Khi nhìn vào màn hình camera giám sát, người mẹ vô cùng choáng váng vì quả thật có người đứng cạnh giường ngủ của mình vào ban đêm.

Cho con ngủ riêng là vấn đề nan giải của nhiều ông bố, bà mẹ. Muốn con tự lập sớm nhưng làm thế nào để cho con ngủ một mình khi bé đã quen được mẹ ôm ấp, vỗ về. Cũng từ việc này mà có nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra với các phụ huynh. Như câu chuyện của chị H. ở Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Theo đó chị H. cho biết, trong thời gian gần đây, chị luôn cảm thấy có ai đó đứng cạnh giường khi mình đang ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, do ngủ say quá nên chị không tài nào ngồi dậy để kiểm tra được. Đến sáng do quá bận rộn nên chị cũng quên béng luôn chuyện này.

hình ảnh

Chị H đang ngủ trong căn phòng của mình. Nguồn hình: sohu

Một hôm, nhớ lại chuyện này nên chị H. mới bật camera giám sát lên để kiểm tra, tìm hiểu sự việc. Khi nhìn vào màn hình camera giám sát, chị vô cùng choáng váng vì quả thật có người đứng cạnh giường ngủ của mình vào ban đêm. Người này đầu bù tóc rối, đứng bất động bên giường, nhìn chị đang ngủ say.

Thế nhưng, khi nhìn kỹ lại, chị H. phát hiện ra đó chính là con gái lớn của mình. Hoá ra, gần đây chị đã cho con gái ra ngủ riêng. Do chưa quen nên cô bé bị khó ngủ vào ban đêm nhưng lại không dám nói với mẹ. Không ngờ rằng, đến nửa đêm cô bé lại lẻn sang phòng mẹ, lẳng lặng đứng bên giường.

hình ảnh

Nguồn hình: sohu

Lúc này chị H. mới nhận ra rằng con gái mình chưa thực sự ổn khi được mẹ cho ngủ riêng một mình. Chị cũng tự trách mình quá vô tâm khi không chú ý đến cảm nhận và phản ứng của con.

Cư dân mạng cũng dở khóc dở cười khi nghe chuyện này và nhiều người đã nói ra quan điểm cũng như chia sẻ về câu chuyện của mình. Một số người để  lại bình luận:

- “Thương con quá, khi chưa sẵn sàng ngủ riêng mà mẹ vẫn cứ kiên định với quan điểm của mình"

- “Năm nay con mình được 6 tuổi rồi nhưng vẫn chưa cho bé ngủ riêng, cứ sợ lỡ có chuyện gì nửa đêm thì không an tâm các mẹ ạ"

- “Ngủ riêng cũng tốt, nhưng các bé phải thực sự sẵn sàng thì mới yên tâm được các mẹ ạ”.

Cách đây vài tuần, trên mạng xã hội cũng chia sẻ đoạn trò chuyện của ông bố với con trai khi đề cập đến chuyện cho con trai ngủ riêng nhưng kết quả không được như ý đã khiến nhiều phụ huynh cũng đồng quan điểm rằng cho con ngủ riêng là câu chuyện “khó hơn cả lên trời”.

Theo như đoạn video thì khi ông bố đề cập đến chuyện cho con ngủ riêng với mong muốn con có thể sớm trở thành “người đàn ông đích thực” hơn. Tuy nhiên cậu bé đã ngay lập tức phản ứng bằng cách khóc nức nở và không quên đưa ra lý do rằng: “Con mới 4 tuổi, con sống chưa đủ lâu, bố đừng chọc tức con nữa được không”.

Trên thực tế, theo thống kê, chỉ có khoảng 6% trẻ em ở phương Tây ngủ chung cùng bố mẹ, ở Nhật Bản là 26%, nhưng tại Việt Nam thì tỷ lệ này chiếm đa số. Thậm chí, có nhiều gia đình vẫn ngủ chung với con dù bé đã vào học cấp 1, cấp 2.

Các chuyên gia nhận định tập cho trẻ ngủ riêng không chỉ giúp bố mẹ có được giấc ngủ sâu hơn, mà còn có lợi cho sự phát triển của con. Trẻ được ngủ riêng sớm sẽ hình thành tính cách tự lập ngay từ nhỏ, tăng sự tự tin, không phụ thuộc và dựa dẫm vào bố mẹ khi bước vào độ tuổi đi học. Tuy nhiên trong một vài trường hợp dưới đây, ba mẹ không nên cho con ngủ riêng như:

Sức khỏe của bé không tốt

Trong tình trạng sức khỏe con không tốt hoặc bé có các bệnh cần sự chăm sóc của người lớn thì cha mẹ không nên cho con ngủ riêng quá sớm.

Tâm lý con chưa sẵn sàng

Không ít phụ huynh cố gắng bắt ép con ngủ riêng vì vừa có nhà mới, nghe bạn bè đồng nghiệp khuyên,... tuy nhiên đối với nhiều trẻ thì điều này sẽ khiến con cảm thấy bị bố mẹ hắt hủi, bỏ rơi và tổn thương tinh thần. Do đó, bố mẹ phải chuẩn bị sẵn tâm lý cho trẻ, thực hiện theo từng bước, giải thích cho con lý do vì sao phải ngủ riêng trước và trong quá trình thực hiện.

Chưa có phòng riêng phù hợp

Nên tránh cho bé ngủ riêng sớm khi chưa trang bị đủ các điều kiện thích hợp, không đảm bảo được một không gian thực sự thoải mái và an toàn cho con trẻ ngủ.

Khi sắp có em bé mới

Nếu phải ra ngủ riêng vào giai đoạn này, trẻ dễ hiểu lầm rằng đã bị “ra rìa”, bị bỏ rơi hay bị em bé chiếm chỗ. Điều này có thể gây tổn thương sâu sắc, ngoài cảm giác tủi thân, đau khổ, con thậm chí có thể nảy sinh ghen tị và căm ghét em bé.