Tình hình có vẻ hơi căng rồi đó nha bà con, sáng nay đọc khắp các báo mới biết hiện Việt Nam mình tuy chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nhưng nguy cơ lây lan là rất lớn bởi bệnh này đã xuất hiện ở các nước láng giềng, gần với mình lắm rồi.

Theo một bài đăng trên báo Người Lao Động, Sở Y tế TP.HCM đã có chỉ đạo nhằm kịp thời kiểm soát và phòng chống lây nhiễm bệnh này.

hình ảnh


Ảnh: Các ban đỏ nổi trên tay một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam. 

* Đối với người nhập cảnh qua đường hàng không và hàng hải:

- Đo thân nhiệt.

- Nếu có triệu chứng nghi ngờ thì nhân viên kiểm dịch y tế tiến hành thăm khám, khai thác thông tin và lập phiếu điều tra dịch tễ. Thực hiện xong, nhân viên kiểm dịch sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới hoặc các Bệnh viện Đa khoa có khu vực cách ly để tiếp tục kiểm tra và theo dõi.

Tất cả những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ (nghĩa là từng tiếp xúc hoặc đi qua khu vực có người nhiễm bệnh) đều phải khai báo đầy đủ để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

* Đối với người dân:

- Nếu bà con có triệu chứng nghi ngờ thì hãy đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng phân công trách nhiệm đối với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập và tư nhân nếu tiếp nhận bệnh nhân và có nghi ngờ thì phải khám sàng lọc, phân luồng để tránh lây nhiễm. Nếu cần sẽ phải lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm.

Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần tự cách ly tại nhà nếu có đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng, còn không thì phải cách ly tại bệnh viện.

Được biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các ca nặng hoặc các trường hợp nghi nhiễm nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc bệnh viện hoặc các trường hợp được xác định là đã nhiễm bệnh.

Trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện, các cơ sở y tế trong và ngoài công lập đều phải báo cáo cho HCDC biết. Đồng thời, Sở Y tế sẽ liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ cho bà con biết nắm rõ nhằm có biện pháp phòng bệnh.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), triệu chứng cơ bản của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch, phát ban hoặc tổn thương trên da.

Sau khi sốt khoảng 1 đến 3 ngày, cơ thể sẽ nổi ban, đó có thể là vết ban phẳng hoặc nổi hột chứa dịch trong, hoặc vàng, đóng vảy và khô rồi rụng vảy. Số lượng các nốt nổi này có thể vài nốt cho đến vài nghìn nốt. Mới đầu thường xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay chân và sau đó lan ra các khu vực miệng, mắt và ‘bướm’... Các triệu chứng này thường sẽ kéo dài từ 2 tuần đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.

Theo các bác sĩ, những triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ hơn so với đậu mùa, không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch yếu, mắc bệnh này cần phải được theo dõi và điều trị tích cực đề phòng diễn biến xấu có thể xảy ra.

hình ảnhẢnh trái: Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Israel. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh phải: Ảnh minh họa. Nguồn: Thuốc Dân tộc. 

Qua thống kê cho thấy có từ 3% đến 6% số bệnh nhân qua đời vì không được phát hiện và điều trị sớm. Vì thế, bà con không nên chủ quan, nếu tiếp xúc gần với người bị nghi ngờ hoặc được xác định rõ là mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ bệnh viện quận, huyện gần nhất để được thăm khám và kiểm tra kịp thời nhằm tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Tất cả là để bảo vệ sức khỏe bản thân, người thân và cộng đồng.