Thời buổi này ai có công ăn việc làm bận rộn, thu nhập ra vô đều đều thì phải mừng vì biết mình còn may mắn. Cô-vít hoành hành quá khiến nhiều công ty, xí nghiệp không thể gồng và trụ nổi để vượt qua mùa này, buộc lòng phải cắt giảm nhân sự. Thậm chí có nơi còn phải tuyên bố phá sản, đóng cửa, đủ để biết sức càn quét đến của Cô-vít đến cỡ nào.

Không hiếm những trường hợp, người lao động dù muốn hay không cũng phải nói lời chia tay với công ty, kết thúc hợp đồng lao động.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: VnEconomy. 

Có vài bạn nhắn hỏi, nếu phải nghỉ việc ngay lúc giãn cách xã hội vì công ty khó khăn nên cắt giảm thì có được bồi thường không? Sẵn đây em giải thích để cả nhà hiểu rõ luôn nhé.

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 hiện đang được áp dụng thì người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì 1 trong 7 lý do sau đây, trong đó có lý do thứ 3 là trường hợp hiện tại mà đa phần người lao động thắc mắc.

hình ảnh


Ảnh chụp Bộ Luật Lao động 2019. Nguồn: TVPL. 

Tuy nhiên không phải cứ muốn là viện lý do đó để cho người lao động nghỉ việc. Phía công ty cần phải thực hiện một số thủ tục cần thiết với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và với người lao động để đảm bảo tính pháp lý của việc này.

Quan trọng nhất vẫn là thời gian báo trước cho người lao động biết. Tùy theo loại hợp đồng lao động mà thời gian báo trước khác nhau. Cụ thể:

- Đối với người lao động đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì thời gian báo trước là ít nhất 45 ngày.

- Đối với người lao động đã ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thì thời gian báo trước là ít nhất 30 ngày.

- Đối với người lao động đã ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ dưới 12 tháng thì thời gian báo trước là ít nhất 03 ngày làm việc.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Luật Việt Nam. 

Hành vi cho nghỉ việc vì lý do này nếu không thực hiện thủ tục đúng quy định với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và với người lao động đều bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và phải bồi thường cho người lao động.

Theo đó, phải nhận họ trở lại làm việc như đã giao kết, phải trả tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN trong những ngày họ không làm việc và phải trả thêm cho người lao động ít nhất 02 tháng lương theo hợp đồng lao động.

- Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền nêu trên, người sử dụng phải trả trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng lao động.

- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người này đồng ý thì ngoài khoản trên còn được nhận trợ cấp thôi việc, 2 bên thỏa thuận khoản bồi thường thêm, ít nhất 02 tháng lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt.

Ngoài ra, nếu không còn vị trí, công việc đã ký hợp đồng mà người lao động đó vẫn muốn làm thì thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng, hoặc vi phạm thời gian báo trước thì phải trả tiền lương tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động của những ngày không báo trước.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam. 

Ngược lại, nếu công ty đã tuân thủ các quy định trên trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động ngay lúc giãn cách thì có những khoản sau đây người lao động có thể được nhận:

- Trợ cấp thất nghiệp.

- Trợ cấp thôi việc.

- Trợ cấp cho lao động bị mất việc do Cô-vít.

Sở dĩ em nói có thể vì mỗi loại trợ cấp cần đáp ứng đủ điều kiện quy định.

Đơn cử như trợ cấp thất nghiệp thì phải có giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng đúng quy định, đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi nghỉ việc đối với người lao động đã ký hợp đồng không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng trước khi nghỉ việc đối với người lao động đã ký hợp đồng thời vụ hoặc công việc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng; chưa tìm được việc làm mới và phải gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đến cơ quan BHXH.

Khác với trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc được người sử dụng lao động chi trả. Mức hưởng trợ cấp thôi việc được tính bằng việc lấy nửa tháng tiền lương bình quân 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc nhân với mỗi năm làm việc. Nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp này bằng tổng thời gian đã làm thực tế trừ đi thời gian người lao động đã đóng BHTN và thời gian được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm. Nên thành ra nhiều trường hợp tính theo cách này số nhận được bằng 0.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: VnExpress và Media Đà Nẵng. 

Đối với trợ cấp người lao động bị mất việc do Cô-vít thì sẽ phải xem các chính sách của địa phương đang có gói trợ cấp, xem mình có thỏa điều kiện của trường hợp nào thì áp dụng. Hiện có 2 chính sách hỗ trợ, của Chính phủ và của TP.HCM. 

Hy vọng những thông tin nêu trên giúp bà con hiểu rõ và có cách ứng xử phù hợp với tình huống thực tế của mình nhé. Chẳng ai muốn mình mất việc lúc khó khăn này, nên thôi cùng nhau cố gắng vượt qua nhé.