗi 28 ngày) và triptorelin 11,25 mg (giá khoảng 7,7 triệu/lọ, tiêm bắp mỗi 3 tháng). Việc sử dụng thuốc tuân theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Chế phẩm triptorelin 3.75 và 11.25 mg được bảo hiểm y tế chi trả, và tuỳ quy định thanh toán theo bảo hiểm, độ tuổi của trẻ, con anh/chị có thể được hưởng bảo hiểm y tế từ 80-100%. Liệu trình điều trị của trẻ như sau: trẻ sẽ được tiêm bắp thuốc triptorelin 3,75 mg (liều lượng tuỳ theo tuổi) mỗi 28 ngày hoặc triptorelin 11,25 mg mỗi 3 tháng và sẽ được hưởng bảo hiểm y tế đến khi kết thúc liệu trình.

3. Điều trị dậy thì sớm đến khi nào?

Liệu trình điều trị dậy thì sớm trung ương sẽ kết thúc trung bình ở độ tuổi 11 tuổi và tuổi xương 12-13 tuổi. Quyết định ngừng điều trị sẽ được các bác sĩ thảo luận kỹ càng với phụ huynh, cân nhắc mong muốn của phụ huynh, ngưng điều trị khi trẻ đạt được mục đích điều trị và đạt được tuổi dậy thì bình thường như các bạn đồng trang lứa.

4. Thuốc điều trị dậy thì sớm có hiệu quả ra sao? Các cháu sẽ được theo dõi như thế nào để biết thuốc có đạt hiệu quả không?

Sau điều trị dậy thì sớm, thuốc sẽ ức chế các đặc tính sinh dục thứ phát như vú, kinh nguyệt, huyết trắng ở trẻ gái và cương dương vật, xuất tinh ở trẻ trai. Tuy nhiên, các đặc tính lông mu, lông nách, mụn trứng cá còn do hormone tuyến thượng thận tác động, nên thuốc triptorelin sẽ không ức chế hoàn toàn sự phát triển của các đặc tính này. Sau điều trị bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của thuốc dựa vào sự phát triển của các đặc tính sinh dục (vú, kinh nguyệt,...), tốc độ phát triển chiều cao, tuổi xương và xét nghiệm các nội tiết tố.

5. Sau tiêm thuốc điều trị dậy thì sớm cần chăm sóc trẻ như thế nào? Có cần kiêng ăn gì không?

Thuốc điều trị dậy thì sớm thường ít khi xảy ra tác dụng phụ. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp có thể là đau đầu, đau nhức tại chỗ chích, áp xe lạnh tại chỗ. Sau tiêm thuốc, phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng sưng, đau tại chỗ tiêm, ngoài ra không cần kiêng ăn bất cứ thức ăn gì và không cần hạn chế vận động. Thuốc điều trị dậy thì sớm sẽ đạt tác dụng tối ưu sau 3 liều đầu, và điều không mong muốn là một số ít trẻ có thể xuất hiện ra huyết âm đạo  sau mũi tiêm đầu tiên, các nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ này khoảng 5%. Việc ra huyết âm đạo này thường là lượng ít, tự khỏi sau vài ngày và không cần điều trị gì.

hình ảnh

Hình. Sau điều trị vú trẻ sẽ giảm kích thước hoặc mềm hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Berberoğlu M (2009), "Precocious puberty and normal variant puberty: definition,

etiology, diagnosis and current management", Journal of Clinical Research in Pediatric Endocrinology, 1, pp. 164-174.

2. Dennis M, Melvin M (2011), "Puberty: Ontogeny, Neuroendocrinology, Physiology, and Disorders", In: Melmed, Polonsky, Larsen, Kronenberg, editors, Williams Textbook of Endocrinology, 13 ed. pp. pp1054-1199

3. Treatment of precocious puberty; Authors: Jennifer Harrington, MBBS, PhDMark R Palmert, MD, PhD. https://www.uptodate.com/contents/treatment-of-precocious-puberty/contributors

4. Consensus statement on the use of gonadotropin-releasing hormone analogs in children.

Jean-Claude Carel 1, Erica A Eugster, Alan Rogol. Pediatrics. 2009 Apr;123(4):e752-62. Epub 2009 Mar 30.

5. Martinerie L, de Mouzon J, Blumberg J, di Nicola L, Maisonobe P, Carel J, -C:, “Fertility of Women Treated during Childhood with Triptorelin (Depot Formulation) for Central Precocious Puberty: The PREFER Study”, Horm Res Paediatr 2020;93:529-538.