Rời xa khỏi môi trường quen thuộc với những người thân yêu để đến một môi trường hoàn toàn xa lạ, với tất cả các bé mới vào mẫu giáo là điều vô cùng khó khăn.

Một trong những cảnh quen thuộc có thể bắt gặp ở cổng hoặc cửa lớp của các trường mẫu giáo khi vào đầu năm học đó là những gương mặt giàn giụa nước mắt; những màn búng chân, vặt tay giãy giũa của các bé lên 3, lên 4 nhằm vùng thoát khỏi các cô bảo mẫu.

Việc trẻ không muốn xa bố mẹ, ông bà để đi nhà trẻ là điều không hề dễ dàng và phải mất vài ngày trẻ mới có thể làm quen được. Bởi vậy, sẽ có những bé, nhập học đã 3-4 ngày rồi vẫn nước mắt, nước mũi ướt đẫm, vẫn tì tay níu chân không cho mẹ về.

Mới đây, một clip ghi lại hình ảnh một bé mới bắt đầu nhập học mầm non được 2 ngày. Và có lẽ nhiêu đó thời gian vẫn chưa đủ để bé có thể xem trường học là ngôi nhà thứ hai của mình nên đã có màn nhớ mẹ đến là thương.

hình ảnh

Ảnh cắt từ clip

Theo clip, em bé dường như đang được cô giáo cho ngồi ngay ngắn vào bàn ăn để dùng bữa xế gồm có sữa và bánh. Bé đã ăn được một ít bánh, còn chưa kịp dùng đến sữa nhưng chợt “nhớ bài lai” nên đưa ảnh mẹ trên thẻ tên lên ngắm nghía.

hình ảnh

Ảnh cắt từ clip

Trong khung cảnh mọi thứ vẫn còn quá mới mẻ, bữa ăn quá quen thuộc mà lại không có mẹ ở bên, chỉ có một tấm ảnh gợi nhớ thôi, đứa trẻ không cách nào có thể kìm nén hơn được nữa cơn nhớ mẹ đến cồn cào ruột gan.

Nước mắt giàn giụa cứ thế tuôn trào nhưng bé vẫn tỏ ra mình là chàng trai bản lĩnh, cố kìm nén cho qua cơn “bĩ cực” đầu đời.

hình ảnh

Ảnh cắt từ clip

Hình ảnh nhớ mẹ đáng yêu của bé trai nhanh chóng được nhiều người lan truyền và nhận về hàng nghìn lượt like.

Hẳn là mẹ của bé khi xem thấy những hình ảnh như vậy của con trai sẽ không thể kìm lòng được. Con đi học khóc như mưa thế nào thì cũng có những bố mẹ phải trốn con trong xe hoặc nấp ở một góc trường mà thút thít chứ không vừa gì.

Đúng thật, con lần đầu đến trường, xa cha mẹ, với cả phụ huynh lẫn học sinh đều ít nhiều khó khăn ban đầu.

Bố mẹ thì có thể khóc đó rồi chóng vượt qua nhưng con nhỏ thì không dễ dàng đến vậy. Ở tuổi lên 3, lên 4, khủng hoảng chia ly rất đáng sợ với trẻ và nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con mình vượt qua được rào cản tâm lý có thật đó.

Các thực hành cụ thể như sau:

1. Từ trước khi con đi mẫu giáo, phải tập cho trẻ làm quen dần quen với cảm giác “chia ly”

Trước khi con đi mẫu giáo, các mẹ phải để trẻ làm quen với việc “chia ly”, chẳng hạn, trước tiên sẽ cùng các bé đến trường mầm non chơi rồi chuyển dần dần thành buổi tham gia lớp học và cuối cùng là để bé đi học. Cố gắng dành thời gian đi cùng con vào lớp, sau đó là đứng ở trước lớp, rồi mới rời hẳn khỏi lớp. Khi đến giờ tan học, phải có mặt ở cửa lớp ngay khi lớp học kết thúc và phải xem đây là việc làm bắt buộc với mình. Đừng bao giờ để trẻ rơi vào trạng thái hụt hẫng khi đợi chờ quá lâu trong những ngày đầu đi học. Điều đó khiến trẻ có trải nghiệm chia ly rất đáng sợ và sẽ phản kháng trong lần đi học tiếp theo. Bằng cách này, các bé sẽ dần dần thích nghi với việc hòa nhập vào lớp học, kết bạn và khám phá thêm nhiều hoạt động bổ ích.

2. Hạ quyết tâm đưa đón con đi học đúng giờ

Như đã nói ở trên, việc để trẻ phải trở thành một trong những học sinh bị bố mẹ đón muộn sẽ đem lại trải nghiệm tồi tệ. Do đó, điều quan trọng không kém việc tập làm quen với cảm giác chia ly là không bao giờ đón con muộn.

Ngoài ra, cũng không nên dàn dựng cảnh chia tay sướt mướt với trẻ ở cổng trường mẫu giáo. Cha mẹ phải cứng rắn, tỏ rõ sự kiên định và chứng tỏ cho trẻ thấy bố mẹ hoàn toàn tin tưởng vào việc gởi con đi nhà trẻ. Càng cảm nhận được sự do dự ở nơi bố mẹ, trẻ càng trở nên lo lắng hơn, thậm chí cảm thấy “không đi mẫu giáo” có lẽ là hành động sáng suốt.

Một khi đã đưa ra quyết định thì phải thực hiện một cách kiên quyết, thay vì buộc phải thỏa hiệp phải cho trẻ thấy đâu là quy định, ranh giới và đem lại cho con cảm giác an tâm thật sự.

3. Trao đổi với con nhiều hơn về các sự việc, sự kiện diễn ra ở trường

“Hôm nay con đã làm gì ở lớp? Con có điều gì thú vị muốn nói với mẹ không? Cô giáo nói các bạn học trong lớp con đều rất giỏi và mẹ nghĩ con cũng rất tuyệt trong số đó." Nhờ những câu hỏi han thúc đẩy tương tác như vậy, trẻ sẽ cảm thấy mình được quan tâm, chăm sóc và tin rằng mình có thể làm được nhiều việc mà khi ở nhà trẻ không thể làm được. Nhận ra lợi ích của việc đi học sẽ giúp trẻ thích nghi nhanh hơn.