Ngồi dưới lớp, trống tim đập thình thịch, tay chân đổ mồ hôi khi cô thầy mở sổ gọi tên trả bài miệng đầu giờ. Từ bao lâu nay, trả bài vẫn luôn là một “đặc sản” khó quên của nhiều thế hệ học sinh.

Dù giữa thế hệ 7X, 8X và thế hệ Gen Z, Gen Y tồn tại nhiều điểm khác biệt nhưng theo một cách trật tự nào đó vẫn có một điểm chung bất dịch trong độ tuổi học sinh đó là ai cũng từng nếm “đặc sản” trả bài miệng.

Đã từng trải qua một thời học sinh, cắp sách đến trường, chắc hẳn không ai có thể quên được cảm giác ngồi dưới lớp cúi gằm mặt xuống bàn, trống tim đập thình thịch, tay chân run rẩy, đổ mồ hôi mỗi khi cô giáo, thầy giáo bắt đầu gọi tên lên trả bài đầu giờ.

hình ảnh

Một cách gọi học sinh trả bài theo hình thức random. Ảnh:

Dù có “nhất quỷ nhì ma” cỡ nào đi nữa thì đến giờ trả bài vẫn phải run sợ, đến nỗi muốn rớt tim ra ngoài. Nhiều học sinh và cựu học sinh cho biết dù có thuộc bài hay không thì cảm giác cũng đều như nhau. Có người gọi đó kỷ niệm để nhớ của một thời học sinh, nhưng không ít người, ngay cả khi đã rất lâu rồi không còn ngồi trên ghế nhà trường nữa vẫn không thể nào quên được cảm giác ấy.

“Vì chuyện này mà 15 năm rồi nghỉ học mà lâu lâu tui vẫn còn nằm mơ ám ảnh.”

“Tôi nay 40 tuổi rồi mà còn ngủ mơ thấy trả bài, là biết nó ám ảnh cỡ nào rồi.”

“Cuộc đời học sinh ngày xưa thật sự sợ hai chữ "trả bài"... Và cho đến tận bây giờ, U40 mà nó vẫn cứ văng vẳng bên tai hằng ngày...”

“Tui áp lực tới nỗi tới giờ là 13 năm rồi vẫn còn nhớ ngày cô gọi lên. Cô mặc đầm màu xanh dương.”

Trong một diễn biến khác, khi hay biết TP.HCM đề nghị giáo viên không gọi học sinh trả bài bất chợt thì ủng hộ cả hai tay hai chân bởi thỉnh thoảng trong mơ còn gặp:

“Phải chi thời mình đi học cũng vậy, riết rồi đau tim lúc nào không hay.”

 “Giờ mới ra, phải chi 20 năm trước thì đâu có mắc chứng hồi hợp, giựt mình.”

Số khác còn phân tích cả lý do vì sao không trả bài đầu giờ là hợp lý. Theo họ, cách tiếp cận kiến thức của học sinh bây giờ đã không còn như trước, thầy cô cũng có nhiều phương thức khác nhau để kiểm tra kiến thức học sinh nắm được chứ không nhất thiết phải gọi tên bất chợt khiến học sinh đến trường nơm nớp lo sợ, nảy sinh tâm lý đối phó.

“Nên là như vậy ! Học chủ yếu là để hiểu cốt lõi vấn đề, nếu chúng ta tạo áp lực nhiều quá lên học sinh học đối phó, chả có giá trị gì đọng lại.”

“Ngày xưa mỗi lần cô rà cây bút để gọi tên lên bảng trả bài là mình áp lực, lo lắng đến gây đau bụng, tim đập nhanh ảnh hưởng sức khỏe, dù mình học lực khá và siêng học thuộc bài. Nên bỏ hình thức này vì tạo môi trường vui vẻ cho học sinh. Các nước phương Tây từ lâu đã không có hình thức này, thời đại nào rồi còn áp dụng phương pháp trả bài lạc hậu, chẳng giúp ích gì. Học thuộc đấy rồi cũng quên ngay thôi. Nên áp dụng phương pháp học bằng video, hình ảnh, tranh luận nhóm sẽ giúp ích, giúp trẻ ấn tượng và nhớ lâu hơn.”

“Tôi đồng tình với ý kiến này. Chúng ta không nên tạo cho học sinh một áp lực nặng nề để đến trường. Ở nước ngoài họ luôn cho học sinh, sinh viên tinh thần thoải mái không áp lực về học bài. Mỗi buổi sáng kiểm tra bài học sinh, các thầy cô có thể soạn sẵn những bài trắc nghiệm của bài học hôm trước đó để đánh giá về hiệu quả học bài của học sinh. Không nhất thiết phải học thuộc lòng chỉ cần nắm ý chính của bài học.”

Bên cạnh đông đảo phụ huynh ủng hộ việc không trả bài học sinh đột ngột đầu giờ, vẫn có nhiều ý kiến khác cho rằng áp lực là một phần của cuộc sống. Học sinh cũng cần phải có áp lực mới chịu nỗ lực học tập, phấn đấu để đạt đến thành công. Thầy cô giáo trả bài học sinh cũng chỉ muốn rèn luyện tư duy học tập của các trò, nắm bắt được khả năng hiểu của học sinh để cải thiện cách giảng dạy. Một số còn khẳng định nhiều học sinh ngày trước nhờ có những nghiêm khắc của thầy cô mà bây giờ họ đã thành đạt và là niềm tự hào của gia đình.

“Nếu không áp lực thì không thành tài học. Không trả bài thì không phải đến trường đi học!!!”

“Cái gì học là phải học. Đi học mà bài còn không học thì nghỉ học cho rồi ạ.”

“Không sợ sao học, từ bao đời nay cha ông ta có đau tim đâu, thành tài hết đó thôi!”

“Xưa giờ những người đi học ai cũng là học sinh, cũng phải học đã có ai sợ học bài cũ mà lăn đùng ra đâu. Riết rồi cho nghỉ nhà tự học đi chứ đi học áp lực”

“Chính kiểm tra miệng hay giải bài trên bảng bất chợt như xưa học sinh mới chịu học bài đó, vì bị kiểm tra mà không thuộc bài là rất "quê" trước các bạn bè nhé nên ai cũng phải cố gắng nhớ kiến thức bài học trước cả. Thời còn đi học có vài giáo viên bộ môn cho phép học sinh nào nếu có lý do chính đáng chưa thể thuộc bài cũ thì cứ lên trình bày GV trước và chỉ được "tha" một lần trong kỳ thôi nhé.”

Thậm chí, có người còn lo học sinh có thể sẽ trở nên yếu đuối nếu luôn lo sợ phải đối mặt với áp lực: “Thầy cô bây giờ cũng khó thật. Chiều quá mốt học sinh có trở nên yếu đuối trong xã hội này hông ta.”

Hai luồng ý kiến rất rõ ràng, bên ủng hộ giữ và bên ủng hộ bỏ, bên nào cũng có lý riêng của mình. Các bố mẹ nhà mình có ý kiến gì về chuyện này đây ạ?