Cuộc sống càng hiện đại, các bạn trẻ càng thích chạy theo trào lưu, thích được mua sắm đồ mới. Có những bạn, dù không dư dả nhưng vẫn tiêu xài quá tay. Thậm chí, nhiều món đồ dù còn mới tinh vẫn bị bỏ quên theo năm tháng.

Tuy nhiên, chị An Thùy lại có sở thích “hơi khác người” đó là mua đồ cũ. Cụ thể, sau hơn 1 năm sống ở TP HCM, chị An Thùy đã mang về Hà Nội 1,5 tấn đồ bếp, hầu hết là đồ cũ giá rẻ nhưng được chị "hồi sinh" như mới.

Giữa năm 2019, chị Thùy và con gái từ Bắc ngược vào Nam. Tình cờ, nơi hai mẹ con sinh sống nằm gần các bãi bán hàng second-hand. "Mình nhìn thấy những nồi, chảo gang hoen gỉ, bị người ta vứt đi. Đây đều là những món đồ của các thương hiệu nổi tiếng nhưng người dùng không biết. Đam mê đồ bếp của mình trỗi dậy", chị kể.

hình ảnh

Một góc đồ nhà bếp của chị Thùy (Ảnh: VNE)

Thời gian đầu, chị tới các khu bán đồ cũ vài lần mỗi tuần, sau đó ngày nào chị cũng đến để phụ giúp các chủ bãi phân loại đồ, nhờ đó mua được nhiều món ưng ý mà giá rất mềm. "Ngày trước ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ hình dung các đồ gia dụng nhà bếp lại có đồ cũ. Khi vào Sài Gòn, tôi như được vẫy vùng ngoài biển lớn, thỏa sức lựa chọn những món mình thích ngày này qua ngày khác", chị Thùy nói.

Trong số những món đồ này, chị chú ý nhất đến nồi chảo gang vì thông thường nó rất dơ bẩn. Nhiều món bị chủ bãi coi là rác vì bán ve chai cũng không ai mua do quá gỉ và nặng. Chị nhặt những món đồ người ta vứt đi và tìm ra cách khiến nó mới trở lại, với nhiều công đoạn vô cùng phức tạp.

Không ai có thể tin được, những sản phẩm ấy lại đến từ các thương hiệu nổi tiếng châu Âu... giá thông thường từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Song song, chị cũng sưu tầm được nhiều đồ inox như cốc chén, thìa dĩa, dao của các thương hiệu nổi tiếng khác.

Giữa năm 2020, chị Thùy lại chuyển về Hà Nội, chị mang theo 1,5 tấn đồ bếp sưu tầm được. Từ đó đến nay, chị đã bán bớt, chỉ giữ lại những món đồ yêu thích nhất. Hiện, chị sở hữu hơn 70 chiếc nồi gang đủ kích cỡ, hàng nghìn chiếc thìa dĩa, ngoài ra có những món đồ làm bánh, bộ bật bia...

hình ảnhChị Thùy và con gái (Ảnh: VNE)

"Đặc biệt với tôi nhất là những chiếc nồi gang, thố sứ của một thương hiệu Pháp. Hay các bộ thìa dĩa mạ vàng, mạ bạc có gắn sứ bên trong lòng thìa. Những họa tiết của nó khiến tôi mê mẩn", bà nội trợ này chia sẻ.

Hơn hai năm nay, đam mê đồ bếp như một cách cho chị Thùy cân bằng lại cuộc sống. Những chia sẻ của chị về mẹo xử lý đồ bếp cũ và cách phân biệt hàng giả, trên các hội nhóm ở Việt Nam và Mỹ, nhận được sự tán thưởng và cảm ơn.

Điều chị không ngờ nữa là nhờ đam mê, mà hiện hai mẹ con sống ổn. Hàng tháng thu nhập từ bán đồ bếp cũ tương đương như hồi còn đi làm ở công ty. "Tôi đặt mục tiêu 5 năm tới mua được ngôi nhà riêng của hai mẹ con, đến lúc đó sẽ làm những chiếc kệ trưng bày tất cả những dụng cụ nhà bếp mà tôi xem như báu vật", người phụ nữ ngoài 40 tuổi, chia sẻ.

hình ảnh

Qua bàn tay tỉ mẩn của chị Thùy, đồ cũ đã thành đồ mới (Ảnh: VNE)

Có lẽ trong cuộc sống ngày nay, giữa muôn trùng những cái mới bao quanh thì những người mê đồ cũ đã trở thành thiểu số. Tuy nhiên, mê đồ cũ một cách chuyên nghiệp, mê có “tay nghề” như chị Thùy lại càng hiếm hơn. Bởi chỉ bằng mắt nhìn, chị đã có thể phân biệt được những loại hàng “xịn sò” mang giá trị lợi nhuận cao.

Chẳng ai nghĩ, những cái thìa, những nồi gang, những vật dụng cũ mèm đã hoen gỉ lại có xuất xứ rất đẳng cấp, nhưng chủ của nó hình như không trân trọng, không biết bảo quản đúng cách dẫn tới hư hỏng, rồi các cô ve chai nhặt về như một trong những phế phẩm bị bỏ đi.

Vậy mà qua bàn tay chị Thùy, chúng được hồi sinh, trở về bản chất “sang chảng” vốn có của mình. Đúng như câu nói “cũ người mới ta” và đồ vật đôi khi cũng như con người, chỉ cần là “hàng xịn”, “hàng tốt” thì chắc chắn sẽ được nhận diện và đem lại những lợi ích thiết thực cho cuộc sống.

Tuy nhiên, theo như lời chị Thùy kể lại, công đoạn khôi phục lại những mặt hàng đã cũ vô cùng gian nan, tỉ mỉ, đòi hỏi tay nghề và cả thời gian để chúng đẹp trở lại như lúc ban đầu. Phải là những người am hiểu, yêu mến thì mới đủ nhẫn nại để ngồi hàng giờ đồng hồ kỳ cọ, đánh bóng, nâng niu.

Vậy mới thấy, ai trong cuộc sống cũng cần có những đam mê cho riêng mình. Khi làm việc với đam mê, chúng ta sẽ như chị Thùy, không biết mệt mỏi, không hề than thở. Và hết mình với đam mê thì thành công sẽ gõ cửa. Ai nói phụ nữ làm nội trợ thì không thể kiếm ra tiền? Ai nói làm nội trợ là công việc tẻ nhạt, nhàm chán? Chẳng qua là bởi phụ nữ chưa thật sự yêu công việc nội trợ mà thôi.

hình ảnh

Sau cùng, chị Thùy giờ đây đã có thu nhập ổn định, khấm khá từ đam mê của mình. Đó là điều đáng chúc mừng và phụ nữ chúng mình cũng nên học hỏi. Nếu chị em còn mơ hồ về bản thân, về tương lai thì hãy cho mình chút thời gian, tự hỏi mình muốn làm điều gì nhất, thích làm điều gì nhất.

Hãy theo đuổi nó, dù cho miệng đời có cười chê, dù cho khoảng thời gian đầu chưa ai hiểu được, nhưng chỉ cần chúng ta kiên trì và đi đúng hướng, nhất định sẽ thành công.

Nguồn: VNE